CLB Athletic Bilbao - Niềm Tự Hào Xứ Basque - Tinh Thần Xứ Basque

Bóng đá đôi khi không chỉ là một trò chơi hay một môn thể thao. Đôi khi, đó là cách duy nhất để con người thể hiện bản sắc, tinh thần và sự kiêu hãnh của mình, như cách mà CLB Athletic Bilbao và xứ Basque đã thể hiện trước chủ nghĩa Phát xít!
 

Khi Pablo Picasso hoàn tất một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của ông vào năm 1937, nó đã khiến cả thế giới chấn động. Guernica là một bức bích họa sơn dầu kỳ vĩ được tạo tác bởi một thiên tài, tiêu biểu cho số phận chung của con người trước những thống khổ và sầu thương của chiến tranh.

Đó là một kiệt tác nói với nhân loại và thế giới văn minh về sự hủy diệt, đồng thời dẫn dắt họ bước vào con đường của hy vọng hòa bình. Người ta tin rằng bức tranh này đã trở thành một biểu tượng văn hóa vĩnh hằng, là câu trả lời trực tiếp của người nghệ sĩ sau cuộc không kích tàn bạo ở Guernica vào ngày 26/4/1937.

Không quân của Đức Quốc Xã khi đó đã thực thi yêu cầu của tướng Franco, lãnh đạo phe Quốc Gia Tây Ban Nha trong cuộc nội chiến ở nước này.

Guernica, một thị trấn nhỏ bé trầm lặng thuộc tỉnh Biscay (Bizkaia) ở xứ Basque, nằm ở trung tâm của văn hóa và truyền thống Basque. Thị trấn này lâu đời nhất ở Basque, là thành trì của những người Cộng Hòa, là rào cản trước khi phe Quốc Gia có thể tấn công thành phố Bilbao.

Đó là một buổi chiều nắng ấm vào ngày diễn ra phiên chợ của Guernica. Các phi cơ Luftwaffe khét tiếng đã ném bom rải thảm xuống thị trấn, nắn lại vĩnh viễn dòng lịch sử của đất nước Tây Ban Nha. Guernica trở thành biểu tượng cho sự kháng cự, kiêu hãnh, và chống đối tới cùng của xứ Basque với chính quyền trung ương Madrid.

Bất chấp những hỗn loạn đó, bóng đá đã luôn là một phần không thể tách rời của nền văn hóa xứ Basque tuyệt vời, và những CLB đậm màu sắc bản địa như Deportivo Alaves, SD Eibar, CA Osasuna, Real Union và Real Sociedad đã trở nên cực kỳ quan trọng trong việc gìn giữ và truyền lại truyền thống, nền văn hóa, và những cảm xúc đó.

Tuy nhiên, không đội nào đạt tới tầm cao như Athletic Bilbao. Đội bóng không chỉ mang theo truyền thống của xứ này, mà trở thành một công cụ truyền tải quan điểm chính trị chống đối chính quyền trung ương và trực tiếp kêu gọi thành lập một nhà nước độc lập cho xứ Basque. Ở xứ Basque, Gernikako Arbola là một cây sồi biểu tượng cho tinh thần tự do đã ăn vào huyết quản, và chính cây sồi đó xuất hiện trên huy hiệu của CLB Athletic Bilbao - cả hai đều là những niềm kiêu hãnh của vùng đất này.

Ngày mà Guernica bị đánh bom, một nhóm các cầu thủ người xứ Basque đang ở Paris đá cho ĐT Xứ Basque có tên gọi là Euzkadiko Selekzioa. Đội bóng này có rất nhiều cầu thủ ủng hộ phe Cộng Hòa và chính quyền xứ Basque. Họ chơi bóng đá cũng nhằm để gây quỹ cho phe Cộng hòa trong cuộc nội chiến và để mở rộng chiến dịch tuyên truyền chống lại tướng Franco cùng các đồng minh của ông - đáng kể nhất là 2 trùm Phát xít là Adolf Hitler và Benito Mussolini.

Thủ lĩnh của đội bóng là hai anh em đang chơi cho Real Madrid - Pedro và Luis Regueiro. Sinh ở Barakaldo, một thành phố thuộc xứ Basque, anh em nhà Regueiro là những người theo phe Cộng Hòa. Lúc bấy giờ, tướng Franco là CĐV số một của đội bóng Hoàng gia Real Madrid, biểu tượng của chính quyền trung ương.

Anh em nhà Regueiro, vì thế, bị coi là nổi loạn, và làm chuyện động trời khi dùng bóng đá để gây quỹ từ thiện cho trẻ mồ côi, nạn nhân chiến tranh và các bệnh viện nằm trong lãnh địa của phe Cộng Hòa. Họ coi như đã đặt bút ký vào bản án tử cho sự nghiệp của mình ở Madrid, và thậm chí là cả một án tử hình theo nghĩa đen với chính mình.

Emilio Alonso Larrazabal, tức Emilin, một thanh niên mới 21 tuổi đã được coi là một trong những tiền đạo hay nhất của bóng đá Tây Ban Nha và Real Madrid, cũng có mặt trong đội hình đó. Năm 1937, anh em nhà Regueiro và Emilin là người Basque chính gốc, được chính quyền Cộng Hòa ở xứ Basque chọn vào tour du đấu khắp châu Âu và ở Liên Xô để gây quỹ cho bệnh viện, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của thế giới trong cuộc nội chiến.

Tướng Franco làm tất cả những gì có thể để cản trở điều đó. Báo chí ở Madrid loan đi tin đồn Luis Regueiro chết trong chiến tranh vì bị trúng đạn lạc. Tuy nhiên, đội bóng vẫn tới được Paris, nơi họ chơi trận giao hữu đầu tiên với Racing Paris và thắng 3-0, vào đúng cái ngày định mệnh 26/4.

Ngay sáng hôm sau, họ nhận được tin tức về vụ đánh bom Guernica. Đội bóng đi từ đau buồn tới ám ảnh. Luis Regueiro nhận thấy mình không thể để tinh thần các đồng đội xuống quá thấp và quyết biến đau thương thành hành động. Ông đã gặp từng người một và động viên họ phải tiếp tục tour du đấu, giờ đã trở thành một sứ mệnh thiêng liêng.

Họ đá thêm vài trận ở Pháp và các nước châu Âu khác trước khi tới Liên Xô. Lúc họ đang ở Moscow thì nhận được tin tức Bilbao đã thất thủ, kể từ đó, hầu hết các cầu thủ sống lưu vong ở hải ngoại, nhiều người không bao giờ nhìn thấy quê hương nữa.

Cuộc chiến kiêu hùng chống lại sự bạo tàn, chống lại chủ nghĩa Phát xít, chống lại chế độ độc tài đã khởi đầu cho một truyền thống hàng trăm năm, cho ngọn lửa cháy mãi mà Athletic de Bilbao mang theo tới tận bây giờ.

 

"Arriba! Arriba!! Que en euskadi se prepara. La revolucion…" Những khán đài ở San Mames rung chuyển vì tiếng hô đồng thanh của các CĐV Bilbao. Những gì họ hô vang nghĩa là "Bay cao! Bay cao! Xứ Euskadi (tức xứ Basque) chuẩn bị cho cuộc cách mạng".

Âm thanh vang vọng qua các hành lang, đường hầm lớn dẫn vào sân và mỗi góc của sân bóng lịch sử này. Họ gọi San Mames là một thánh đường, một nơi không nơi nào sánh được và là một tòa kiến trúc xây dựng trên lòng trung thành. "Điều kỳ vĩ về sân bóng này không phải là kiến trúc, mà là những gì xảy ra ở đây", HLV Marcelo Bielsa nói trong một cuộc họp báo năm 2013. "San Mames luôn là mảnh đất thiêng liêng".

San Mames với Bilbao cũng như Camp Nou với Barcelona, và còn hơn thế nữa. Họ cũng rất giống nhau. Xứ Basque và xứ Catalonia đều là những vùng đất bị đàn áp dưới thời tướng Franco, đều tìm kiếm độc lập khỏi chính quyền trung ương, và đều có biểu tượng mang tính sinh tồn là những đội bóng của họ: Barcelona và Athletic Bilbao.

Hầu hết cư dân xứ Basque của thời hiện đại lớn lên dưới những bức tranh Guernica chép lại của Picasso treo trong nhà họ, hay ở những nơi công động, và ngay từ trong vô thức, đã thù ghét Madrid cũng như tất cả những gì liên quan đến nơi này, ví dụ như Real Madrid.

Niềm kiêu hãnh của Athletic Bilbao, biệt danh Los Leones, là từ đống tro tàn của cuộc nội chiến, của bom đạn đổ lên đầu Guernica. Bóng đá như thế trở thành vũ khí của đám đông, thành nơi bộc lộ cảm xúc của xứ Basque.

Nếu nhắc lại trận chung kết Cúp nhà Vua 2015 giữa Barcelona và Athletic Bilbao ở Camp Nou, nhiều người hẳn sẽ nghĩ ngay tới bàn thắng solo ngoạn mục của Lionel Messi. Nhưng đó không chỉ là cuộc đối đầu giữa tinh thần nghệ sĩ Catalonia và tinh thần đấu sĩ xứ Basque. Còn đâu là nơi thể hiện tinh thần quốc gia tốt hơn trong một trận tranh Cúp nhà Vua TBN.

CĐV cả hai đội đã đồng tâm nhất trí hò hét vang trời cắt ngang bài quốc ca Tây Ban Nha, được cử lên trước trận, đồng thời vẫy cao ngọn cờ đòi độc lập của họ và huýt sáo vang dội, trong khi Vua Juan Carlos chứng kiến tất cả từ khán đài.

Giống như ở Catalonia, nếu đi bát phố ở xứ Basque, chúngta sẽ bắt gặp cảm xúc chống Tây Ban Nha mãnh liệt. Đâu đó sẽ có những bức tường với graffiti tuyên bố: "Guernica không phải là Tây Ban Nha". Bilbao cũng bị đồn đại là có liên quan tới tổ chức cực đoan ly khai xứ Basque ETA (Euskadi Ta Askatasuna).

Bạo lực không phải là một phần của đội bóng, nhưng lòng quyết tâm duy trì bản sắc thì chắc chắn rất mãnh liệt. Họ tự coi mình là "người Mohican cuối cùng" của bóng đá hiện đại: Tự hào với những nghệ sĩ bóng đá như Rafael Moreno Aranzadi - tức Pichichi - và Telmo Zarra, nhưng CLB chưa bao giờ mở cửa cho những người không phải gốc Basque.

Zarra thực sự là biểu tượng cho tinh thần đó. Người ta vẫn kháo nhau bàn thắng đẹp nhất mà Telmo Zarra ghi cho Bilbao là bàn thắng chưa bao giờ được ghi. Trong một trận gặp Valencia, Zarra đã vượt qua cả hàng thủ đối phương, nhưng khi đối mặt với thủ môn đang nằm sân vì chấn thương, huyền thoại này đã đá bóng ra khỏi sân, trong tiếng vỗ tay vang dội trên khán đài. Đó là tinh thần xứ Basque: hy sinh, bác ái, và luôn vượt lên trên thắng thua thường tình.

Athletic là một trong những thành viên sáng lập của La Liga năm 1928, cùng với Real Madrid và Barcelona là những đội chưa từng xuống hạng. Những năm 1930-1950, họ cũng là một trong các CLB thành công nhất nước. Tới nay, Athletic có 8 chức vô địch La Liga và 24 Cúp nhà Vua (chỉ kém Barcelona).

Bilbao cũng lừng danh với chính sách chỉ tuyển cầu thủ xứ Basque, bao gồm vùng Biscay, Gipuzkoa, Alava và Navarre (ở Tây Ban Nha), và Labourd, Soule và Hạ Navarre (ở Pháp). Trong thời đại toàn cầu hóa, đó là một thiệt thòi rất lớn, nhưng Athletic đã nâng niu truyền thống của họ hơn là các chiến thắng.

Trong một cuộc thăm dò của tờ El Mundo, hơn 3/4 các CĐV Athletic được hỏi đã nói họ thà thấy CLB xuống hạng còn hơn là phải hủy bỏ chính sách chỉ chiêu mộ cầu thủ bản địa.

