75.532 khán giả đã nêm chật cứng sân San Siro/Giuseppe Meazza khi Inter và Milan đụng độ nhau tại bán kết Champions League 2022/23. Con số này chỉ thấp hơn chút ít kỷ lục mà Inter và Milan thiết lập vào tháng Hai với 75.584 khán giả (trận đấu đông nhất Serie A 2022/23). Người Ý hẳn rất tự hào về sự trở lại của bóng đá xứ mỳ ống tại Champions League. Nhưng dù tự hào đến mấy, họ cũng phải thừa nhận Inter và Milan chưa ở đẳng cấp hàng đầu Champions League.
“Dù Inter hay Milan lọt vào chung kết, họ cũng không phải đối thủ của Real Madrid và Man City. Các đội bóng Ý đã có mùa giải Champions League đột phá nhưng họ chưa vươn tới đẳng cấp của các ứng cử viên vô địch giải đấu này”, cựu hậu vệ MU, Gary Neville, nhận xét sau trận bán kết lượt đi mà Milan thua Inter 0-2.
Đó là trận đấu mà Inter thể hiện sự vượt trội trước đối thủ cùng thành phố, dẫn trước 2-0 chỉ sau 11 phút bóng lăn và bình tĩnh hóa giải sức ép từ đối phương. Trong khi đó, Milan thể hiện bộ mặt bạc nhược và vô hồn. 90 phút tại San Siro là một trong những trận cầu tẻ nhạt nhất tại vòng knock-out Champions League mùa này, không phải vì sự thận trọng hay chắc chắn của hai đội mà bởi chất lượng chơi bóng chưa xứng tầm một trận bán kết Champions League.
Một ngày trước đó, Champions League mới thực sự là Champions League với màn trình diễn mãn nhãn của Real Madrid và Man City. Vinicius lập siêu phẩm trước De Bruyne sút xa tuyệt đẹp gỡ hòa. Real Madrid già giơ còn Man City bản lĩnh. Màn hội tụ của các ngôi sao hàng đầu thế giới tại Bernabeu xứng đáng là “trận chung kết” của mùa giải. Kịch bản ấy đẹp, nhưng tiếc rằng nó lại không xảy ra.
Inter và Milan đã từng cống hiến những trận cầu đỉnh cao châu Âu như vậy. Hai mươi năm trước cũng tại bán kết Champions League, Milan vượt qua Inter với tổng tỷ số 1-1 trong hai trận đấu căng hơn dây đàn. Đó là cuộc đụng độ của những tên tuổi hàng đầu thế giới thời đó như Andriy Shevchenko, Fabio Cannavaro, Clarence Seedorf, Andrea Pirlo, Alessandro Nesta. Milan vào chung kết và tiếp tục đánh bại một đại diện Italia khác là Juventus để lên ngôi vô địch.
Đó là dấu ấn đậm nét cuối cùng của thời hoàng kim bóng đá Italia. Hai thập kỷ trở lại đây, Inter đã vô địch Champions League 2009/10 nhưng nhờ công Jose Mourinho là chính. Cơn suy thoái không hồi kết của bóng đá Italia đã kéo tụt họ lại so với người Anh và Tây Ban Nha. Thật đáng buồn khi derby Milano tại bán kết Champions League mùa này không còn là nơi NHM được thưởng ngoạn thứ bóng đá đỉnh cao mà lại là lúc tiếc nuối về quá khứ hào hùng.
Tất nhiên, không thể phủ nhận thành công ấn tượng của bóng đá Italia mùa này khi có tới 3 đội lọt vào tứ kết Champions League. Nhưng nó chưa thể là bàn đạp đủ mạnh để Milan, Inter hay Napoli tiếp tục giành thành tích cao hơn ở mùa giải sau. Napoli đang đứng trước một cuộc chảy máu cầu thủ, Milan đã tới ngưỡng và thậm chí rớt khỏi Top 4 ở giải quốc nội. Inter chỉ đủ sức tập trung vào một mặt trận duy nhất.
Một điều đáng tiếc khác là bản sắc Italia dần phai nhạt ở ba đội bóng này. Napoli, Milan và Inter đều đang dựa dẫm vào các ngoại binh. Lực lượng cầu thủ Italia có thể gánh vác vai trò quan trọng và tỏa sáng ở Champions League là rất hiếm hoi. Điều đó phản ánh thực trạng đáng lo về hệ thống đào tạo của bóng đá Italia, xuất phát từ bóng đá phong trào đi xuống và sự thờ ơ của trẻ em Italia với môn thể thao vua. Khi cái nền đã không chắc, thật khó hy vọng vào một sự hồi sinh.
Thành công này khó vững bền. Các đội bóng Italia có thể tan tác đội hình chỉ sau một mùa chuyển nhượng trước các gã nhà giàu ở Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Đức. Giá trị đội hình của Milan cũng như Inter đứng sau 12 CLB lớn khác ở châu Âu. Nếu nói về tiền, Milan và Inter vẫn ở “chiếu dưới” tại châu Âu. Mà bóng đá ngày nay, đặc biệt là Champions League, chỉ gọi tên các thế lực “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.
Thế nên người Ý cứ tận hưởng khoảnh khắc hiếm hoi này đi đã. Họ chắc chắn có đại diện ở chung kết và có thể lên ngôi vô địch Champions League. Thà một phút huy hoàng vẫn còn hơn…