Tự truyện 'những kẻ dàn xếp tỉ số': Chàng trai Kampong (Kỳ 1)

Minh An
07:56 ngày 30-05-2015
Muốn tìm hiểu về dàn xếp tỷ số, không gì tốt hơn là nghe lời của một kẻ đã từng tham gia dàn xếp tỷ số.
Tự truyện 'những kẻ dàn xếp tỉ số': Chàng trai Kampong (Kỳ 1)

KHỞI ĐĂNG TỰ TRUYỆN “KELONG KINGS - NHỮNG KẺ DÀN XẾP TỈ SỐ”
LTS: Khi bị bắt vào năm 2011, Wilson Raj Perumal là nhân vật quan trọng bậc nhất trong một đường dây dàn xếp tỷ số có quy mô toàn cầu và cũng là một trong những tội phạm bị truy đuổi gắt gao nhất. 

Chúng tôi tiến hành khởi đăng tự truyện này với hy vọng cho bạn đọc một cái nhìn thấu đáo hơn, rõ ràng hơn về chuyện mà chúng ta vẫn thường nghe nhưng hãy còn khá mù mờ là dàn xếp tỷ số. Chúng không hề đơn giản như chúng ta vẫn tưởng, nhưng cũng không hề xa vời. Vòi bạch tuộc của chúng vươn đến những nơi xa nhất, những giải đấu nhỏ nhất. Không tin ư. Mời bạn đọc tự truyện.

Tên tôi là Wilson Raj Perumal, một người Ấn sinh tại Singapore. Ngày nay, Singapore đã là một quốc gia phát triển, không như năm 1965 khi tôi sinh ra. Cũng trong năm ấy, Singapore tách khỏi Malaysia và tuyên bố độc lập. Bố mẹ tôi sinh ra ở Malaysia, nhưng khi sự chia cách xảy ra, họ chọn sống ở Singapore, trở thành công dân của một quốc gia mới mẻ. Các anh em tôi cũng đều mang quốc tịch Singapore.

TUỔI THƠ DỮ DỘI
Tôi là đứa thứ 3 trong 5 anh em. Tôi có một anh trai và một chị gái, lại có thêm một em trai và một em gái, nghĩa là ngay chính giữa. Khi còn nhỏ, tôi là một cậu nhóc kampong (tiếng Malaysia có nghĩa là làng quê). Gia đình tôi có một mẫu đất nhỏ ở Chua Chu Kang, một vùng quê thuộc miền Tây Singapore, nơi có rất nhiều trang trại. 

Gia đình tôi sống dưới mức trung bình. Thời ấu thơ, tôi chứng kiến bố mình thường xuyên thất nghiệp trước khi trở thành một tay thầu khoán, mở công ty riêng. Ông không thích cá cược. Đấy là một người đàn ông cương trực. Bố tôi cũng có đai đen Judo và là một võ sư. 

Tôi cũng có nhiều bà con ở Johor, Malaysia. Tất cả đều làm việc trong đồn điền cao su. Khi được nghỉ học, tôi đều sang Malaysia để phụ họ. Công việc khởi đầu từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ chiều. Sau đó chúng tôi được nghỉ cả ngày.

Trong thập niên 1970, Singapore là một quốc gia kém phát triển. Người ta không thể xây hố xí tự hoại mà phải dùng những thùng đựng phân. Có khi đang “giải quyết nỗi buồn” ngon lành, nhìn xuống thì thấy cái thùng đâu mất. Hóa ra là những người Hoa đang tiến hành dọn dẹp thùng đựng phân định kỳ. Chúng tôi có điện, nhưng không có vòi nước trong nhà cho đến tận năm 1975. Mẹ tôi thường xuyên phải đi 5 cây số để hứng nước sạch về cho cả nhà uống. Cũng may là trong nhà có giếng để dùng cho việc tắm rửa.

Chúng tôi sở hữu một vườn nhỏ. Trong vườn có mít, chôm chôm, sầu riêng, dừa, chuối và vài cây ăn trái khác. Chúng tôi còn có cây cà ri và một cây rau củ dài, tiếng Tamil gọi là murungai. 

Đàn bà Ấn hay nấu murungai cho chồng ăn vì nó tốt cho sinh lực đàn ông. Mẹ tôi thuê một kẻ chuyên trèo cây dừa để thu hoạch dừa cho chúng tôi. Rồi bọn tôi gọt vỏ dừa cùng với vỏ các loại trái khác rồi mang bán cho bạn bè trong xóm, đổi lại một tí tiền lẻ. Khi nghỉ Hè, tôi cũng tìm những việc nhỏ nhỏ để làm. Tôi dùng tiền ấy mua sách và may đồng phục mới.

Khu Chua Chu Kang có bùn lầy ở mọi nơi. Lũ lụt diễn ra thường xuyên. Trong mùa lụt, thường xuyên có người chết do cột điện ngã xuống, gây rò điện. Khi tôi lên 7, một trận lụt đã khiến cả vùng ngập trong bùn. Bọn trẻ chúng tôi ra đường để giúp những chiếc xe chết máy, đổi lại một ít tiền. Khi nước dâng quá cao, mẹ cấm tôi ra khỏi nhà. Tôi đành ngồi nhà, vắt chân qua cửa sổ, nhìn chăm chú vào dòng nước xem nó có cuốn đồ vật gì đi ngang qua không. 

Một ngày nọ, tôi nhìn thấy một chiếc dù còn mới trôi ngang qua. Nhưng xa xa là đầu một bé gái đang ngoi lên ngụp xuống. Nó đang chết đuối. Tôi hét toáng lên kêu mẹ, nhưng nước quá mạnh. Hôm sau, người ta tìm thấy xác của bé gái ấy ở vùng Kranji Reservoir tận phía Bắc. 

Đường ray xe lửa gần nhà là một ký ức tang thương khác. Khi còn nhỏ, một trong những người bạn của mẹ tôi đã tự tử trên đường ray ấy vì không chịu nỗi sự vũ nhục của người chồng bạo lực. Những cặp đôi muốn cưới nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm cũng tìm đến đường ray để chết cùng một chỗ. 


Những năm ấy chúng tôi chưa có TV. Chúng tôi phải xem cọp ở nhà hàng xóm. Bố tôi rất thích xem bóng đá, ông ấy có nhiều bạn bè làm trọng tài ở Singapore. Một đêm nọ, khi tôi 11 tuổi, bố đánh thức tôi dậy. “Dậy nào, lại đây ngồi xem bóng đá với bố”. Đấy là trận đấu đầu tiên mà tôi xem trong đời: chung kết Cúp FA. 

Tôi không nhớ nhiều, hình như là M.U thua 0-1. Họ tấn công suốt 80 phút rồi bị thua sau một pha phản kích bất ngờ của đối thủ. Tôi trở thành fan của M.U luôn từ ngày ấy. Cả nhà tôi cũng đều yêu M.U. Nhưng cầu thủ số 1 của tôi qua mọi thời đại là Diego Maradona, khi ấy đá cho Napoli. Ngoài ra tôi còn mê Gheorghe Hagi, Johan Cruyff, Enzo Francescoli và Eder. Ngoài cầu thủ, thần tượng của tôi còn có huyền thoại điền kinh Sebastian Coe, huyền thoại quyền Anh Muhammad Ali và tay vợt John McEnroe.

Tiếng Anh của tôi khi ấy cực tệ dù đấy là môn bắt buộc ở trường, bên cạnh toán, lịch sử và khoa học. Mà bọn trẻ cùng lứa tôi cũng thế. Chúng nói thứ tiếng Anh trọ trẹ, đặc biệt là bọn Tàu. Chúng tôi thường xuyên trộn đủ thứ tiếng lại với nhau. Bọn tôi chửi thề rất kinh, nhất là bọn Tàu (lại là bọn này). Bọn nó mà gặp bạn trên đường là bao nhiêu thứ dơ bẩn sẽ tuôn xối xả vào mặt bạn. Bọn chúng chửi thề thay cho lời chào.

LẦN ĐẦU CÁ CƯỢC
Tôi cá cược lần đầu tiên ở tuổi 13. Tội cược M.U sẽ vô địch chung kết Cúp FA với một đứa hàng xóm lớn tuổi hơn. Nó thua, nhưng xù tiền cược. Tôi còn quá nhỏ nên chả làm được gì. Thời ấy tôi cũng chơi bài và thỉnh thoảng cũng đánh cá lặt vặt. Môn giết thời gian ưa thích là “si ki phuay”, một môn bài Tàu mô phỏng theo poker. Cờ bạc bị cấm ở Singapore nên bố mẹ cấm tiệt chúng tôi đánh bài ăn tiền. Cả đám phải kiếm chỗ bí mật để chơi.