 

Vicente, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là chinh phục. Tên tiếng Pháp tương ứng là Vincent, còn ở tiếng xứ Basque là Bixente. Khi Bixente Lizarazu ra đời, một nhân viên ở tòa thị chính đã từ chối đăng ký tên tiếng Basque cho anh mà sử dụng cái tên Vincent trong tiếng Pháp.

Phải mãi tới năm 1996, Lizarazu mới được quyền sử dụng tên tiếng Basque của mình. 1996 cũng là năm mà Girondins de Bordeaux vào chung kết UEFA Cup (Cúp C3) gặp đối thủ hùng mạnh Bayern Munich. Bixente đeo băng đội trưởng Bordeaux, cũng là trận cuối cùng của anh cho CLB này.

Các ngôi sao mới nổi khác như Christophe Dugarry và Zinedine Zidane là đồng đội của anh. Khi Bayern đánh bại Bordeaux 3-1, các CĐV đã vỗ tay hoan hô hậu vệ trái của đội bóng Pháp nhiệt liệt khi anh rời sân bằng cáng bởi một pha va chạm cực mạnh. Lizarazu hẳn không nghĩ rằng những năm sắp tới cuộc đời anh lại nhiều sóng gió như thế.

Lizarazu đã sống cả đời ở phía đông vịnh Biscay, lớn lên trong nền văn hóa Pháp - xứ Basque đậm đặc và lướt ván trên những bãi biển tuyệt đẹp của vùng tây nam nước Pháp. Sau sự nghiệp ấn tượng ở Bordeaux, anh có khá nhiều lựa chọn lớn hơn. PSG muốn có anh. Arsenal cũng đã đưa ra một đề nghị. Tuy nhiên, lớn lên ở xứ Basque, anh không mặn mà với việc chuyển sang những thành phố như Paris hay London.

"Tôi nghĩ mình sẽ ngạt thở ở đó, sẽ rất nhớ nơi này, như một kẻ chăn chiên nhớ đồng cỏ của mình", Lizarazu nói. Cuối cùng, anh đi tới lựa chọn an toàn nhất - Athletic Bilbao - chỉ cách một giờ lái xe so với nhà anh ở Hendaye, thị trấn bên kia con sông tươi đẹp Bidasoa. Đó là một vụ chuyển nhượng lịch sử. Lizarazu là cầu thủ nước ngoài đầu tiên chơi cho Bilbao - dù vẫn là người Basque.

"CLB này đã luôn gìn giữ bản sắc Basque, dù tôi là dân Basque phương Bắc đầu tiên đá ở đó. Nhưng tôi biết mình sẽ không bị coi là kẻ ngoại tộc", anh kể. Hành trình của Lizarazu khởi đầu khá suôn sẻ. Anh hài lòng, và các CĐV cũng thế. Lizarazu thậm chí đã có thể hát được bằng tiếng Euskara trong một lễ Giáng sinh đặc biệt do hội CĐV tổ chức.

Mọi thứ trở nên tồi tệ khi Lizarazu mắc vào xung đột với tân HLV Luis Fernandez, người chuyển đến từ PSG. Fernandez là một trong những tiền vệ giàu ảnh hưởng ở Bilbao thời những năm 1980, và tiếng nói của ông tại CLB này rất có trọng lượng. Điều đó, cộng thêm chấn thương cơ của Lizarazu, khiến anh chỉ đá 16 trận trong cả mùa. Anh sau đó quyết định chuyển sang Bayern Munich.

Xứ Basques yêu những người con của mình nhưng cũng căm ghét những kẻ phản bội. Mong muốn chuyển tới Bayern của anh ngay lập tức làm dấy lên sự giận dữ. Lizarazu bị coi là một "lính lê dương" không tôn trọng bản sắc xứ Basque. Anh rất bối rối. Lizarazu đã lớn lên trong một gia đình xứ Basque, với tất cả truyền thống và văn hóa của vùng đất đó. Anh đặt cho con mình một cái tên xứ Basque, Tximista, tiếng Basque nghĩa là sấm sét. Vậy mà anh bị coi là một kẻ phản bội.

