Cậu bé dùng ngón tay cứu cả làng
“Một buổi tối, Hans được sai sang nhà người dì giúp vài việc vặt. Đi bộ dọc theo chân đê, cậu phát hiện ra một cái lỗ rò nhỏ xíu, và nước đã chảy xuyên qua nó. Nhận ra rằng nếu cứ để nước chảy như thế, nước sẽ sớm phá vỡ đê và làm ngập làng, cậu thò ngón tay nhỏ xíu bịt lỗ rò lại và chờ người đến giúp.
Đêm xuống. Gia đình cứ nghĩ rằng Hans đã ở lại nhà dì qua đêm. Vào buổi sáng, cậu bé được phát hiện trong trạng thái gần như bất tỉnh, được người em gái tìm thấy. Cô bé chạy lại thông báo dân làng, những người sẽ chạy đến giúp cậu bé, sửa lại đê, rồi công kênh người anh hùng nhỏ trở về. Hans được bộ trưởng khen ngợi. Bằng hành động anh hùng, cậu bé đã tự tạo cho mình một vị trí trong lịch sử, như là “người anh hùng nhí của Hà Lan”.
Đấy là tóm tắt kịch bản của bộ phim truyền hình câm của Mỹ vào năm 1910, có tên “Anh hùng nhí của Hà Lan”, được chuyển thể từ tiểu thuyết Hans Brinker, hay những chiếc giày trượt bằng bạc: Một câu chuyện về Hà Lan của nữ văn sĩ người Mỹ Mary Mapes Dodge.
Mary viết xong quyển sách hư cấu về cuộc sống ở Hà Lan này vào năm bà 34 tuổi, và điều đặc biệt là bà chưa từng đến Hà Lan. Bà chỉ được truyền cảm hứng từ các quyển sách về lịch sử, văn hóa Hà lan và qua các cuộc trò chuyện trực tiếp với những người hàng xóm Hà lan nhập cư. Trong lời tựa, bà viết rằng những gì trong sách được viết ra dựa trên “chuyện có thật”.
Quyển sách sau này trở thành một hiện tượng, thuộc loại bán chạy hàng đầu thế giới chỉ trong năm đầu tiên xuất bản, và cậu bé Hans bịt một lỗ rò nhỏ ở đê suốt đêm đã trở thành câu chuyện nổi tiếng bậc nhất về Hà Lan. Với 26% diện tích đất nước nằm dưới mực nước biển và 60% dân số đang sống dưới mực nước đến 5 mét, chuyện lấn biển và trị thủy trở thành trung tâm trong các cuộc thảo luận về văn hóa Hà Lan.
Cậu bé Hans sau này trở thành biểu tượng, về trách nhiệm duy trì hệ thống trị thủy và cả việc sống trong một không gian rất bất lợi về địa lý của Hà Lan, nơi mà một ngón tay nhỏ vào đúng lúc cũng mang ý nghĩa lớn.
Ám ảnh của người Hà Lan
Tiest Sondaal, một cựu cầu thủ chuyên nghiệp người Hà Lan, từng viện dẫn cuốn sách sự báo thù của địa lý của tác giả người Mỹ Robert Kaplan để lý giải thành công của bóng đá Hà Lan: từ thế kỷ 16, Hà Lan đã phải cố gắng lấn biển và quy hoạch để thỏa mãn nhu cầu của một đất nước có mật độ dân số lên đến hơn 500 người/km2, thậm chí “tạo ra” được Flevoland, một tỉnh hoàn toàn mới trong quá trình này.
Người Hà Lan bị ám ảnh bởi không gian, và nó trở thành triết lý trung tâm trong bóng đá Hà Lan. Cách bắt việt vị từ giữa sân của đội tuyển Hà Lan thập niên 1970 là một ví dụ rất trực quan cho thấy tư duy về không gian này: các cầu thủ Hà Lan dâng lên tận vòng tròn giữa sân, bỏ lại không gian phía sau, thu hẹp sân đấu lại chỉ còn một nửa. “Thánh” Johan Cruyff sau này đã đúc kết: “Khi có bóng, bạn cần làm cho sân bóng rộng nhất có thể và khi không bóng, cần thu nó lại càng nhỏ càng tốt”.
Triết lý bóng đá ấy đã trở thành xương sống trong bóng đá định hướng vị trí mà HLV Pep Guardiola sử dụng sau này cho Barcelona vĩ đại và ở bất kỳ CLB nào ông dẫn dắt, trở thành một trường phái thông dụng cho bất cứ đội bóng nào muốn phát triển lối chơi đồng đội, với tầm ảnh hưởng sâu sắc lên thế giới bóng đá.
Rạng sáng qua, không có một cậu bé Hans ước lệ nào xuất hiện trong thứ bóng đá mà Hà Lan đã chơi trước khi bị loại. Chỉ có cánh tay “như dính nam châm” của Matthijs De Ligt, hậu vệ đã phạm một sai lầm chết người khiến đội bóng của anh rơi vào thế thiếu người. Không gian của các cầu thủ Hà Lan bị “xâm chiếm”, và tràn ngập màu áo trắng của cầu thủ Czech. Thứ bóng đá mà Hà Lan đã chơi dường như bị “đứt dây rốn” khỏi những triết lý sống đã giúp tổ tiên họ lấn biển, trị thủy trong hàng trăm năm.
Hôm nay, những người Hà Lan có lẽ không hẳn buồn vì đội tuyển đã thua và bị loại (làm gì có tuyển Hà Lan nào nổi tiếng nhờ giành nhiều chức vô địch đâu). Hôm nay, điều buồn nhất là không có thêm câu chuyện nào được kể, về cách những người Hà Lan đã sống, và suy nghĩ khác biệt như thế nào. Như câu chuyện về Hans đã tồn tại đến một thế kỷ, và vẫn được kể cho trẻ em trên toàn thế giới nghe.
Không phải ngón tay, mà là tàu
Cậu bé Hans bị coi là sản phẩm hoàn toàn hư cấu, nhưng câu chuyện về cậu được cho là phỏng theo một sự kiện có thật ở Hà Lan vào ngày 1/2/1953, thời điểm xảy ra trận lụt tồi tệ bậc nhất lịch sử đất nước này. Tại Zuid-Holland, nước sông Ijssel dâng cao, đe dọa con đê dọc sông đang bảo vệ những vùng đất trũng sâu nhất của Hà Lan, trong đó có các thành phố lớn như Rotterdam, Gouda, The Hague và Leiden. Nếu con đê bị vỡ, phần lớn dân số Hà Lan sẽ ngập trong nước đến vài mét.
Vào lúc 05h30 sáng, một đoạn đê dài 15 mét đã vỡ và nước tràn vào trong. Người hộ đê có tên Evegroen nhanh trí lái con tàu lớn nhất vùng, có tên Twee Geobroeders, dài 18 mét cắm thẳng vào đê để bịt lại lỗ thủng. Phía sau, người ta dùng các bao cát nêm lại để giữ con tàu. Nước chảy chậm lại và 3 triệu người được cứu. Người dân ở các vùng lân cận Zeeland và Noord-Brabant không được may mắn như thế: Lũ lụt đã khiến 1.796 người thiệt mạng. Nếu không có Evegroen, con số đó hẳn sẽ còn cao hơn nhiều.