Bóng Đá Plus trên MXH

Bóng đá Việt Nam: Cần nắm tay thay vì chia cách
21:31 ngày 02/09/2021
Đại dịch Covid-19 đã làm xáo trộn mọi lĩnh vực trong xã hội, trong đó có bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, ứng xử với khó khăn bằng sự đồng lòng thay vì chỉ trích, thúc đẩy sự mâu thuẫn là cách để chúng ta vượt khủng hoảng.

    Vài tháng trước, chúng ta nói về V.League với tất cả sự tự hào. Sân chơi của chúng ta như là biểu trưng của sự chiến thắng dịch bệnh. Bóng đá cũng là ngành nghề hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kép mà Chính phủ đề ra. Về chất lượng chuyên môn, chúng ta có một mùa giải hấp dẫn nhất từ trước đến nay. Các trận đấu diễn ra quyết liệt, minh bạch, trung thực và chuyên môn cao. Từ cuộc đua đến chức vô địch đến suất xuống hạng đều kịch tính, đầy cảm xúc và làm hài lòng những khán giả khó tính nhất.

    Thành công của V.League đã được sự ghi nhận từ truyền thông, Đại hội thường niên VFF và chính các đội bóng. Cái được lớn nhất chính là sự khẳng định về nỗ lực và khả năng quan trị của những người làm bóng đá trong khủng hoảng. Chúng ta dám làm, dám thực thi trách nhiệm và không đầu hàng trước khó khăn. Thành quả lớn nhất chính là lòng tin về lòng tin của NHM, của các đối tác dành cho bóng đá Việt Nam ngày càng được cải thiện. Cũng chính nhờ cú hích đó mà bóng đá Việt Nam có nhiều nhà tài trợ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang hoành hành.

    Bóng đá Việt Nam đang vui thì đứt dây đàn. Covid-19 và cuộc khủng hoảng mà nó mang đến đã khiến giải đấu của chúng ta lần đầu tiên sau hơn 20 năm làm chuyên nghiệp phải dừng lại. Đó là một thực tế không mong muốn và nó sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy. Hệ thống thi đấu bị đứt gãy. Cầu thủ, HLV, trọng tài và người lao động tạm thời mất việc. Ảnh hưởng về tài chính chưa thể đong đếm khi các hợp đồng kinh tế vẫn chưa đến hồi thanh lý. Nhưng, trong khó khăn, chúng ta phải lựa chọn giải pháp ít tổn thất hơn và sẽ chẳng có quyết định nào làm hài lòng tất cả.

    Vấn đề của bóng đá Việt Nam là chúng ta ứng xử thế nào sau quyết định hoãn giải? Lựa chọn của chúng ta hôm nay sẽ quyết định diện mạo của giải đấu ngày mai. Một công ty, một giải đấu với rất nhiều cổ đông, nhiều thành viên luôn bao hàm sự khác biệt. Đó là điều hết sức bình thường trong cuộc sống. Nhưng, thái độ ứng xử của chúng ta, cách tiếp cận thông tin, tuân thủ luật chơi lại cho thấy rất nhiều điều. Bóng đá và hay bất ngành nghề nào không thể có sự tuyệt đối đúng, sự hoàn hảo đến tận cùng. Nhìn nhận sự tích cực, thậm chí cả những khuyết điểm lại cho thấy tầm nhìn, cơ hội để bóng đá Việt Nam thành công.

    Chắc chắn một điều, trong lộ trình đến tương lai, bản thân giải đấu, bản thân những người làm bóng đá luôn tồn tại sự khác biệt. Nhưng, sự khác biệt đó phải được giới hạn bởi luật chơi, sự ứng xử văn minh và khát vọng kiếm tìm động lực cho sự phát triển. Chúng ta không thể gây dựng một tương lai tốt đẹp cho V.League bằng sự chia rẽ, hoặc phủ nhận sạch trơn những giá trị đang có trong quá khứ, trong hiện tại. Bởi nói cho cùng, bóng đá là sự nối tiếp, sự đồng lòng giúp chúng ta mạnh mẽ hơn là chia rẽ, mâu thuẫn. Cạnh tranh để phát triển chứ không phải để phủ định, loại trừ nhau.