Cú sốc thật sự vẫn chưa đến. Ngày 12/12/2000, một phong bì được gửi tới Hendaye. Lúc đó, Lizarazu đang ở Paris với bạn gái để ăn mừng sinh nhật. Cha mẹ anh nhận thư. Lá thư không có chữ ký nhưng được đóng triện bên ngoài - một con rắn quấn mình quanh cây rìu, một hình ảnh lạnh sống lưng, bởi đó là biểu tượng của ETA, tổ chức ly khai xứ Basque với những hành động khủng bố tàn bạo.

Phải nhiều năm sau này, Lizarazu mới tiết lộ những gì viết trong lá thư khi in tự truyện. "Chúng tao rất lấy làm giận dữ vì mày đi bảo vệ màu cờ sắc áo cho một quốc gia thù địch", lá thư viết. "Mày đã nhận một khoản tiền lớn để phục vụ một đất nước đàn áp đã ăn cướp của người dân Basque. ETA viết thư này cho mày bởi chúng tao cần sự hỗ trợ trong cuộc chiến chống chính quyền TBN, còn mày lại nhận tiền của kẻ thù. Nếu không hồi đáp, chúng tao không thể bảo đảm cho mày và gia đình mày".

Lizarazu đạt tới đỉnh cao sự nghiệp của anh khi anh giành Cúp Vàng thế giới 1998 trong màu áo ĐT Pháp. Việc anh thành công trong màu áo ĐT Pháp, nơi cũng bị coi là một quốc gia đàn áp xứ Basque, khiến anh trở thành mục tiêu với ETA và Lizarazu được cả đặc vụ Pháp lẫn Đức đưa vào diện bảo vệ 24/24.

"Ở Đức, tôi tới sân tập của Bayern trong xe bọc thép và hai tay súng ngồi hai bên. Ở xứ Basque, mỗi buổi sáng họ kiểm tra xe tôi, nhìn gầm xe xem có đặt bom không. Ở sân bay, tôi phải đi lên máy bay theo đường riêng, vốn chỉ dành cho nguyên thủ quốc gia", Lizarazu kể lại.

Điều đáng nói là 15 năm sau, lịch sử lặp lại.

 

Casco Viejo là một khu phố từ thời trung cổ của Bilbao nổi tiếng với những cửa hàng và quán rượu rộn ràng. Thị trấn trầm tĩnh và khiêm nhường này đã là chứng nhân cho những điều phi thường vào một tối Chủ nhật sau khi Real Betis đánh bại Athletic 5-3 ở San Mames. Hôm đó là ngày 19/8/2012.

Một trong những cửa hàng nhượng quyền chính thức của Athletic Bilbao bị đập phá và có người sơn lên cửa sổ kính "Llorente muérete español" (Llorente, thằng Tây Ban Nha, mày chết đi!) và "Llorente bastardo muérete" (Llorente, đồ khốn, chết đi!).

Vài tháng trước, không ai ngờ đến điều này. Fernando Llorente, được yêu mến đặt cho biệt danh "El Rey Leon - Vua sư tử", ra đời ở vùng Navarre cạnh xứ Basque. Athletic Bilbao, với biệt danh là Los Leones, hay Bầy Sư Tử, đã trao biệt danh Vua Sư Tử cho cầu thủ hay nhất của mình.

Llorente gia nhập học viện trẻ Athletic vào năm 1996 khi anh mới 11 tuổi và đã trở thành một vị thánh bảo hộ của CLB. Mùa trước đó, anh đã ghi tới 29 bàn cho đội bóng và đóng vai trò quyết định giúp Bilbao lại bước vào nhóm các đội bóng lớn lần đầu tiên ở thời hiện đại khi họ đánh bại gã khổng lồ Man United 5-3, tỉ số chung cuộc của vòng 16 đội Europa League.

HLV của đội bóng đó là Marcelo Bielsa, người mà trong thời gian ngắn ngủi 2011-2013, đã ấn định một thứ bóng đá bùng nổ lên Bilbao và đưa họ vào chung kết Cúp Nhà Vua (thua Barcelona) và Europa League (thua Atletico Madrid).

Đội hình trẻ này không chỉ đánh bại Man United mà còn hành hạ đối thủ ngay tại Old Trafford, buộc David de Gea phải cứu thua hết lần này tới lần khác trước một Sir Alex Ferguson giận dữ và bất lực. Trong trận lượt về, Llorente ghi bàn với cú vô lê chân phải sấm sét ở phút 23 mở tỉ số trong tiếng la hét như muốn sập khán đài của các khán giả ngồi kín sân San Mames. Nhưng chỉ vài tháng sau, tất cả đảo lộn.

Ở xứ Basque, tham vọng cá nhân luôn phải nhường chỗ cho tinh thần địa phương. Cậu bé mắt xanh của Bilbao mắc kẹt giữa nền văn hóa trung thành sâu sắc của vùng đất và khát vọng được chơi cho một CLB lớn hơn. Vào cuối mùa giải 2011/12, Llorente từ chối gia hạn hợp đồng, sẽ hết vào mùa sau đó.

Các CĐV đều muốn thấy sự nhượng bộ, nhưng Llorente đã không nhượng bộ. Người đồng hương của anh là Javi Martinez, một cầu khác chơi rất hay mùa trước, cũng trở thành tội đồ vì việc chuyển sang Bayern Munich.

Ngày trước trận gặp Betis, khi Llorente đang tập ở sân Lezama, hàng trăm CĐV đã la hét nhục mạ anh, họ mang theo một tấm băng-rôn trắng khổng lồ với dòng chữ đỏ sẫm: "Mercenarios kanpora - Bọn lê dương thuê cút đi". Chàng trai từng được ngưỡng mộ ở San Mames vài tháng trước giờ bị coi là lính đánh thuê. Quan hệ của anh với các CĐV Bilbao và cả chủ tịch Josu Urrutia ngày càng xấu đi, Fernando rốt cuộc ra đi, tới Juventus vào mùa Hè 2013.

Việc Athletic khăng khăng không mua các cầu thủ không phải người xứ Basque, thực tế là ETA hoạt động mạnh ở đây, cùng cách họ đối xử với những người ra đi như Llorente hay Lizarazu có thể bị coi là chủ nghĩa dân tộc quá khích - thậm chí là bài ngoại, nhưng ở Basque là như thế.

Khi ĐT TBN lên ngôi VĐTG năm 2010, dân xứ Basque chẳng lấy thế làm vui mừng. World Cup diễn ra đúng vào lúc đất nước TBN đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính. Danh hiệu giúp đất nước phần nào đoàn kết lại, nhưng không hoàn toàn. Chúng ta thấy các lễ ăn mừng khắp TBN, ở Barcelona, và ở Galicia, nhưng ở Basque thì rất trầm lắng.

Thật ra, phần lớn người Bilbao không phải là ghét TBN, mà chỉ bởi họ quá yêu vùng đất của mình. Sau chức vô địch World Cup, ở Bilbao, quan điểm chung về TBN không thay đổi nhiều. Trong một quán bar có màn hình lớn phục vụ khách xem bóng đá kèm theo tấm băng-rôn: "Ở đây toàn CĐV Hà Lan - đối thủ của TBN ở trận chung kết. Không tiếp dân TBN". Một số CĐV còn không muốn cầu thủ Basque lên tuyển. Euskal Selekzioa (ĐTQG xứ Basque) không phải là thành viên FIFA hay UEFA, nhưng vẫn đều đặn đá giao hữu với các đội là thành viên FIFA.

Đã 41 năm trôi qua từ thời tướng Franco, nhưng cảm xúc chống đối vẫn ăn sâu trong nền văn hóa Basque. Thời Franco, 1939-1975, mọi ngôn ngữ địa phương đều bị cấm. Các băng-rôn tuyên truyền tinh thần quốc gia xuất hiện khắp nơi như "Nếu là người TBN, hãy nói tiếng TBN", "Nói ngôn ngữ của Đế quốc".

Những vụ sát hại, tra tấn, và bỏ tù vì vấn đề chính trị diễn ra như cơm bữa. Lá cờ của xứ Basque - Ikurrina - bị cấm ở nơi công cộng. Trong một nỗ lực TBN hóa bóng đá, chính quyền buộc CLB xứ Basque đổi tên thành Atletico de Bilbao. Hàng nghìn người Basque lưu vong ở Pháp và Mỹ Latin. Vào những ngày diễn ra trận đấu, San Mames trở thành nơi duy nhất người ta có thể nói tiếng Basque. Dần dần, bóng đá trở thành chất xúc tác cho phong trào ly khai.

