Thảm cảnh này đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do thành tích sân cỏ quá tệ ở mùa 2010/11, khi kết thúc ở vị trí thứ 4 Premier League và lần đầu sau 3 mùa bị loại khỏi Champions League ngay từ vòng 1/8. Họ chỉ có 17 trận phát sóng trực tiếp trên truyền hình và không đạt chỉ tiêu kiếm tiền từ hoạt động bóng đá dù tăng giá vé thêm 4%.
Do tình hình kinh tế thế giới suy thoái, bất động sản lao dốc, doanh số bán căn hộ Highbury cũng tụt giảm ghê gớm, chỉ đạt 30 triệu bảng, kém xa con số 157 triệu 1 năm trước. Trong bối cảnh đó, lương cầu thủ lại tăng 12% lên 124 triệu, chiếm 55,2% doanh thu. Đồng thời, CLB vẫn phải gánh khoản nợ ròng 97 triệu bảng từ dự án xây sân Emirates.

Tất cả những điều này khiến dự trữ tiền mặt của Arsenal chỉ có 160 triệu bảng. Sau khi đã trừ đi những khoản bắt buộc phải chi, như thanh toán một phần nợ cộng lãi suất, trả cho người đại diện, gia hạn hợp đồng… họ chỉ còn 50 triệu bảng. Như vậy, Wenger khó có thể bước vào mùa Hè chuyển nhượng một cách thoải mái.
Lúc đó, Man City bước đến như một cứu tinh. Mất đi Samir Nasri và Gael Clichy nhưng đổi lại, Arsenal thu về 32 triệu bảng. Điều khiến họ hài lòng ở chỗ, gã nhà giàu đến từ Manchester chấp nhận thanh toán một lần. Nó khác với thương vụ Cesc Fabregas, tuy giá thỏa thuận là 35 triệu bảng nhưng Barcelona - đội bóng đang nợ gần 500 triệu bảng và chỉ xoay sở được khoản ngân sách 45 triệu cho cả mùa chuyển nhượng - muốn trả làm nhiều lần.
Với số tiền có được từ Man City, Wenger đã có một kỳ chuyển nhượng bạo tay, tạo tiền đề cho những thành công sau đó. Dù ông vẫn luôn phê phán chính sách dùng tiền mua danh hiệu của đội chủ sân Etihad, nhưng nói một cách công bằng, Arsenal đã hưởng lợi từ sự hào phóng này.