CÚ 11M ĐI VÀO LỊCH SỬ EURO CỦA PANENKA
Sau này, phần lớn các nhà nghiên cứu hoặc giới bình luận đã thừa nhận rộng rãi, rằng cú sút 11m luân lưu của cầu thủ Tiệp Khắc Antonin Panenka trong trận chung kết EURO 1976 là cú sút 11m hay nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao. Suy cho cùng, đấy cũng là một chọn lựa hợp lý.
Hơn 4 thập kỷ trôi qua, khái niệm “đá phạt đền kiểu Panenka” vẫn còn nguyên giá trị. Và kể cả trong thời buổi hiện đại này, nếu như có một cầu thủ ghi bàn bằng cách sút 11m “kiểu Panenka”, thì đấy vẫn cứ là bàn thắng đẹp.
Đã vậy, cú sút của Panenka năm nào lại chính là cú sút penalty quyết định đem về cho Tiệp Khắc - nền bóng đá một thời nổi tiếng về cách chơi đầy kỹ thuật - chức vô địch quan trọng duy nhất trong lịch sử. Bấy nhiêu càng cho thấy giá trị lớn lao của pha bóng đẹp mắt mà Panenka hạ gục thủ môn nổi tiếng thế giới Sepp Maier của ĐT Đức trong trận chung kết EURO 1976.
Bản thân cú sút chính xác ấy đã chất chứa cả một lịch sử - bất kể là sút kiểu gì! EURO 1976 là giải bóng đá lớn đầu tiên trên thế giới áp dụng thể thức sút 11m luân lưu để phân định thắng thua trong trường hợp các đội hòa nhau sau 120 phút. Lạ thay, mọi trận đấu tại VCK của kỳ EURO này đều bất phân thắng bại sau 90 phút chính thức.
ĐT Tiệp Khắc thắng ĐT Hà Lan và ĐT Đức thắng ĐT Nam Tư ở vòng bán kết trong hiệp phụ. Sau đó, ĐT Hà Lan thắng ĐT Nam Tư trong hiệp phụ của trận tranh hạng Ba. Khi ĐT Tiệp Khắc và ĐT Đức hòa nhau 2-2 suốt 120 phút thì trận chung kết giữa họ trở thành trận đấu đầu tiên trong lịch sử các giải lớn phải phân cao thấp bằng loạt sút luân lưu 11m.
Trò “đấu súng” khi ấy còn lạ đến nỗi chính các cầu thủ Tiệp Khắc chẳng hề biết trước. Họ đang kéo nhau vào phòng thay đồ thì bị gọi ngược ra sân. Nhiều người khi ấy còn không hiểu họ phải làm gì, vì sao.
Đấy là do thể thức sút 11m luân lưu chỉ được các LĐBĐ liên quan thỏa thuận với nhau vài ngày trước đó, và các cầu thủ Tiệp Khắc không được thông báo điều này. Nhưng các cầu thủ Tiệp Khắc như Marian Masny, Zdenek Nehoda, Jan Ondrus, Ladislav Jurkemic… đều là chuyên gia sút phạt đền và họ đều sút chính xác khi lãnh nhiệm vụ.
Bên phía Đức, Dietz và Schwarzenbeck không dám đá. Rainer Bonhof, Heinz Flohe, và Hannes Bongartz sút chính xác, nhưng Uli Hoeness sút vọt xà. Tỷ số khi ấy là 4-3. Panenka sút quả luân lưu cuối cùng cho Tiệp Khắc.
Ông lạnh lùng sục nhẹ quả bóng trên đà chạy, chỉ truyền vừa đủ lực để quả bóng đi cầu vồng một cách rất nhẹ nhàng, chỉ bay vào lưới sau khi Maier đã phóng người sang một bên. Với tỷ số 5-3, Franz Beckenbauer không cần phải đá quả 11m cuối cùng cho đội tuyển Đức nữa!
NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG NHỚ CỦA EURO 1976
- Malcolm MacDonald lập kỷ lục ghi 5 bàn cho đội tuyển Anh tại vòng loại của kỳ EURO này (ở trận ĐT Anh thắng ĐT Đảo Síp 5-0).
- Sau khi thua ĐT Tiệp Khắc trong loạt sút luân lưu 11m tại EURO 1976, đội tuyển Đức chưa bao giờ thua lần nữa trong loại hình “đấu súng” này ở các giải lớn. Họ đã thắng Pháp tại World Cup 1982, thắng Mexico tại World Cup 1986, thắng Anh tại World Cup 1990 và Euro 1996, thắng Argentina tại World Cup 2006!
- Johan Neeskens, Wim Van Hanegem (Hà Lan) và Jaroslav Pollak (Tiệp Khắc) bị đuổi trong trận bán kết EURO 1976. Johan Cruyff tỏ ra mờ nhạt trong trận này.
- Tiền đạo Mueller (Đức) là cầu thủ hay nhất giải EURO 1976, nhưng đấy không phải là Gerd Mueller lừng danh, mà là Dieter Mueller. Tên thật của ngôi sao này là Dieter Kaster, nhưng ông chuyển sang họ Mueller theo… bố nuôi.