Sự điên rồ của leo núi
Chinh phục Everest, đỉnh núi đã đã cướp đi sinh mạng của khoảng gần 300 người, có lẽ không phải là điều những người leo núi làm vì danh tiếng, tài sản, hay đơn giản để khoe khoang. Cho đến giờ, mỗi năm có khoảng 500 người cố gắng lên đỉnh Everest, và mặc dù được hỗ trợ bởi các trang thiết bị hiện đại hơn nhiều, nó vẫn là một hoạt động khó chịu, đau đớn và đầy rủi ro.
Chỉ riêng trong năm 2015, 22 người đã bỏ mạng trên núi, trong khi năm 1977 là lần gần nhất không có ca tử vong nào vì leo Everest. Vào tháng 4/2018, Ueli Steck, một trong những vận động viên leo núi vĩ đại nhất mọi thời đại, đã chết trên Nuptse, một ngọn núi gần Everest.
Cho dù nguy hiểm như vậy, những ai chinh phục Everest có một sự kỳ thị mạnh mẽ với những “người du lịch Everest”, tức là những người lên núi với nguyên một đoàn dẫn đường tiền hô hậu ủng cùng hàng chục bình oxy và các thiết bị hiện đại, thậm chí có cả… TV plasma, lò nướng thịt, và dây căng để những người leo bám vào đó mà đi. Những chuyến đi đôi khi tốn kém đến 70 ngàn USD/người.
Những người leo Everest thật sự không cần những thứ như thế. Một quy tắc bất thành văn của môn này là leo núi theo cách càng khó thì càng có uy tín và sự tôn trọng. Các nhà leo núi của Nga khi chinh phục dãy Himalaya đã từng khiến cộng đồng leo núi phẫn nộ vì họ sử dụng rất nhiều dây thừng để lên và xuống an toàn, và sau đó bỏ lại trên núi. Đấy được xem như một sự “xúc phạm” với bộ môn này.
Thậm chí phù phiếm hơn, năm 1975, một quy tắc khác được đặt ra còn làm cho môn leo núi khó khăn hơn gấp bội: các nhà thám hiểm sẽ leo những ngọn núi hàng ngàn mét mà không cần bình oxy. Nhiều người trong số họ đã chết trên dãy Himalaya vì cố gắng theo đuổi mục tiêu này.
Với những người leo núi, chỉ đơn giản là leo lên đỉnh núi không phải một mục tiêu được hầu hết những người leo núi coi trọng: bất kỳ ai cũng có thể đi lên được đỉnh Kilimanjaro nếu đủ sức vượt qua được độ cao, nhưng thiếu đi sự hiểm trở khiến đỉnh núi cao nhất châu Phi này chỉ được xem như một chuyến phượt thông thường. Bắt họ đi lên đỉnh bằng cáp treo chẳng hạn, chắc chắn đấy là một sự xúc phạm.
Chính vì thế, leo núi là môn mang tính “trò chơi nhất trong số các trò chơi”, vì những người tham gia không hề quan tâm đến kết quả, mà mọi nỗ lực tự nguyện chỉ là để vượt qua những trở ngại không cần thiết, để thắng được bản thân mình.
Dũng khí để chơi
Người Anh chính là những nhà leo núi đầu tiên: George Mallory là thành viên của ba đoàn leo núi Everest đầu tiên trong lịch sử, đều mang quốc tịch Anh. Ông chưa từng lên đến đỉnh, và qua đời trong nỗ lực lần thứ ba. Nhưng ngày nay, Mallory vẫn được xem như một trong những nhà leo núi vĩ đại nhất lịch sử, vì ý chí kỳ lạ của mình.
Giờ hãy nghĩ về sự phiêu lưu phù phiếm đến điên rồ này, khi nói về chính người Anh trong bóng đá. Họ vừa lần đầu tiên trong lịch sử vào chung kết EURO, với một năm có vẻ như thiên thời địa lời nhân hòa đều hội tụ. Bán kết và chung kết đều sẽ diễn ra ở Wembley. Dường như chẳng gì có thể được người Anh trong cuộc chinh phục đỉnh núi mà họ đã chờ đợi nhiều năm, với slogan chung là “Mang bóng đá về nhà”.
Nhưng đây chắc chắn không phải một hành trình có tính phiêu lưu: đội tuyển Anh đã đi đến trận chung kết bằng những tính toán chặt chẽ. Bộ phận phân tích của họ đã tìm ra “bí quyết” của Bồ Đào Nha ở EURO 2016 và Pháp ở World Cup 2018, rút ra rằng việc giữ sạch lưới phải là tiên quyết, và Anh đã chơi đúng với tinh thần như thế. Ở Wembley rạng sáng qua, họ đã không dám phiêu lưu, nhiều hơn những gì đội khách Đan Mạch đã làm, và đi tiếp sau một quả penalty đầy tranh cãi.
Không ai biết Raheem Sterling có chủ ý ngã trong tình huống dẫn đến quả penalty hay không, và thật ra dù có ngã thật, cũng chẳng ai có thể trách cứ được anh cả. Bóng đá từ lâu đã thừa nhận những tiểu xảo để giành lợi thế như một phần của cuộc chơi, như một luật bất thành văn.
Nhưng đôi khi nghĩ lại về những nỗ lực liều mạng không hẳn chỉ vì cái đích là đỉnh núi, cũng không phải vì danh tiếng hay tiền bạc, của những người Anh đã leo lên đỉnh núi chỉ vì tính chất phiêu lưu điên rồ của nó, chúng ta có lẽ cũng muốn tự hỏi: bóng đá có thật đáng sợ đến nỗi, ta không thể trích ra thêm nhiều dũng khí để chơi?
Đặc biệt là khi về mặt lý thuyết, thì “bóng đá” đang ở nhà rồi.
Leo núi, môn thể thao “thần kinh”
John Menlove Edwards, một nhà leo núi hàng đầu người Anh và cũng là bác sĩ tâm thần, coi môn leo núi có “khuynh hướng tâm thần kinh” hơn là thể thao. Ông chính là bằng chứng sống động nhất cho nhận xét này: Edwards bị mắc chứng rối loạn lưỡng cực sau những lần leo núi liên miên, và sau đó tự tử thảm khốc vào năm 1958, khi mới 48 tuổi.