Người hâm mộ bỏ chạy tán loạn, dòng nước lũ dữ dội đổ xuống từ mái sân vận động, mưa đá ập xuống sân: một cơn bão dữ dội đã làm gián đoạn trận đấu bằng một tiếng nổ rền vang trên bầu trời. Sau tiếng sấm và nhiều tia sét giáng xuống, trọng tài Michael Oliver đã yêu cầu hai đội trở lại phòng thay đồ trên sân vận động Signal Iduna Park. “Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ các cầu thủ và khán giả”, trọng tài Bundesliga Patrick Ittrich - chuyên gia của MagentaTV cho biết. Do cơn bão, các buổi xem ngoài trời tại Friedensplatz và Westfalenpark cũng bị hủy bỏ.
30.800 người đã tập trung ở Westfalenpark trước khi trận đấu bắt đầu. 6.400 người hâm mộ khác đã đến khu vực dành cho CĐV ở Friedensplatz. Sân này đã bị đóng cửa ngay trước khi trận đấu bắt đầu do hết chỗ.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2012, một trận đấu trong khuôn khổ EURO bị gián đoạn bởi thời tiết khắc nghiệt. Cách đây 12 năm, một cơn bão lớn cũng đã khiến trận đấu giữa Ukraine và Pháp ở Donetsk bị tạm dừng 57 phút. Những người hâm mộ bóng đá lớn tuổi thì hẳn còn nhớ đến màn “thủy chiến” ở Frankfurt khi Đức gặp Ba Lan tại World Cup 1974.
Quyết định dừng trận đấu luôn được đưa ra bởi trọng tài chính. Và mỗi cá nhân trọng tài có thể dựa vào những điều kiện thời tiết khác nhau để quyết định: mưa lớn, giông bão, bão lớn. Sự an toàn của những người tham gia trong và ngoài sân cỏ đều rất quan trọng. Nếu trọng tài gián đoạn trận đấu, ông ta sẽ thường đợi 30 phút trước khi quyết định xem trận đấu có nên bắt đầu lại hay không.
Trong trường hợp trận đấu bị hủy, điều số 29 trong các Quy định tại EURO của UEFA sẽ được áp dụng. Điều này nêu rõ: "Nếu một trận đấu không thể bắt đầu theo kế hoạch hoặc không thể kết thúc đủ 90 phút thì toàn bộ trận đấu hoặc những phút còn lại của nó sẽ được chơi vào hôm sau.”
Không chỉ ở Dortmund, thành phố Gelsenkirchen cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Một cơn giông bão với gió giật cấp 9 đi qua khiến các hàng rào bị hư hại, hàng loạt tấm áp phích bóng đá bị cuốn bay, tất cả các địa điểm xem bóng đá ngoài trời dành cho CĐV cũng bị huỷ bỏ.
Thực ra đã có giông bão rải rác ở miền trung nước Đức vào ban ngày trước khi giông bão lớn phát triển vào buổi tối. Nhà khí tượng học Reinartz cho biết: “Trọng tâm là ở phía tây nam và sau đó chuyển sang Hesse và phía tây Thuringia. “Chắc chắn nên theo dõi tình hình cảnh báo và diễn biến thời tiết!” Hôm thứ Tư sau khi vòng bảng kết thúc, các khu vực dành cho người hâm mộ cũng phải giải tán do cơn bão lớn buổi tối.
Theo cơ quan dự báo thời tiết, Đức còn phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt ở một vài khu vực. Trước khi EURO diễn ra, thực chất điều này đã xảy ra. Những ngày mưa lớn và tuyết tan đã khiến mực nước sông Rhine, Moselle và Danube ở Đức dâng cao gây lũ lụt nặng nề khiến nhiều thành phố ở bang Bayern, Baden-Wurttemberg, Hessen bị ảnh hưởng nặng nề cả người và của, cũng như giao thông đường thuỷ. Ở tình thế đó, thủ tướng Olaf Scholz cho rằng người dân ở Đức phải ngày càng thích ứng với thiên tai, đặc biệt là lũ lụt. Ông cảnh báo không nên lơ là “nhiệm vụ ngăn chặn biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
Đây là lần thứ 3 chỉ trong vòng 1 năm, tôi nhìn thấy mưa đá kèm giông bão. Những hạt đá rất lớn rơi xuống xối xả kèm gió giật lớn và sấm chớp, đôi khi còn xảy ra đột ngột không được dự báo trước. Cuộc sống không thường xuyên giống như thế này trong hơn 10 năm tôi ở Đức. Tôi không đủ khả năng để lạm bàn về biến đổi khí hậu nhưng người Đức nói riêng, người châu Âu xung quanh tôi thực sự tin rằng thời tiết sẽ mỗi lúc lại giống thảm hoạ hơn.
Trời sẽ vẫn tiếp tục có mưa giông ít nhất chục ngày nữa trên đất Đức. Hy vọng rằng các trận đấu sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều và quan trọng nhất, là sự an toàn vui vẻ của người hâm mộ. Họ đã chờ đợi và háo hức từ rất lâu cho một bữa tiệc bóng đá. Ta không mong cầu mọi thứ phải trọn vẹn, hoàn hảo nhưng những bất tiện từ thời tiết khắc nghiệt là điều không có bất kỳ ai đón nhận nhẹ nhàng được.