1. Bóng đá ngày nay gắn liền với những con số, thuật ngữ chiến thuật. Nhiều khái niệm thậm chí còn khiến người trong nghề gãi đầu. Năm 2020, Jose Luis Mendilibar tâm sự với Vicente Del Bosque rằng nhiều lúc trong phòng họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi bằng những thuật ngữ ông không tài nào hiểu nổi: “Cả đời tôi chỉ biết đến ‘phản công’, giờ họ dùng ‘chuyển đổi trạng thái nhanh từ thủ sang công’. Tôi thấy mình lỗi thời.” Hơn một năm trước, người không đương thời Mendilibar ấy cùng Sevilla vô địch Europa League; mới mùa giải rồi, ông lại cùng Olympiacos vô địch Conference League.
Xem bóng đá ngày nay không còn đơn giản. Vài hôm trước, một anh bạn của tôi, vốn đã xem bóng đá từ những năm 90 và giờ vẫn duy trì sở thích ấy, hỏi tôi về thuật ngữ “chạm bóng” trong thống kê bóng đá.
“Chạm” bóng theo nghĩa đen là “đụng, chạm” vào quả bóng. Nhưng mỗi lần đụng chạm vào quả bóng ấy lại chưa chắc được tính là 1 “pha chạm bóng” trong các thống kê mà chúng ta hay thấy giờ đây trên màn ảnh hoặc báo chí.
Opta, hãng thống kê và dữ liệu bóng đá số má nhất thế giới hiện tại, định nghĩa rằng: Một pha chạm bóng là một sự kiện riêng rẽ diễn ra trên sân khi một cầu thủ có bóng, trước một sự kiện mới tiếp theo.
Nếu Neymar nhận một đường chuyền từ đồng đội, khống chế bóng, làm vài động tác tâng bóng nghệ thuật, trước khi tung ra một đường chuyền khác, xét theo nghĩa đen, anh ta chắc phải chạm bóng 5-6 lần. Nhưng trong thống kê, Neymar làm tất cả những thứ đó rồi chuyền bóng đi chỗ khác thì mới chỉ là “chạm bóng” đúng 1 lần.
2. Trước khi vào giải Copa America 2024, Lionel Messi khi trả lời phỏng vấn với nhà báo Juan Pablo Varsky của Clank có than vãn rằng: “Kỷ nguyên thành công của Guardiola ở Barça khiến nhiều người bị nhầm lẫn. Ai nấy cũng muốn chơi bóng theo cách đó. Những đứa trẻ từ lúc 6-7 tuổi đã được dạy phải chơi bóng ‘hai chạm’, chơi bóng thật nhanh. Bọn trẻ bị gượng ép, mất đi sự phát triển tự nhiên.”
Messi chỉ ra một vấn đề mà chúng ta bắt gặp thường xuyên trong đời sống thường nhật. Thời nay, dễ gì kiếm ra món cá đồng, vịt đồng, ếch đồng hay mật ong rừng… (có thể có, nhưng sẽ đắt) gần như mọi thực phẩm đều do nuôi trồng. Khi con người chinh phục thế giới, để giải quyết nhu cầu lương thực, chúng ta không thể để những gì được nạp vào cơ thể phó mặc cho tạo hóa. Chúng ta muốn khống chế mọi thứ.
Tương tự, trong công cuộc triệt tiêu những cầu thủ dở, những lò đào tạo bóng đá chuyên nghiệp ra đời, phương pháp đào tạo cầu thủ được toàn cầu hóa. Chúng ta sản sinh ra nhiều lứa “cầu thủ học viện” với chất lượng đạt chuẩn. Vấn đề là, với quá trình ấy, chúng ta cũng vô tình triệt tiêu đi nhiều cầu thủ giỏi kiệt xuất.
“Hai chạm” hay “dos toques” mà Messi nhắc tới, là hai chạm xét theo nghĩa đen, chứ không phải theo Opta này kia. Nguyên tắc ấy đã trở thành một triết lý El Dostoquismo đầy tự hào của những nhà giáo dục bóng đá Tây Ban Nha. Song, bản chất của hai lần chạm bóng không xấu, chỉ có lạm dụng chúng mới xấu.