Cuộc chuyển giao từ chế độ Franco sang nền dân chủ diễn ra chậm chạp. Một năm sau cái chết của viên tướng độc tài, lệnh cấm Ikurrina vẫn chưa được dỡ bỏ. Phải tới một trận đấu giữa Real Sociedad và Athletic Bilbao ngày 5/12/1976 trên sân Atocha (nay không còn), ở San Sebastian, lịch sử mới sang trang. Trận derby Chủ nhật đó giữa 2 CLB vùng Basque chứng kiến một cuộc nổi loạn thật sự.

Cả đội trưởng Bilbao, Jose Angel Iribar, và đội trưởng Sociedad, Inaxio Kortabarria, bước ra đường hầm cùng nhau cầm một lá cờ đỏ, xanh lá cây, và trắng. Đó chính là quốc kỳ xứ Basque. Lá cờ được mang tới giữa sân và cầu thủ cả hai đội vây quanh nó. Đó không chỉ là một cử chỉ phản kháng, đó là lời thách thức với lệnh cấm Ikurrina. Tháng 1/1977, lá cờ xứ Basque được hợp pháp hóa bởi một đạo luật từ Madrid.

"Đó là trận derby đẹp nhất trong ký ức bóng đá của tôi, dù chúng tôi thua 0-5", Iribar nói với tờ El Pais 35 năm sau. Ông sau này sẽ trở thành một biểu tượng của xứ Basque, một trong những thủ môn giỏi nhất trong lịch sử bóng đá TBN, và một chính trị gia, khi ông thành lập liên minh đòi độc lập Herri Batasuna.

Chủ nghĩa dân tộc và chính trị gắn chặt với bóng đá xứ Basque tới mức họ không ngần ngại bày tỏ điều đó công khai. Những đường phố và cửa hàng ở tỉnh Biscay thường xuyên được trang trí màu đỏ-trắng, màu áo của Bilbao, và điều đó sẽ còn tiếp tục trong rất rất nhiều năm nữa.

 

Rốt cuộc, ở mùa 1983/84, Athletic cũng đạt tới đỉnh cao với cú đúp vô địch La Liga và Cúp nhà Vua. Đó cũng là mùa giải đưa mối kình địch Barcelona-Bilbao lên đỉnh cao mới.

Trong trận đấu tại La Liga vào tháng 9, Camp Nou chứng kiến một trung vệ Bilbao cực kỳ dữ tợn vào bóng ác hiểm với ngôi sao của họ - Diego Maradona - từ phía sau, khiến anh bị thương nặng. Trung vệ đó là Andoni Goikoetxea Olaskoaga, được đặt cho biệt danh "Gã đồ tể Bilbao" chỉ vì cú tắc bóng kinh hoàng đó.

Thời kỳ bấy giờ, Bilbao khét tiếng vì lối chơi bạo lực của họ dưới quyền một HLV trẻ người xứ Basque, Javier Clemente. Goiko còn có một pha vào bóng đe dọa kết thúc sự nghiệp của tiền vệ Bernd Schuster của Barca 2 năm trước sự cố Maradona. Pha bóng làm rách dây chằng chữ thập gối phải của Bernd, chấn thương mà cầu thủ người Đức sẽ không bao giờ hồi phục.

Sáng hôm sau "sự cố Maradona", báo El Mundo chạy suốt trang bìa dòng tít "El Crimen - Tội Ác". Các hãng tin quốc gia và quốc tế khác đều lên án pha bóng đó và so sánh nó với chủ nghĩa khủng bố - một thứ ETA - trong bóng đá. Đó cũng là năm ETA hoạt động mạnh nhất khi đã cướp đi 43 sinh mạng trên cả nước. Truyền thông, luôn tìm mọi cách câu khách, ngay lập tức liên hệ ETA với pha vào bóng của Goiko.

