Bóng Đá Plus trên MXH

Barca đã trở thành CLB toàn cầu như thế nào?
09:13 ngày 22/07/2017
Từ chỗ gặp khó khăn tài chính, thành tích thi đấu bết bát, Barcelona đã phải thay đổi để thích ứng với thời đại. Nhờ đó họ bứt lên trở thành một CLB có tiềm lực tài chính hàng đầu, đồng thời gặt hái vô số thành công trên sân cỏ. Tất cả là nhờ chính sách toàn cầu hóa được khởi nguồn từ cựu chủ tịch Sandro Rosell.

    Cách làm ăn của Barca

    Nou Camp từng được mô tả như một pháo đài, và Barcelona là tiếng nói thoát ly của Catalan với chính quyền trung tâm Madrid. Nhưng chúng ta không thấy điều đó nữa. Ngay trước cổng vào của sân là một bảng điện tử, ở đó Andres Iniesta vẫy tay kêu gọi mọi người vào tham quan sân bóng lớn nhất châu Âu (và tất nhiên là phải mất tiền).

    Người hướng dẫn viên dắt chúng tôi vào phòng thay đồ của đội khách. So với phòng thay đồ của đội chủ nhà, phòng của đội khách nhỏ hơn, bài trí đơn sơ hơn, nhìn chung là để tạo ra cảm giác không thoải mái cho họ mỗi khi đến đây thi đấu.

    Trong phòng ấy có một chiếc tủ lạnh. Người hướng dẫn mở cửa tủ lạnh của hãng Beko ra và nói: “Mỗi năm có khoảng 2 triệu du khách bước vào căn phòng này. Và 2 triệu con người ấy sẽ nhìn thấy chiếc tủ lạnh này. Mỗi một mùa bóng, Barcelona sẽ tiếp 19 đội bóng đến từ La Liga và tầm 10 đội bóng khác từ các giải đấu cúp đến Nou Camp. Những cầu thủ của đội khách sẽ uống nước lấy từ trong chiếc tủ lạnh này. Đấy là giá trị mà chúng tôi mang lại cho nhà tài trợ Beko.


    Câu nói ấy rõ ràng quá thuyết phục. Cách đây 2 năm, vai áo của Barcelona đã xuất hiện thương hiệu của Beko, hãng điện gia dụng hàng đầu châu Âu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Barca chưa từng có tiền lệ quảng cáo trên vai áo. Người ta chỉ nhìn thấy ở đó logo của BTC giải vô địch Tây Ban Nha (La Liga) hoặc logo của kênh truyền hình TV3 thuộc Catalan, một đối tác truyền thông.

    Thế nhưng để có tiền cho những vụ chuyển nhượng bom tấn như Neymar, Barca đã bắt đầu... bán cả vai áo của họ. Và sau một cuộc đấu thầu khốc liệt, hãng điện gia dụng đến từ quê hương của Arda Turan rốt cục đã chiến thắng hàng chục nhãn hàng danh giá khác. Đấy là lý do trong các hình ảnh hay video quảng bá cho Beko, Arda Tura luôn có mặt dù anh không phải là cầu thủ chính thức.

    Thế nhưng khủng khiếp nhất tất nhiên phải là hãng tài trợ chính thức đến từ Nhật Bản: Rakuten. Barca đã chấm dứt hợp đồng với Qatar Airways để ký với Rakuten một bản hợp đồng bom tấn, sẽ mang lại cho họ 58 triệu USD/năm.

    Thay đổi để tiếp tục là CLB vĩ đại

    Người đã mở ra kỷ nguyên toàn cầu hóa cho Barca không ai khác hơn là cựu Chủ tịch Sandro Rosell. Năm 2003, Joan Laporta giành chiến thắng trong cuộc bầu cử chủ tịch Barcelona. Khi ấy CLB là một tượng đài tang thương. Danh hiệu gần nhất họ đạt được là năm 1999, với chiếc cúp La Liga. CLB nợ nần chồng chất, thu nhập ít ỏi và thậm chí còn chật vật trong việc tìm vé dự Champions League. Khi Laporta đắc cử, Rosell được bổ nhiệm làm Giám đốc thể thao. Như chúng ta đã biết, sau đó Rosell đã từng bước biến Barcelona thành một trong những CLB giàu nhất thế giới. Đầu tiên, ông tăng phí thường niên của CLB lên thật cao, huy động nguồn lực tự thân.

    Sau đó là bản hợp đồng khổng lồ với hãng sản xuất dụng cụ thể thao Nike, nơi Rosell từng có lúc làm đến Giám đốc điều hành chi nhánh Nam Mỹ. Năm 2011/12, Barca chính thức ký hợp đồng tài trợ đầu tiên với Qatar Sports Investments (Qatar Foundation hai mùa đầu và Qatar Airways ba mùa sau). Khi Qatar Airways gia hạn thêm một năm vào đầu mùa giải trước, đấy là bản hợp đồng tài trợ áo đấu đắt nhất lịch sử của Barca.


    Khi lên ghế chủ tịch, việc đầu tiên Rosell làm là truất phế Johan Cruyff ra khỏi ghế chủ tịch danh dự, lấy lý do là việc bổ nhiệm của người tiền nhiệm là không qua bầu cử. Đấy là một bước ngoặt lớn trong lịch sử CLB. Bởi vì bộ ba Johan Cruyff, Joan Laporta và Pep Guardiola đều là những con người ủng hộ việc Barcelona là lá cờ đầu trong việc kêu gọi ly khai của xứ Catalan. Sau khi Rosell rời ghế chủ tịch vì tham nhũng, người tiếp quản Josep Bartomeu sau khi tham vấn các thành viên đã tiếp tục đưa Barca đi theo con đường thương mại hóa đội bóng, tách biệt hoàn toàn với nhiệm vụ chính trị.

    Barca hôm nay cũng tràn ngập ngôi sao quốc tế, cũng trả lương cao ngất ngưởng, cũng mở rộng với tất cả những nhà đầu tư chứ không còn là “Quân đội của quốc gia Catalan” như lời Sir Bobby Robson từng nói.

    Hợp đồng dài hạn, nhưng thay đổi... từng năm
    Trên tinh thần, hợp đồng với Rakuten sẽ kéo dài 4 năm. Gọi là trên tinh thần vì mỗi năm, Barca có thể sẽ... thay đổi theo hướng đề nghị tăng thêm tiền tài trợ cho “theo kịp thời giá”. Giống như năm ngoái, khi Barca còn đang đầy đủ cơ hội trên mọi đấu trường, họ đã yêu cầu Beko tăng thêm tiền tài trợ cho mùa giải năm sau. Đấy là cách mà họ tăng thêm nguồn thu, sau khi những nguồn thu từ bán vé và vật phẩm lưu niệm đều đã bão hòa.

    CLB kiếm tiền tài trợ nhiều nhất
    Theo Financial Times, Barca là CLB kiếm tiền từ nhà tài trợ giỏi nhất châu Âu dù họ không còn đứng trên đỉnh châu Âu nữa. Hợp đồng từ Nike giúp họ kiếm 150-155 triệu bảng/năm (con số này của Man United với Adidas chỉ là 75 triệu bảng). Họ có 5 “đối tác toàn diện”, 10 “đối tác chính thức” và 23 “đối tác địa phương”. Họ phủ từ Coca-Cola, Gillette đến những công ty địa phương như ngân hàng Caixa và bia Estrella Damm.
    Trần Minh • 09:13 ngày 22/07/2017

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay