Càng chuyên nghiệp, Đồng Tháp càng tụt hậu
Ở miền Tây, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long đều có những đội bóng từng chơi ở các hạng cao nhất của đất nước. Nhưng tất cả cũng chẳng thể sánh bằng Đồng Tháp trên nhiều mặt. Không chỉ là cái nôi đào tạo nên nhiều tên tuổi nức tiếng của bóng đá Việt Nam một thời như Phạm Anh Tuấn, Lai Hồng Vân, Huỳnh Quốc Cường, Trang Văn Thành, Trần Công Minh…, ở các giải đấu cao nhất, Đồng Tháp cũng đã từng ghi danh trên bảng vàng thành tích với 2 chức Vô địch Quốc gia.
Đầu tiên là chức vô địch năm 1989 chỉ sau 1 năm thăng hạng. Đến năm 1996, đội chủ sân Cao Lãnh thêm một lần nữa đăng quang. Nhưng khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, Đồng Tháp rơi vào tình cảnh khó khăn. Tài chính là nút thắt quan trọng để gỡ rối cho đội chủ sân Cao Lãnh.
Trong guồng quay ấy, những nhà quản lý về mặt nhà nước cũng đã tạo điều kiện chuyển đổi mô hình để hy vọng, Đồng Tháp tiếp tục hanh thông trên con đường bóng đá chuyên nghiệp. Công ty cổ phần bóng đá Đồng Tháp ra đời với hy vọng, sẽ cứu vãn được số phận đang long đong của đội bóng này. Nhưng nghịch lý là càng giao cho tư nhân quản lý, Đồng Tháp lại tụt dốc thê thảm.
Khi còn thuộc quyền quản lý của cơ quan nhà nước, Đồng Tháp từng gây tiếng vang mạnh mẽ với vị trí thứ ba ở V.League 2010. Nhưng dưới sự điều hành của công ty cổ phần bóng đá Đồng Tháp, thành tích của đội bóng này không chỉ nghèo nàn đi thông thấy mà bản thân đội còn mất giá trầm trọng. Từ V.League, Đồng Tháp tụt dần xuống hạng Nhất và tệ hơn nữa là xuống hạng Nhì, giải đấu được coi là phong trào, của bóng đá Việt Nam. Đó là tình cảnh không mấy ai có thể tưởng tượng nổi cho một địa phương có truyền thống bóng đá hùng mạnh nhất khu vực miền Tây.
Đồng Tháp ngày càng vắng người tài
Không chỉ số phận lênh đênh của đội lớn, công tác đào tạo trẻ của Đồng Tháp cũng đã tụt hậu so với trước đây rất nhiều. Đồng Tháp từng một thời là cái nôi đào tạo trẻ nức tiếng, giới thiệu được rất nhiều gương mặt nổi bật cho các Đội tuyển Việt Nam. Đơn cử như trong thành phần của U20 Quốc gia năm 2004, Đồng Tháp có đến 6 cầu thủ góp mặt và tất cả đều đá chính. Họ sau này trở thành những cầu thủ nổi tiếng như Việt Cường, Quý Sửu, Thanh Bình, Tấn Trường, Phong Hòa, Phước Thạnh… Tiếp đến, Đồng Tháp còn cho ra lò nhiều cầu thủ chất lượng khác như Thanh Hiền, Bửu Ngọc, Thanh Hào… Tất cả đều là những “viên ngọc” có sức hút đối với các CLB trong nước.
Nhưng trong gần chục năm trở lại đây, Đồng Tháp đã mất vị thế hẳn trong thành phần các ĐTQG khi không còn giới thiệu được gương mặt nào đáng giá. Một số cầu thủ cho thấy sự triển vọng trong màu áo của Đồng Tháp nhưng nhanh chóng rơi vào cảnh “sớm nở tối tàn”. Người của Đồng Tháp cho rằng, sự thiếu đồng bộ giữa đơn vị chủ quản (tư nhân) của CLB Đồng Tháp và Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ (thuộc quản lý của nhà nước) đã góp phần đẩy bóng đá Đồng Tháp vào cảnh thoái trào. Nó khác với trước đây khi tạo nên một “trục thống nhất giữa các tuyến trẻ và đội lớn” nên công việc “trồng người” rất trôi chảy và tạo được tính hiệu quả cao.
Trò hay phải có thầy giỏi. Trên phương diện này, bóng đá Đồng Tháp thời gian qua đã mất đi nhiều HLV tên tuổi. HLV Trần Công Minh từng thiết tha quay về theo tiếng gọi của quê hương (từ Long An, Thành Long) nhưng nay cũng đã bỏ xứ ra đi để làm công tác đào tạo trẻ ở Học viện Juventus Việt Nam. HLV Phạm Công Lộc từng dẫn dắt Đồng Tháp tạo nên hiện tượng ở V.League thì hiện tại đang xuất tướng trong màu áo của Công an Nhân Dân sau một thời gian lui về “ở ẩn”. Những HLV kỳ cựu một thời như Phạm Anh Tuấn, Lai Hồng Vân cũng đã chia tay hẳn với bóng đá để làm những công việc ngoài chuyên môn.
Tất cả đều là những HLV có tay nghề nhưng bởi những lý do khác nhau, trong đó có vấn đề cơ chế, chính sách, cách làm…, nên họ đã không còn mặn mà cống hiến cho bóng đá Đồng Tháp. Trong lúc đó, không nhiều người đang làm công tác chuyên môn hiện tại ở bóng đá xứ bưng biền này được đánh giá cao. Việc mất (thiếu) những người thầy giỏi người Đồng Tháp trong lúc không hút được nhân tài từ các nơi khác là nguyên nhân khác đẩy bóng đá nơi này rơi vào cảnh thoái trào.
Sẽ xây dựng đội mới?
Bất đồng quan điểm giữa cơ quan quản lý nhà nước và công ty cổ phần đã đặt Đồng Tháp trước một thách thức lớn. Những người có trách nhiệm với bóng đá Đồng Tháp đã manh nha ý định xây dựng lực lượng trẻ hiện có để bắt đầu tìm lại hình ảnh của bóng đá Đồng Tháp từ hạng ba.
Khán đài là lễ hội
Khác với nhiều tỉnh thành ở miền Tây, bóng đá được ví như một “tôn giáo” của người Đồng Tháp. Mỗi khi sân Cao Lãnh có trận là người dân Đồng Tháp kéo về tề tựu để tạo ra một lễ hội trên khán đài. Có một thời, các trận đấu trên sân Cao Lãnh diễn ra vào lúc 15h30 giữa cái nắng như thiêu đốt nhưng sức nóng của mặt trời không thể cản đường giới mộ điệu túc cầu đến sân. Họ sẵn lòng rời nhà từ giữa trưa để có thể đội nắng nóng kiếm 1 chỗ đứng trên sân Cao Lãnh, cổ vũ cho đội nhà.