"Tôi tự hào với các cầu thủ của mình", Clemente nói sau khi thua Barcelona 0-4 tối hôm đó. Và không chỉ có ông giẫm đạp lên dư luận. Ở trận sân nhà tiếp theo tại San Mames, đám đông CĐV vỗ tay vang dội khen ngợi Goiko khi anh bước vào sân và chỉ trích án treo giò 10 trận của LĐBĐ TBN.

Khi các phóng viên đặt câu hỏi với Maradona về việc đó, siêu sao người Argentina nói: "Tôi không hiểu được những kẻ vỗ tay hoan hô bạo lực". Maradona đã nói mà không suy nghĩ bởi chủ nghĩa dân tộc ở Basque khó mà giải thích được cho ngoại nhân. Goiko nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn với El Periodico: "Tôi chỉ nhớ về tình yêu của người Bilbao cho tôi ở trận tiếp theo gặp Lech Poznan". Goiko ghi bàn trong trận đấu đó ở Cúp C1 châu Âu và được cả sân đứng dậy vỗ tay.

Athletic vô địch Cúp nhà Vua ở Madrid để hoàn tất tiệc ăn mừng. Vài tuần trước, họ đã giành được La Liga. Một cuộc ẩu đả xấu xí nổ ra sau hồi còi chung cuộc, liên quan tới Maradona và các cầu thủ Bilbao khác, đánh dấu bắt đầu cho kết thúc của Maradona và HLV huyền thoại gắn với anh, Cesar Luis Menotti, ở TBN.

Clemente trở thành người hùng của xứ Basque trong sự phấn khích đến phát rồ của các CĐV. 11 chàng trai Basque của họ đã hạ gục gã khổng lồ Catalonia ngay tại Madrid trước sự chứng kiến của Vua Juan Carlos - không chiến thắng nào có thể ngọt ngào hơn thế.

Những người xứ Basque biết họ không phải là đội bóng mạnh nhất, hiếm khi nào hành xử đúng đắn, và mãi vẫn là một vùng đất bị đàn áp, nhưng họ chắc chắn không bao giờ thiếu cảm xúc. Những người hùng như Bixente Lizarazu, Fernando Llorente hay Javi Martinez đã bị sỉ nhục ở đó.

San Mames là sân bóng duy nhất ở TBN mà Andres Iniesta - người hùng và biểu tượng đoàn kết của đất nước TBN - vẫn bị la ó và huýt sáo dữ dội mỗi khi bước chân ra khỏi đường hầm. Các CĐV Los Leones tin rằng Iniesta đã đóng kịch thái quá sau một pha vào bóng của Fernando Amorebieta, dẫn tới thẻ đỏ cho hậu vệ này - mà họ thì nổi tiếng là những kẻ thù dai.

Tất cả những điều đó, xấu xí và kỳ quặc, nhưng luôn chân thành và đầy cảm xúc, khiến họ là một đội bóng thật đặc biệt và khác biệt. Một ví dụ nữa, tiền đạo kỳ cựu của họ là Joseba Etxeberria đã chơi mùa cuối cùng của anh ở CLB (2009/10) mà không nhận một xu tiền lương nào. "Athletic Bilbao không chỉ là một CLB bóng đá, đó là một cảm xúc vượt ra ngoài những phân tích lý tính", Jose Maria Arrate, cựu chủ tịch CLB, giải thích.

Ở xứ Basque có một truyền thống là mọi danh hiệu đều được dành tặng cho Đức Mẹ Begona, thánh bảo hộ của Bilbao. Nhà thờ Begona, được xây dựng ở khu vực Đức Mẹ hiển linh vào đầu thế kỷ 16, là một điểm du lịch lớn trong vùng. Từ năm 1984, Athletic dần sa sút và họ không giành thêm được danh hiệu nào nữa cho tới năm 2015, khi họ đánh bại Barcelona với tổng tỉ số 5-1 trong trận tranh Siêu Cúp TBN.

Họ biết lúc này mình không ở trong một thời kỳ hoàng kim và thường xuyên phải chiến đấu để trụ hạng, nhưng ở Bilbao và xứ Basque, chừng nào cuộc chiến của họ còn tiếp tục, bóng đá còn mãi là niềm cảm hứng bất tận.

Theo Golden Times

Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

 
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x