Lịch sử của Bilbao được viết nên bởi những cầu thủ xứ Basque. Đây là câu chuyện rất độc đáo giữa một thời đại mà khái niệm “toàn cầu hóa” đã lan đến mọi ngóc ngách của đời sống. Bóng đá lại càng không là ngoại lệ. Vậy mà suốt hơn trăm năm tồn tại, Bilbao vẫn chỉ dùng cầu thủ người xứ Basque. Sau này, họ có mở rộng phạm vi một chút: những cầu thủ có bố, mẹ hoặc ông bà là người xứ Basque, tức là vẫn còn có gốc gác.
Lò đào tạo Lezama của Bilbao tuy không phải lúc nào cũng cho ra lứa cầu thủ tốt, nhưng quyết tâm duy trì truyền thống khiến đội bóng này rất được yêu mến. Tất nhiên là thỉnh thoảng Bilbao vẫn có thể... nới rộng luật đến mức phi lý, song các CĐV vẫn có lý do để chấp nhận. Như trường hợp của Aymeric Laporte, hậu vệ người Pháp sinh ra ở Agen, nhưng Bilbao vẫn chọn vì ông nội của... bố anh là người Xứ Basque.
Bilbao cũng từng ký hợp đồng với hai cầu thủ da màu: Jonas Ramalho và Inaki Williams, bởi họ có bố mẹ là người gốc xứ Basque. Nhưng Youssouf Diarra lại là trường hợp hoàn toàn khác. Anh là người Mali, 18 tuổi, đến Bilbao thử việc từ tháng 2/2017 và được nhận.
Diarra đến Catalonia năm 8 tuổi, nơi bố anh được nhận làm trong một nông trại. Anh tạo ấn tượng khi xin vào các đội trẻ ở Lleida. Rồi Diarra vào đội Txantrea, một CLB ở giải hạng Ba có liên kết với Bilbao. Đến tháng 2, Diarra gây ấn tượng với Bilbao trong buổi thử việc. Và thế là họ quyết định chiêu mộ anh, chưa dùng ngay mà lại mang cho một CLB khác mượn. Đây chỉ là ngoại lệ hiếm hoi, hay là khởi đầu cho một cuộc thay đổi tư duy tại Bilbao?
Fan dần chấp nhận thay đổi Trưng cầu trên tờ Marca cho thấy, 45% CĐV Bilbao đồng ý để CLB của mình mở rộng phạm vi chiêu mộ cầu thủ, thay vì chỉ khai thác nguồn từ xứ Basque. Con số này cho thấy các fan của Bilbao cũng dần cởi mở chứ không còn bám riết lấy truyền thống. |