Tây Ban Nha mà thắng nốt 2 trận còn lại, họ sẽ trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử 4 lần vô địch EURO. Nếu Pháp vô địch, họ sẽ bắt kịp kỷ lục 3 lần của Tây Ban Nha và Đức. Nếu Anh lên ngôi thì đấy là lần đầu tiên quê hương bóng đá biết được cảm giác vô địch châu Âu. Còn nếu Hà Lan đăng quang, đấy sẽ là đội đầu tiên 2 lần vô địch EURO dù chưa bao giờ vô địch World Cup.
Tóm lại, bất kể là ai trong số 4 đội còn lại đăng quang, cũng sẽ có chi tiết mới liên quan đến lịch sử xuất hiện. Và đấy hẳn nhiên là chi tiết quan trọng, thật đáng tự hào. Nhưng tất nhiên, EURO chỉ có một chiếc cúp. Và sẽ có 3 đội – trước mắt là 2 đội bất kỳ sau vòng bán kết sắp tới – phải ôm hận tự an ủi: tiến được đến đấy là đã tốt rồi. Thiên hạ sẽ lại khen ngợi, theo cái kiểu người ta vừa khen Thụy Sĩ sau khi đội này “đá hay nhưng phải dừng chân”, mất suất vào bán kết vì thua Anh trên chấm 11m luân lưu.
Lần đầu tiên biện pháp đá luân lưu 11m (từ đây xin tạm gọi là “đá pen” cho ngắn gọn) được áp dụng để phân cao thấp trong thể thức đấu loại trực tiếp là tại EURO 1976 – lâu đời đến mức đội vô địch nhờ thắng pen tại chung kết EURO 1976 (Tiệp Khắc) giờ đã không còn tồn tại. 6 năm sau đó, World Cup mới có màn đá pen đầu tiên: Đức thắng Pháp ở vòng bán kết World Cup 1982. Đức mà không thua Tiệp Khắc ở loạt “đấu súng” hồi năm 1976 thì đấy đã là tượng đài vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá đỉnh cao rồi (3 lần liên tiếp vô địch EURO). Quá đau, dĩ nhiên! Và sau nỗi đau ấy, Đức chưa bao giờ thua khi phải đá pen ở đấu trường EURO hoặc World Cup nữa. Trận thắng Pháp tại bán kết World Cup 1982 mở ra một truyền thống kéo dài đến tận bây giờ: Đức luôn thắng khi đá pen.
Nói về khả năng tiến xa một cách thường xuyên ở 2 giải đấu lớn, không có đội nào sánh nổi với Đức. Ngoài 7 lần vô địch EURO, World Cup là 7 lần khác vào chung kết và 7 lần dừng chân ở bán kết. Người ta khen sự chắc chắn của “cỗ máy Đức”, khả năng chiến đấu đến tận phút chót với “tinh thần Đức”… Kỳ thực, Mannschaft “vô địch” về tần suất xuất hiện ở các trận bán kết, chung kết lớn xưa nay chủ yếu vì họ luôn thắng pen mỗi khi chỉ hòa với đối thủ ngang tầm ở các vòng tứ kết, bán kết. Chẳng những luôn thắng chung cuộc, cầu thủ Đức còn luôn sút chính xác từng quả pen. Sau Uli Stielike tại World Cup 1982, thiên hạ phải chờ 34 năm mới lại thấy một cầu thủ Đức sút hỏng khi đá pen (Thomas Mueller tại EURO 2016). Đấy không thể là sự ngẫu nhiên!
Hôm rồi, Tây Ban Nha thắng Đức ở vòng tứ kết EURO 2024 nhờ bàn quyết định của Mikel Merino ở phút 119 – bàn thắng muộn thứ 3 trong lịch sử EURO. Đức mà đứng vững thêm khoảng 2 phút, khỏi đoán ai sẽ thắng khi đá pen. Chính vì vậy, Tây Ban Nha phải miệt mài tấn công đến tận phút chót?
Đá pen không hề là chuyện may rủi, như cách nghĩ phổ biến của giới bóng đá Anh, hoặc của “thánh” Johan Cruyff bên Hà Lan. Edwin van der Sar và Hans Van Breukelen kêu gọi đội tuyển Hà Lan tập đá pen, tạo nên cả một đề tài tranh luận lớn tại nước này trước thềm EURO 2004 (Van Breukelen: “Đừng nghe Cruyff, cũng có chuyện ông ta nói sai chứ”). Và tại EURO 2004, Hà Lan đã lần đầu tiên thắng pen, sau 4 lần toàn thua ở hai đấu trường EURO, World Cup.
Anh và Pháp đều liên tục bị chê là thiếu thuyết phục tại EURO này, và họ đều lọt vào bán kết nhờ sự vượt trội khi đá pen. Đấy không phải là chuyện may rủi. Thậm chí, theo HLV Didier Deschamps của Pháp, cũng chẳng phải là trò cân não hay tâm lý, tinh thần gì hết. “Kỹ thuật thuần túy” thôi! Deschamps nhắc đi nhắc lại với các tuyển thủ Pháp vốn đã miệt mài tập sút. Ông lại nhắc kỹ trước khi Pháp đá pen với Bồ Đào Nha – đội trước đó vừa thắng tuyệt đối 3-0 trong màn đá pen với Slovenia. Các tuyển thủ Pháp như Jules Kounde hoặc Bradley Barcola đều chưa bao giờ sút phạt đền trong sự nghiệp bóng đá của mình. Nhưng họ đã tập kỹ và tự tin sút chính xác. Cũng vậy, các tuyển thủ Anh sút bóng chắc nịch. Lần đầu tiên trong lịch sử, Anh sút chính xác cả 5 quả luân lưu khi đá pen ở một giải đấu lớn.
Trước trận thắng Thụy Sĩ, Anh từng đá pen 9 lần tại EURO và World Cup, thua đến 7 lần. “Đau” nhất hẳn nhiên là thua Ý ở chung kết EURO 2020. Gareth Southgate hẳn đã biết cách sửa sai, đã chuẩn bị rất công phu để không thua đau nữa. Còn mấy chi tiết “giật gân”, kiểu như chiếc bình nước của thủ môn Jordan Pickford, chỉ là chuyện phụ.
Hai trận chung kết lớn gần đây nhất – EURO 2020 và World Cup 2022 – đều phải đá pen để phân cao thấp. Đấy là chuyện xưa nay chưa từng có. Tần suất đá pen ở các giải lớn ngày càng tăng, như một lẽ tất yếu. Khó có chuyện các trận bán kết hoặc chung kết EURO này thoát cảnh đá pen. Làm sao thì làm, đội nào đá pen càng chắc thì xác suất vô địch càng cao. Hiếm khi khả năng đá pen lại trở nên quá quan trọng như lúc này.