    Người ta nói, bóng đá không chỉ là bóng đá. Bóng đá không chỉ là những mối quan hệ giữa các thành viên của giải đấu. Nó là kinh tế, là văn hóa, là cách đối nhân xử thế… Bóng đá không thể đi một mình và ngay cả những ông bầu giầu có, hào phóng nhất cũng không thể đi một mình đến đích. Cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá giải đấu cũng là cơ sở để dư luận, các nhà tài trợ nhìn vào. V.League đẹp thì các CLB cũng đẹp. Các CLB giầu mạnh thì giải đấu sẽ hấp dẫn. Mối quan hệ tác động qua lại, phụ thuộc lẫn nhau tạo ra sự bền chặt trong cấu trúc của V.League. Một khi cuộc chơi ấy không còn gắn kết, luật lệ hay những giới hạn văn minh không được bảo vệ thì rất khó để nó nâng cao vị thế, chất lượng của giải đấu, của bộ máy.

    Nhìn nhận sự việc một cách đúng bản chất, hướng đến cái chung trên tinh thần dân chủ, minh bạch và xây dựng là cách để chúng ta tìm kiếm sự ổn định cho bóng đá Việt Nam. Nói đâu xa, năm 2018 khi bóng đá Việt Nam chạm đáy, nhà tài trợ quay lưng, bầu Đức đã xung phong trả lương cho HLV Park Hang Seo. Và người ta nhìn nhận hành động ấy thể hiện nỗ lực đóng góp và sự hào phóng của bầu Đức chứ không phải quan niệm nhuốm màu u ám. Hay chuyện khi Toyota kết thúc hợp đồng, chúng ta chưa mùa giải nào thiếu nhà tài trợ. Giá trị hợp đồng tài trợ năm sau cao hơn năm trước và mới đây, hãng thiết bị điện hàng đầu Hàn Quốc đã gắn bó với V.League với bản hợp đồng 3 năm. Những sự kiện ấy phản ánh một điều, V.League đang tốt và chúng ta đã thực sự làm cho nó tốt bằng nỗ lực không ngừng của mình. Chính VPF và những người làm bóng đá Việt Nam có quyền tự hào về thành quả mà mình đã gây dựng.

    Tới đây, những việc làm được, những điều cần hoàn thiện sẽ được VPF, VFF và các đội bóng đánh giá một cách tổng thế, khách quan. Từ chuyện khai thác thương quyền, cách điều hành giải đấu… sẽ được phân tích một cách thận trọng, khách quan. Chắc chắn rằng, sự cởi mở trên tinh thần thần dân chủ, phản biện một cách xây dựng sẽ hữu ích cho tương lai bóng đá nước nhà. Nó cũng giống như việc, bản báo cáo tài chính sau kiểm toán của VPF hàng năm vẫn công khai gửi đến các cổ đông tại Đại hội thường thường niên. Ở đó, nguồn thu bao nhiêu, chi bao nhiêu, công nợ ra sao, phân bổ lợi nhuận thế nào đều được minh bạch trước các cổ động. Thế nhưng, không hiểu vì sao đến tận lúc này một số người vẫn cho rằng VPF không minh công khai về tài chính. Điều này thúc đẩy sự hoài nghi, hiểu sai về hoạt động của VPF khiến sóng gió nổi lên trong bối cảnh bóng đá Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn.

    Sự giám sát của Hội đồng quản trị, của Ban kiểm soát và chính các cổ đông là điều hết sức bình thường và bị chi phối bởi luật doanh nghiệp và điều lệ công ty cổ phần. Ở đó, không chỉ các thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát mà đại diện vốn của từng cổ đông được tiếp cận mọi thông tin của công ty ở các kỳ Đại hội thường niên, Đại hội nhiệm kỳ. Trong suốt những năm qua nguyên tắc ấy không thay đổi và góp phần giúp VPF minh bạch và đồng thuận trong thực hiện đúng sứ mệnh của mình. Việc tham gia một cách dân chủ, trách nhiệm của từng cổ đông trên tinh thần thượng tôn pháp luật là động lực cho sự phát triển bền vững của VPF và V.League.

    Đánh giá đúng những gì đang có. Minh bạch và sòng phẳng trong đánh giá thông tin là cách tốt nhất để một công ty cổ phần vận hành nhịp nhàng, đúng luật. Nhưng, vượt lên trên tất cả là ước mong đoàn kết, nắm chặt tay nhau thay vì chia cách, mâu thuẫn là con đường duy nhất để bóng đá Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

    Bóng Tròn • 21:31 ngày 02/09/2021

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay