Góc chiến thuật: Việt Nam đã không cho Indonesia chơi bóng thế nào?

Trí Công
20:38 ngày 16-10-2019
Đưa đối thủ vào khu vực khó xoay sở và lấy số đông để phong tỏa là cách mà Việt Nam đã khiến Indonesia không thể chơi bóng theo cách mà họ mong muốn.
Góc chiến thuật: Việt Nam đã không cho Indonesia chơi bóng thế nào?

Việt Nam không dễ dàng khi... được kiểm soát 

Như đã nói, Indonesia có cách chơi khác với Thái Lan và Malaysia. Nếu như hai đội bóng kể trên lựa chọn cách pressing tầm cao với số đông thì Indonesia sau 3 trận thua liên tiếp trước Malaysia, Thái Lan và UAE lựa chọn một cách tiếp cận vốn đã an toàn lại càng an toàn hơn. Điều đó có nghĩa rằng, Việt Nam đã có nhiều không gian và thời gian để đẩy khối đội hình 3 tuyến của mình lên cao hơn và hiện diện thường trực trên phần sân Indonesia. Nhưng thực sự, việc kiểm soát không gian và cầm bóng nhiều không phải cách chơi quen thuộc của ông Park Hang Seo. Cách chơi của nhà cầm quân Hàn Quốc dựa trên khả năng phản công nhanh, bóng có thể luân chuyển tắt từ hàng phòng ngự tới hàng tiền đạo. Chính vì vậy, việc... bị bắt phải chơi theo thế cửa trên khiến ông phải tính toán kỹ. 

So với 2 trận đấu gặp Thái Lan và Malaysia trước đó, bộ ba tiền vệ là Đức Huy, Hùng Dũng, Quang Hải có sự linh hoạt trong luân chuyển vị trí. Không ai cố định một khu vực một cách cụ thể. Trong đó, Quang Hải là cầu thủ hoạt động rộng nhất trên mọi khu vực sân. Hùng Dũng thiên về cánh phải để phối hợp nhiều với Trọng Hoàng (tổng số đường chuyền qua lại giữa 2 cầu thủ này là 17 lần theo InStat) còn Đức Huy nghiêng về quán xuyến khu trung tuyến và sẵn sàng phối hợp tranh chấp bóng với đối phương. 

Ở trận đấu này, do đối thủ chơi với cự ly đội hình thấp nên việc thực hiện những đường chọc khe hoặc đường chuyền vòng ra sau lưng hàng thủ là rất khó thực hiện. Trong bối cảnh đó, Quang Hải đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức cầm bóng và lên bóng cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, rất khó để đột phá vào trung lộ vốn được tổ chức số đông và thấp nơi vòng cấm của Indonesia. Cũng chính vì thế, những tình huống cầm bóng và vượt qua đối phương bên cánh phải của Hùng Dũng là giải pháp khả dĩ nhất mà Việt Nam tạo ra trong phần lớn thời gian hiệp 1. Và trước tình huống mà Duy Mạnh ghi bàn ở pha phối hợp đá phạt góc, Hùng Dũng đã có một pha đột phá như vậy khiến trung vệ Indonesia phá bóng hết đường biên ngang. Sang hiệp 2, vẫn là Hùng Dũng có tình huống đi bóng kỹ thuật và khiến hậu vệ Indonesia phạm lỗi, dẫn đến quả phạt đền và Quế Ngọc Hải ghi bàn thứ 2. 

Tình huống Hùng Dũng đột phá rồi chuyền vào trung lộ cho Văn Toàn hoặc Tiến Linh, trước khi cầu thủ Indonesia phá ra dẫn đến quả đá phạt góc thành bàn cho Việt Nam 

Trọng Hoàng băng lên cướp bóng từ đối thủ, chuyền cho Hùng Dũng đột phá trước khi kiếm về quả penalty thành bàn thứ 2 cho Việt Nam 

Trên thực tế, Việt Nam gặp bối rối trong việc chủ động tìm phương án tiếp cận khi Indonesia chơi với đội hình thấp nơi phần sân nhà. Ngoài việc Hùng Dũng chủ động tấn công bên cánh phải như một ý tưởng chủ động sẵn có thì tình huống có được không gian một cách bất ngờ không được Việt Nam khai thác một cách chủ động. 

Văn Hậu thay vì thực hiện đường chọc khe khi Tiến Linh bắt đầu chạy chỗ lại quyết định sút xa thử vận may 

Đây là một tình huống mà Việt Nam triển khai bóng một cách tuần tự từ sân nhà đến sân đối phương một cách rõ ràng. Nhưng tiếc rằng Tiến Linh lại bỏ lỡ đáng tiếc. 

