Do vậy, họ phải tính tới những giải pháp khác nhau, kể cả việc thi đấu nội bộ hay tìm “quân xanh” trong khả năng có thể. HLV Park Hang Seo từng có một “cơn đau đầu” như vậy trước khi bước vào vòng loại thứ 2. Thế rồi, nó đã được giải quyết bằng một phương án vô cùng hợp lý khi BHL biến U22 Việt Nam thành “đối thủ” trong 2 trận giao hữu.
Có thể xem phương án ấy như “một mũi tên trúng 3 đích”. Thứ nhất, các khán giả ở Quảng Ninh và Phú Thọ đã được thỏa mãn ước mơ thấy thần tượng bằng xương bằng thịt trên sân. Thứ hai, ĐT Việt Nam có được liều thuốc thử nặng đô trước khi bước vào chiến dịch và cuối cùng, các cầu thủ 22 Việt Nam có dịp thể hiện năng lực của mình. Trình độ của “quân xanh” như thế nào thì hẳn Xuân Trường và các đồng đội rõ nhất. Thật sự, những ngôi sao của ĐTQG phải vô cùng vất vả mới có thể tìm được một trận thắng và một trận hoà trước những đàn em thi đấu rất sung và máu lửa.
Trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, thêm một lần HLV Park Hang Seo lại phải chọn giải pháp lấy U22 Việt Nam làm “quân xanh”. Chắc chắn sẽ có những khác biệt bởi lần này, đội tuyển là những gì tinh tuý nhất và U22 Việt Nam cũng có những cầu thủ giỏi nhất. Sự khác biệt nếu có, đấy là việc các học trò của ông Park không được thi đấu trên sân vận động có khán giả và nó khiến họ giảm “nhiệt” trong những pha tranh bóng.
Vào lúc này, thật khó để tìm những giải pháp tốt hơn khi các đối thủ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Việc tập trung ĐTQG lẫn U22 Việt Nam cùng thời điểm không phải là sự ngẫu nhiên mà nó đã có sự tính toán từ VFF và BHL đội tuyển. Nói cách khác, đó là một sự chuẩn bị không chỉ về lực lượng kiểu “2 trong 1” mà còn cả một chiến lược về chuyên môn lẫn tinh thần. Cho nên “quân xanh” U22 Việt Nam cũng đáng xem, chứ không phải đứng đó để các anh lớn muốn làm gì thì làm.