Đến năm 16, bọn tôi đã đánh bài sau trường học, thỉnh thoảng vẫn bị cảnh sát đuổi chạy có cờ. Một lần nọ, tôi và đứa bạn chạy cùng một đường. Cảnh sát rút súng ra và hét lên: “Đứng lại không tao bắn”. Bạn tôi hoảng sợ, chạy chậm lại, nhưng tôi hét lên: “Mày ngu như bò. Ai mà bắn người tội đánh bạc chứ. Chạy đi”. Nhờ vậy mà 2 đứa đều chạy thoát về nhà.

Một lần khác, tôi và 2 đứa bạn bị tóm khi đang đánh bài dưới gầm cầu thang của một trung tâm mua sắm. Ngồi trong đồn tạm giam, không nhìn thấy cảnh sát gốc Ấn nào nên tôi quay sáng nói với 2 đứa bạn bằng tiếng Tamil. 

“Nè tụi bây, lát nữa khi lấy lời khai, nhớ nói là chỉ có 2 đứa chơi thôi, 1 đứa đứng coi nhe chưa”.
“Vậy 3 đứa mình đứa nào đứng coi”.
“Tao chứ ai, tao nghĩ ra mà”.

Tôi sinh ra không phải theo nghiệp học hành. Tôi là một học sinh trung bình, không giỏi, nhưng cũng không quá dốt. Thứ duy nhất tôi giỏi là thể thao. Dù mê bóng đá nhưng tôi bị thuyết phục tham gia đội điền kinh. Trong một cuộc thi chạy dọc miền quê, tôi đã về nhì. Tôi không phải là một VĐV giỏi bẩm sinh, tất cả đều do khổ luyện mà thành. Tôi mơ giành giải vô địch liên trường. 

LẦN ĐẦU TRỘM CẮP
Ở trường, tôi tham gia làm hướng đạo sinh. Nhờ thế mà tôi và một nhóm bạn có chìa khóa vào những khu vực như phòng nghe nhìn. Một đứa trong chúng tôi đánh được chiếc chìa khóa để vào phòng, thế là bọn tôi lẻn vào trường mỗi cuối tuần để xem phim đến tận nửa đêm. Một đêm như thế, chúng tôi quyết định trộm đầu video và bán nó với giá 500 USD ở chợ trời rồi chia nhau tiền.

Đấy là năm 1984 và tôi mới 18. Với số tiền trong túi, bọn tôi vào thành phố xem phim, chả nhớ phim gì. Khi vụ trộm bị phát hiện, trường đã trình báo với cảnh sát nhưng họ không thể tìm ra thủ phạm. Quen hơi, cả đám rước bạn ở ngoài trường vào chơi và lên kế hoạch cho một vụ trộm lớn hơn nữa. Khi ấy tôi đã kết thúc học kỳ 2 và bước vào chương trình tiền đại học. Lẽ ra tôi đã trở thành một thầy giáo, nhưng định mệnh của tôi đã rẽ sang một khúc cua khác.

Vào một cuối tuần nọ, đám bạn tôi vào phòng nghe nhìn và khua sạch mọi thiết bị điện tử trong đó. Rồi chúng tấn công căng tin để... ăn mừng. Một đứa tiện tay trôm luôn đôi giày đá bóng bán trong căng tin. Nhưng nó ngu đến mức mang luôn đôi giày ấy đi đá bóng giải toàn trường. Chủ nhân của đôi giày phát hiện, nó báo cho Hiệu trưởng và cảnh sát lại được mời đến. Tên tội phạm non nớt khai sạch.

Chúng tôi bị mời về lấy cung, nhưng không đứa nào nói gì. Thế là cả đám nếm mùi “Bắc cực”. Đây là một hình thức tra tấn phổ biến ở Singapore. Cảnh sát lột đồ tội phạm cho đi tắm vào 4 giờ sáng. Rồi khi người chúng còn đang ướt nhẹp và run cầm cập thì được cho vào phòng máy lạnh hết cỡ. Nếu như đi “Bắc cực” rồi mà còn chưa khai thì đến màn tiếp theo. Cảnh sát sẽ đánh tội phạm vào những chỗ mà không để lại dấu vết. 

Tôi bị lĩnh án tù treo. Bố tôi cố làm ngơ việc ấy nhưng mẹ thì không. Bà ném tất cả mọi thứ mình có trong tay về phía tôi. Vốn đã tham gia và có thành tích ở giải thể thao liên trường, tôi đã lần đầu lên báo với hàng tít: “VĐV học đường bị tóm vì ăn trộm”. Tôi hết còn dám đến trường sau khi “nổi tiếng”. Cũng may là đợt ấy cũng đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự, 2 năm rưỡi bắt buộc cho mọi công dân Singapore.

Tôi đã có những trải nghiệm thú vị trong quân ngũ, thậm chí tôi còn quyết tâm thi vào hải quân. Thành tích thể lực của tôi rất tuyệt vời. Nhưng họ đã từ chối tôi vì có tiền án tiền sự. Tôi thật sự suy sụp và trở nên mất phương hướng. Ước mơ phục vụ quốc gia và trở thành công dân gương mẫu của tôi tan vỡ. 

NHÚNG CHÂN VÀO GIỚI CÁ CƯỢC
Đến năm 19, tôi tham gia cá cược một cách nghiêm túc. Một đứa bạn, Kanan, đến nói với tôi: “Này Wilson, tao vừa đến Jalan Besar xem một trận bóng và thấy bọn nó cá cược ngay trên khán đài, bọn Tàu ấy”. Jalan Besar là một sân rất nổi tiếng gần khu Tiểu Ấn, đấy là cái nôi của bóng đá Singapore. 

Thuở ban đầu đội tuyển Singapore chơi rất bốc và Fandi Ahmad là cầu thủ tuyệt vời nhất thời ấy, nếu không muốn nói là tuyệt vời nhất qua mọi thời đại. Ngoài đời thường, anh ấy rất gần gũi dù đã từng sang châu Âu đá cho FC Groningen và ghi bàn vào lưới Inter Milan trong một trận đấu tại Cúp UEFA. 

V. Sundramoorthy là một tài năng khác, anh ấy đánh gót rất điệu nghệ. Fandi và Sundram đều gầy dựng tên tuổi tại đội tuyển khi mới 16. Họ và những huyền thoại khác đã biến Jalan Besar thành Maracana của Singapore.

Kanan nhắc lại chuyện mấy tay cá cược ở Jalan Besar. Cả 2 đều thống nhất: kiến thức bóng đá mình vượt trội hơn, mình dứt khoát phải thắng nếu chơi cá cược. Quả nhiên là có một buồng cá cược ngang nhiên hoạt động ở một góc khán đài dù đánh bạc bị cấm tại Singapore. 

Tỷ lệ cược ngày ấy rất thô sơ, nhà cái chờ sát giờ ra sân, nhìn qua danh sách thi đấu rồi mới ra kèo. Giây phút ra kèo, người ta mở buồng, la lên: “Đỏ chấp nửa trái”. Tôi đã bước chân vào thế giới cá cược từ ngày ấy...

PHI LỘ
Khi tôi bị tóm ở Phần Lan, đa số mọi người đều nghĩ tôi sẽ bị dẫn độ về Singapore và ngồi bóc lịch trong 5 năm. Không ai ngờ được chuyện dàn xếp tỷ số sẽ được phơi bày trước công chúng. Không ai ngờ là cảnh sát sẽ kiểm tra mọi thông tin trong điện thoại, laptop và tài sản của tôi.


Ngày ấy tôi vừa hạ cánh xuống sân bay Vantaa, Helsinki, Phần Lan. Cảnh sát xuất hiện và đưa tôi về khu tạm giữ. Tôi mơ hồ cảm nhận chuyện chẳng lành. Đây không phải là một cuộc kiểm tra bất chợt mà là một sự theo dấu từ trước. Họ đã để vuột tôi ở Rovaniemi và khi vừa thấy tôi xuất hiện ở Vantaa, cảnh sát quyết không bỏ qua cơ hội. Sau khi kiểm tra hộ chiếu, họ dẫn tôi xuống phòng giam của cảnh sát ở sân bay.

“Anh dùng hộ chiếu giả”, một nhân viên nói. Tay anh ta cầm một bức ảnh to. 

Tôi không thể nhận ra chiếc áo sơ mi mà mình mặc trong bức ảnh ấy. Có vẻ như ảnh đã được chụp từ rất lâu. Viên cảnh sát kiểm tra bức ảnh thật lâu trước khi chăm chú nhìn tôi.

“Không phải gã này”, anh ta nói rồi tìm trên trán tôi xem có vết sẹo như mô tả không.
Không có.
“Không phải”, viên cảnh sát xác nhận lần nữa. “Không phải gã mà ta định tìm”.

Nhưng cảnh sát ở Rovaniemi nhấn mạnh là họ vẫn sẽ giữ tôi lại để kiểm tra kỹ lưỡng hơn nữa.

Mới một ngày trước, cảnh sát đã tóm nhầm một gã Ấn Độ tại khách sạn Rovaniemi.
“Hey, anh có phải là Wilson Raj Perumal không?”.
“Vâng, tôi là Perumal, nhưng không phải Wilson Raj”.

Ai đó đã tuồn cho chính quyền Phần Lan lý lịch thật của tôi: quốc tịch Singapore, gốc Ấn Độ, tên thật, hình ảnh. Cảnh sát đã gọi đến mọi khách sạn trong thành phố. Một kẻ nào đó còn tuồn bức ảnh cũ rích của tôi để cảnh sát kiểm tra nhân dạng. Nhưng ai cơ chứ?

Đêm trước khi bị tóm, tôi có một cuộc cãi vã với một tay Singapore ở Macao, Benny. “Dám thằng Benny chơi mình lắm”, tôi nghĩ. Tôi và Benny mâu thuẫn về số tiền tôi nợ hắn, khoảng 900.000 USD. Tôi thua tiền ấy khi đặt cược vào các trận đấu tại Premier League. Nhưng đã trả cho Benny được gần 800.000 USD. “Tao sẽ trả nốt 300.000 USD, cả tiền lãi, cho tao ít thời gian,” tôi viết mail cho Benny.

“Đếch được, bọn nó đang dí tao kinh lắm”.
“Trao trả mày 800.000 rồi còn gì. Chả lẽ còn 300 không trả nỗi hả mày. Vài tháng là xong”.
“Tao biết mày đang dùng tên gì, hộ chiếu của mày tên Raja Morgan Chelliah”.
“Biết thì sao? Làm gì kệ mẹ mày”.

Giờ nghĩ lại, tôi đinh ninh chính Benny chơi mình. 
Nhưng tại sao nó muốn tôi vào tù? Nếu tôi bị tóm, ai trả tiền cho nó!


VÀI ĐIỀU VỀ TÁC GIẢ
Wilson Raj Perumal (31/7/1965) là một công dân Singapore, bị kết án tù về tội danh dàn xếp tỷ số. Wilson Raj Perumal là cổ đông của một tập toàn dàn xếp tỷ số khổng lồ đặt trụ sở ở Singapore. Tập đoàn này đã từng thao túng kết quả của vô số trận đấu từ lớn đến nhỏ trên toàn cầu. Perumal bị bắt tại Helsinki, Phần Lan, vào năm 2011. 


Ông trở thành người dàn xếp tỷ số châu Á đầu tiên chấp nhận hợp tác với cảnh sát. Không dừng lại ở đó, Wilson Raj còn dùng khoảng thời gian trong tù để viết nên một cuốn sách gây chấn động toàn cầu mang tên Kelong Kings (Kelong là tiếng lóng trong tiếng Malaysia để chỉ những kẻ dàn xếp tỷ số - ND). 

Là một tay tổ trong làng dàn xếp tỷ số, những chi tiết Wilson Raj viết trong sách đều có giá trị rất cao và mở ra những cánh cửa bí mật luôn khép im ỉm. Chỉ có một điều mà cả tác giả lẫn người dịch loạt bài này muốn khuyên bạn: hãy cân nhắc trước khi đọc vì sau khi đã đọc, rất có thể bạn sẽ không còn xem bóng đá với tâm thế vô tư như trước đây nữa.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x