Văn Hậu chuyền bóng cho Quang Hải di chuyển giữa hai hàng tiền vệ và hậu vệ của Indonesia 

Quang Hải thực hiện quả chọc khe cho Tiến Linh băng xuống nhưng bỏ lỡ cơ hội 

Tấn công nhanh vẫn là đòn sát thủ 

Phải thừa nhận rằng, Việt Nam gặp nhiều khó khăn trước một đối thủ chủ động đá phòng ngự nơi phần sân nhà. Không nhiều trận đấu trong thời gian qua, Việt Nam chơi theo thế cửa trên và kiểm soát thế trận. Cũng vì thế, các học trò của HLV Park Hang Seo gặp khá nhiều bối rối để tìm cách xâm nhập vòng cấm Indonesia. Nhưng sau bàn mở tỷ số, Việt Nam đã buộc Indonesia phải dâng cao hơn. Hàng thủ cũng phải xa rời vòng cấm hơn. Và đó là cách mà Việt Nam kết liễu đối phương từ những đợt tấn công chớp nhoáng. 

Việt Nam tận dụng cách pressing tầm trung. Khi đối thủ bắt đầu nhận bóng ở giữa sân là lập tức Trọng Hoàng từ cánh phải, Đức Huy và Hùng Dũng nơi phần trung lộ ập vào cướp bóng. Tình huống dẫn đến bàn thứ 3 khá giống bàn thứ 2. Nhưng thay vì chuyền cho "trạm trung chuyển" Hùng Dũng, hậu vệ Trọng Hoàng thực hiện thẳng đường chọc khe cho trung phong Tiến Linh chạy chỗ, phá bẫy việt vị Indonesia trước khi ghi bàn thứ 3 trong tư thế đối mặt. Đặc sản tấn công của Việt Nam dưới thời thầy Park trong năm 2019 thể hiện một cách rất rõ. 

Trọng Hoàng chuyền xuyên tuyến cho Tiến Linh thoát xuống và ghi bàn thứ 3 

Hơn nhau ở pressing 

Indonesia không hẳn là co cụm suốt 90 phút nơi phần sân nhà. Thực tế ở giai đoạn 20 phút đầu trận, họ đã cố gắng thử pressing tầm trung để đoạt được bóng của Việt Nam nhằm triển khai tấn công nhanh. Nhưng điều mà Việt Nam hơn Indonesia là họ sở hữu những cá nhân có kỹ thuật tốt. Không ít lần, Indonesia cố gắng tìm cách lấy bóng trong chân hay phong tỏa Quang Hải. Nhưng ý tưởng đó đều thất bại. 

Indonesia cố gắng phong tỏa Quang Hải nhưng bất thành 

Ngược lại, Việt Nam cho thấy mình đã nghiên cứu đối thủ kỹ càng thế nào. Điểm mạnh của Indonesia là những tình huống đột phá mang tính cá nhân của Evan Dimas, Lilipaly hay Riko. Tuy nhiên đa phần, Việt Nam với cách pressing khu vực, buộc đối thủ đẩy bóng ra biên đã làm Indonesia hoàn toàn thất bại với ý tưởng đột phá đơn lẻ. Quả thực, Việt Nam đã không cho Indonesia được chơi bóng theo cách mà chí ít họ mong muốn làm nên bất ngờ trước khung thành Văn Lâm. 

Quang Hải, Hùng Dũng, Trọng Hoàng và phía trên là Tiến Linh, Văn Toàn vây lấy cầu thủ Indonesia 

Trọng Hoàng, Đức Huy, Quang Hải cô lập Dimas ở biên 

Văn Toàn, Văn Hậu, Đức Huy và Tiến Dũng khiến cầu thủ Indonesia không có nhiều phương án phối hợp 

Việc chuyền bóng vào vòng cấm của Indonesia là rất khó khăn 

Tất nhiên, không phải lần nào việc áp sát của đội tuyển Việt Nam cũng thực hiện thành công 100%. Có hai lần Việt Nam để đối phương thoát khỏi bẫy pressing của mình. Một lần trong đó là bàn thắng danh dự của Bachdim. 

Sẽ nhiều người trách Duy Mạnh không thể ngăn cản được Riko nhưng Ngọc Hải là người đã mắc lỗi khi để Indonesia phản công và không theo kèm Bachdim 

Kết

Nghệ thuật phòng ngự của ông Park Hang Seo vẫn vậy. Tùy vào các đối thủ với phong cách khác nhau mà Việt Nam luôn biết cách để "nhốt" cầu thủ đội bạn, buộc họ không thể chơi theo cách mong muốn. Tuy nhiên trên mặt trận tấn công, Việt Nam cần thêm các phương án linh hoạt hơn để chủ động trong mọi tình huống trước cầu môn, đặc biệt trong tư thế đá cửa trên và kiểm soát thế trận. Dẫu sao, Việt Nam vẫn ghi được 3 bàn thắng một cách cần thiết, ngay cả khi không được chơi theo cách quen thuộc phòng ngự phản công của mình trước Indonesia. 

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
34
+41
74
3
32
+44
73
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
32
+2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x