Từ bóng đá đến ông chủ quán ốc
Nhắc đến cựu tuyển thủ Nguyễn Tuấn Phong, người ta ngay lập tức nhớ tới một khuôn mặt cười, hay nói như các đồng nghiệp của anh là “thấy cười suốt ngày như danh hài Mr. Bean”. Chia tay sự nghiệp cầu thủ, Tuấn Phong đi học làm HLV rồi cơ duyên đưa anh về làm “phó tướng” cho HLV Nguyễn Thành Công ở Sài Gòn FC. Như Tuấn Phong nói vui, anh khá hợp “phong thủy” và cảm thấy thoái mái khi làm việc với đồng nghiệp Thành Công. Và thật sự, Tuấn Phong đã có những ngày tháng hạnh phúc, được làm nghề đúng nghĩa dưới màu áo đội bóng Sài thành.
Thế rồi vật đổi sao dời, Sài Gòn FC thay đổi về thượng tầng và HLV Nguyễn Thành Công bất ngờ ra đi. Tuấn Phong bị mất việc sau một sáng thức giấc chỉ vì không được lòng một “sếp lớn”. Các cầu thủ kể rằng, Tuấn Phong rất thẳng thắn, không ngại va chạm cả trong phòng thay đồ lẫn trên bàn họp nếu chứng kiến những hình ảnh, lời nói chướng tai gai mắt. Cái sự thẳng ruột ngựa ấy khiến “Mr. Bean” của làng bóng Việt phải rơi vào cảnh thất nghiệp, nhưng nó cũng mở đường cho sự ra đời của quán ốc trứ danh nằm trên đường Võ Văn Tần (Quận 3, TP.HCM).
“Hồi đó về nhà, chẳng biết làm gì nên cùng vợ làm các món ốc bán dạo trên Facebook. Chính vợ là người đi chợ, lựa từng con ốc, từng gia vị rồi tự tay vào bếp làm. Bạn bè, anh em ăn khen ngon, ủng hộ quá trời nhưng cũng chẳng nghĩ sẽ làm lớn đâu, cứ tằng tằng qua ngày. Hai vợ chồng suy nghĩ mãi, vậy cũng không ổn cho lắm. Một ngày nọ, cậu em rủ hùn vốn mở luôn cái quán cho anh em có chỗ lui tới. Thế là Ốc Bin ra đời từ đó”, Tuấn Phong chia sẻ.
Dịch kiểu này làm ăn đổ nợ
Trước Tết, quán Ốc Bin chính thức ra mắt. Cả tháng trời, thực khách nườm nượp ra vào, thậm chí muốn ăn thì phải đặt bàn nếu không muốn mỏi chân đứng chờ. Ốc Bin nổi tiếng cả một vùng không chỉ vì “điểm mười cho chất lượng”, mà còn là địa chỉ lui tới của giới bóng đá, các HLV, cầu thủ nổi tiếng, các nhà báo... Tuấn Phong vừa làm ông chủ vừa kiêm nhân viên chạy bàn, phục vụ anh em mệt muốn xỉu nhưng lại sướng trong người.
“Đêm nào cũng phải 3-4 giờ sáng tôi mới về đến nhà, đánh răng xong đã thấy người ta đi tập thể dục, còn mình đưa đám nhóc đi ăn sáng, đi học rồi về ngủ bù. Sau hai vợ chồng phải thay phiên nhau mới chịu nổi. Có ngày mệt lắm nhưng thấy vui khi anh em bạn bè ủng hộ nhiệt tình. Có người bị nghiền cứ yêu cầu đặt một vài món gửi ra tận Hà Nội. Lại có người ngồi đủ cả tháng kể từ ngày khai trương. Bán buôn mà vậy thì còn gì tuyệt vời hơn”, Tuấn Phong không giấu được niềm vui.
Đang làm ăn ngon trớn, Covid-19 ập đến. Hai vợ chồng Tuấn Phong gồng gánh đủ thứ từ tiền thuê mặt bằng, tiền trả nhân viên rồi tiền sinh hoạt hàng tháng cho 5 miệng ăn…. Ông chủ Tuấn Phong thở dài, có những ngày chỉ ngồi chơi không mà cũng thấy mệt đầu vì phải tính, phải nghĩ kiếm ra bao nhiêu tiền. “Mở được 7 hay 8 tháng gì đó mà 3 lần phải đóng cửa. Khi chưa có lệnh giãn cách vừa bán vừa nơm nớp, mà không mở thì “chết tiền”. Khách dần vắng nhưng cũng phải gồng. Giờ TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, gia đình chỉ biết quẩn quanh ở nhà, lấy “lương khô” ra mà sử dụng chứ chẳng biết kiếm tiền nơi đâu”, Tuấn Phong ngao ngán.
Tôi hỏi Tuấn Phong, hết dịch quán Ốc Bin liệu có bán trở lại hay không? Với giọng hài ước, Tuấn Phong bảo cái này thì hên - xui, không nói trước được điều gì. Còn tôi thì tin, Ốc Bin sẽ lại sáng đèn bởi không bán nữa nhiều người sẽ “giận anh chết”. “Đợi thôi, dịch thế này khó lường lắm. Mà biết đâu Phong trở lại làm bóng đá nếu có một lời mời nghiêm túc. Hồi trước U23 Việt Nam có mời một lần mà đang bán ốc nên bỏ lỡ. Tiếc lắm nhưng cũng đành chịu”,Tuấn Phong khép lại câu chuyện.
Tác giả của đường chuyền… để đời
Năm 2003, Việt Nam chỉ là một đội tuyển nhỏ bé trên bản đồ bóng đá châu Á khi đặt bên cạnh Hàn Quốc, đội bóng đã lọt vào tận bán kết World Cup 2022. Tuy nhiên, ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Afred Riedl khi ấy đã gây chấn động khi đánh bại đệ tứ anh hào thế giới với bàn thắng duy nhất của tiền đạo Văn Quyến tại vòng loại Asian Cup 2004. Tác giả của đường chuyền để đời đó chính là Tuấn Phong với cú phất bóng từ gần vạch vôi giữa sân, đặt đồng đội vào tư thế vô cùng thuận lợi để đánh bại thủ môn Lee Won Jae.
Gia tài 10 năm bóng đá của “Mr. Bean”
Nguyễn Tuấn Phong có 10 năm gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp. Thành tích đáng nhớ của cầu thủ có nickname “Mr. Bean” là tấm HCB SEA Games 2003, vô địch V.League 2006 trong màu áo Đồng Tâm Long An. Dù được đánh giá tài năng nhưng cầu thủ có hộ khẩu ở TP.HCM lại không có nhiều duyên nợ với ĐTQG. Chẳng hạn như anh từng có mặt trong danh sách nhưng do chấn thương nên lỡ cơ hội cùng ĐT Việt Nam giành chức vô địch AFF Suzuki Cup 2008.