Cho đến trận vòng đấu áp chót, La Liga còn đến 4 đội có khả năng giành được cú đúp (Barcelona, Atletico, Real Madrid và Sevilla). Bây giờ trước vòng đấu chót, không ai dám nói trước đội nào sẽ vô địch. Trong 3 mùa giải liên tiếp (từ 1992-1994), Barca chỉ có thể định đoạt chức vô địch ở vòng đấu cuối cùng, thậm chí là ở những phút cuối cùng. Năm nay, họ lại thấy mình rơi vào hoàn cảnh tương tự.
La Liga hóa ra không hề chán như người ta vẫn nghĩ. Đặt La Liga giữa những giải đấu đã có nhà vô địch từ sớm mấy vòng như Premier League, La Liga, Serie A, Ligue 1 lại càng thấy rõ điều đó. Real Madrid và Atletico là hai đội sẽ tranh chức vô địch Champions League tại Milan. Barcelona chỉ dừng chân ở tứ kết vì đối thủ của họ chính là... Atletico. Ở Europa League, Sevilla sẽ vào trận chung kết thứ ba trong 3 năm liên tiếp. Hai lần trước họ đều kết thúc trận chung kết với chiếc Cúp được mang trở lại Tây Ban Nha.
Sức hút của La Liga còn đến từ những câu chuyện bên lề, những câu chuyện mà nếu diễn ra tại Anh, nó sẽ trở thành những đề tài bàn tán cực kỳ ăn khách. “Văn hóa khích lệ”, tức chi tiền để một đội không liên quan cầm chân đối thủ trực tiếp của mình, là điều không ai nhận, nhưng ai cũng ngầm hiểu là có. Tổng biên tập Alfredo Relano của tờ AS bình luận tỉnh bơ trong chuyên mục thường kỳ của mình: “Văn hóa ấy được chấp nhận trong cộng đồng bóng đá Tây Ban Nha”.

Perez có chi tiền cho Granada cầm chân Barca?
Vấn đề là những đội bóng có liên quan nhận tiền để... thua. Còn nhận tiền để thắng có bị xem là tiêu cực không? Lại là Relano đưa ví dụ: việc cho tiền để khích lệ tất nhiên là không phù hợp với luật, nhưng nó được chấp nhận giống như bạn... hút thuốc trong quán bar bất chấp luật không hút thuốc chốn công cộng vậy.
Mấy năm nay, Chủ tịch BTC các giải đấu chuyên nghiệp Tây Ban Nha (LFP) Javier Tebas đã cố ngăn văn hóa ấy với việc ra quy định: một đội bóng không còn mục tiêu cụ thể nào để phấn đấu, nhưng sẽ kiếm nhiều tiền hơn nếu kết thúc mùa giải ở vị trí cao hơn. Tức cùng là trụ hạng, nhưng về đích ở hạng 10 sẽ kiếm nhiều tiền hơn ở hạng 11. Vấn đề là tiền ấy thuộc về CLB chứ không thuộc về cầu thủ. Trong khi “văn hóa khích lệ” sẽ rót tiền đến thẳng những cầu thủ ra sân.

Deportivo mất chức vô địch về tay Barca ở vòng đấu cuối
Paco Liano, cựu thủ thành Deportivo vừa tuyên bố trên đài RAC 1 của Catalan: “Tôi biết các cầu thủ Valencia đã nhận tiền để cầm chân chúng tôi hồi 1994”. Ngày ấy, Valencia đã ra sức kềm chân Deportivo, khiến đội bóng xứ Galicia mất chức vô địch ở vòng đấu cuối cùng về tay Barcelona. Có nghĩa là liên tiếp ba năm (1992, 1993, 1994), Barca đều lên ngôi với những lùm xùm về chuyện tiền bạc ở vòng đấu cuối cùng. Khác chăng là hai lần trước đó họ vượt qua Real Madrid ở vòng đấu chót và “kẻ thứ ba” là Tenerife mà thôi. Đến bây giờ, người Madrid vẫn gọi Tenerife là “la isla maldita” (hòn đảo nguyền rủa) là vì thế.
Nhưng có tiền hay không tiền, vòng đấu cuối cùng vẫn đáng theo dõi vô cùng. AS chỉ ra có 8 cầu thủ Granada có “nguyện vọng” đánh bại Barca. Đấy là ba cầu thủ đã bị Barca ruồng bỏ là Isaac Cuenca, David Lomban và Ruben Rochina. Đấy là cựu tiền vệ Javi Marquez của Espanyol, người đã đặt tên con trai mình là Modric vì hâm một tiền vệ của Real Madrid. Đấy còn là 4 cầu thủ đã khởi nghiệp ở Bernabeu là Jesus Fernandez, David Barral, Fran Rico và Edgar Mendez.
La Liga rõ ràng không nhàm chán chút nào!