Hiểu nôm na, nếu chơi bóng ít chạm, bạn sẽ có thể đẩy nhanh tiết tấu hơn, bắt đối thủ phải bận rộn hơn, đối phương sẽ gây áp lực trễ hơn hoặc có khi là không thể gây áp lực được. Chơi bóng ít chạm thì đồng đội sẽ có nhiều không gian và thời gian hơn để nhận bóng, từ đó đưa ra quyết định tối ưu hơn. Đó là ý nghĩa tích cực của những pha xử lý hai chạm.
Vậy nếu lạm dụng “hai chạm” thì thế nào? Thế giới bóng đá sẽ dần mất đi những chân rê dắt bóng thượng thừa. Những Messi, Mbappe, Neymar, Hazard, Vinicius… không chấp nhận sự gò bó đó. Vì những gì đẹp đẽ nhất được phô diễn một khi họ có nhiều hơn hai lần chạm bóng. Cứ mỗi bước di chuyển cùng quả bóng, họ sẽ cần đến bấy nhiêu lần chạm.
Juanma Lillo, trợ lý tin cẩn của Pep Guardiola, cũng là một trong những nhà giáo bóng đá có sức ảnh hưởng với dòng chảy chiến thuật Tây Ban Nha, góp phần truyền bá tư tưởng “dos toques” ấy, hồi World Cup 2022 từng tự trách bản thân: “Đám HLV chúng tôi có nhiều ảnh hưởng quá! Đến mức không thể chịu đựng nổi! Chúng tôi có những ý tưởng của riêng mình và muốn truyền bá ý tưởng đó để giúp mọi người hiểu hơn về bóng đá. Nhưng chính các cầu thủ mới là những người hiểu bóng đá hơn ai hết.”
Rồi ông cảm thán: “Thời đại của những chân rê dắt đã tàn! Kiếm đâu ra những cầu thủ như thế nữa? Có lẽ ở Nam Mỹ, bạn sẽ tìm thấy được vài người như thế, bởi tài năng của họ được nuôi dưỡng trên đường phố, chứ không phải trong học viện. Hãy nhớ rằng: tài năng được sinh ra từ nghịch cảnh.”
Messi thực ra không chỉ trích Pep, Juanma Lillo chắc cũng không muốn thất nghiệp, họ chỉ nói đến sự nhầm lẫn của thiên hạ. Bản thân Pep cũng từng không phủ nhận vai trò quan trọng bất biến của những chân rê dắt, Man City của ông năm nào chẳng mua những cầu thủ thích cầm dắt bóng.
Năm 2019, sau khi vô địch Community Shield với Man City ở giai đoạn đầu mùa, Pep thực hiện một cuộc phỏng vấn thuộc hàng “mở tung cánh cửa đến thế giới quan bóng đá của ông” trên kênh truyền hình GOL TV của Tây Ban Nha.
Ở đó, Pep được hỏi rằng có phải chúng ta đang chú trọng đến tính chuyên nghiệp quá sớm của các cầu thủ trẻ, liệu bọn trẻ có nên được dành nhiều thời gian hơn để chơi bóng trên đường phố, được rê dắt bóng nhiều hơn hay không, đã trả lời: “Nếu một đứa trẻ có tài rê dắt bóng, tài năng ấy vẫn sẽ còn mãi đến già. Song, bọn trẻ cần biết làm chuyện đó khi nào và như thế nào cho hợp lý.”
3. Nguyên nhân gốc rễ do sự nhầm lẫn, đặt sai trọng tâm, hay đơn giản là lứa cầu thủ mỗi thời mỗi khác, thì chỉ người Tây Ban Nha mới nhìn thấu. Nhưng thực tế, nhìn lại những năm đã qua và hiện tại, sự khác biệt lớn nhất của tuyển Tây Ban Nha là việc giờ đây tập thể này có những chân rê dắt chất lượng ở hai cánh.
Bản chất kiểm soát bóng, chơi tấn công, gây áp lực khi mất bóng… của Tây Ban Nha vẫn được bảo lưu. Triết lý “hai chạm” vẫn được duy trì, nhất là khu trung tuyến với đầu não Rodri, nhưng hai cánh của họ bây giờ đã “nhiều chạm” hơn, dám đột phá, dám chơi bóng rủi ro hơn.
Khi Tây Ban Nha bị loại ở vòng 16 đội World Cup 2018 bởi chủ nhà Nga, hai cánh trên mặt trận tấn công của Fernando Hierro bấy giờ là Isco và Marco Asensio. La Roja rời cuộc chơi với trung bình thời lượng kiểm soát bóng 76% và 22 pha rê dắt bóng mỗi trận. Ở Qatar 2022, công thức ấy vẫn không đổi, thậm chí khốc liệt hơn; Tây Ban Nha cũng dừng bước ở vòng 16 đội, với trung bình thời lượng kiểm soát bóng 77% và 18 pha rê dắt bóng mỗi trận.
Trong thất bại trước Ma Rốc, hai tiền đạo cánh của Luis Enrique là Dani Olmo và Ferran Torres. Ai cũng thấy La Roja năm đó bế tắc ra sao khi cứ chuyền qua chuyền lại trước khối 4-5-1 kỷ luật của đối thủ. Nhưng sau trận đấu, Lucho nói đầy mỉa mai: “Họ đã làm đúng 100% yêu cầu chiến thuật, à có lẽ chỉ 99,9%, vì chúng tôi đã không ghi được bàn.”
Những năm tháng thất bại ấy mở ra một chương mới. Luis Enrique rời La Roja, cùng với đó là giám đốc thể thao của đội tuyển, Jose Francisco Molina. Đổi lại, Luis de la Fuente lên làm tân thuyền trưởng, còn chiếc ghế Molina để lại được nắm bởi Albert Luque.
Albert Luque là ai? Người xem La Liga lâu năm hẳn còn nhớ, anh là tiền đạo một thời của Mallorca và Deportivo. Nhưng có một chi tiết ít người để ý. Trong đội hình Tây Ban Nha tại World Cup 2002 và Euro 2004, Albert Luque góp mặt như một tiền đạo cánh. Ở EURO 2004 trên đất Bồ Đào Nha, dù bị loại ngay từ vòng bảng, Luque, Vicente cùng Joaquin là những chân chạy cánh thực thụ. Người dẫn dắt Tây Ban Nha lúc này là Inaki Saez, một HLV xứ Basque, và cũng chính là người tiến cử De la Fuente sau này.
Đó là một thời xa vắng. Từ sau năm 2004 trở đi, Tây Ban Nha không còn những mẫu tiền đạo cánh điển hình nữa, hoặc họ đơn giản là không dùng đến. Họ chuyển dịch trọng tâm vào khu trung tuyến, với thời đại tiqui-taca. Đỉnh điểm là EURO 2012, trận chung kết trước Italia, La Roja chơi với hàng công là ba tiền vệ: Iniesta, Silva và Fabregas.
Chính Albert Luque trong vai trò mới đã thuyết phục Lamine Yamal chọn Tây Ban Nha thay vì Ma Rốc. La Roja mới của De la Fuente giờ trung bình chỉ kiểm soát bóng 57,4%, nhưng số pha rê dắt bóng lên tới 26 lần mỗi trận – nhiều nhất trong thế kỷ 21. Riêng cặp tiền đạo cánh Lamine Yamal và Nico Williams có tổng cộng 65 lần tìm cách rê dắt bóng, nhiều nhất trong số các cặp đôi rê bóng của EURO 2024 hiện tại.
Trong thế giới điện ảnh có một giai thoại thế này: Khi kỷ nguyên im lặng kết thúc và lời thoại bắt đầu xuất hiện, những ngôi sao im lặng cảm thấy các diễn viên không còn là diễn viên nữa; vì nếu đã có thể nói, bạn đâu cần phải diễn, phải hành động. Chính từ nghịch cảnh không thể nói mà tài năng diễn xuất được khơi dậy.
Trong một thế giới bóng đá ngày càng có nhiều tiền vệ trung tâm với chất lượng giỏi ngang nhau khi được đào tạo “hai chạm” đúng chuẩn, những chân rê dắt “nhiều chạm” xuất sắc ở biên là một lợi thế.