Rải tiền mua sắm ngôi sao là điều duy nhất mà Chelsea bảo đảm có thể làm tốt hơn mọi đối thủ, khi tỷ phú Roman Abramovich mua lại CLB này vào năm 2003. Nếu Chelsea lại còn có khả năng chuyển nhượng hiệu quả - kiểu như Arsenal trong thời đỉnh cao của Arsene Wenger - thì còn ai tranh chấp nổi với họ! Người này thừa tiền, thì người khác giỏi mua, đấy mới là lẽ công bằng!
Ngay lúc này, Romelu Lukaku đang là thảm họa: kém về phong độ, lại thuộc mẫu ngôi sao hễ không thành công thì “phá team”, nói chung là gây thất vọng so với cái giá chuyển nhượng 97,5 triệu bảng - đắt nhất trong lịch sử Chelsea. Ngay trước Lukaku là Timo Werner và Kai Havertz, nổi đình nổi đám trước mùa bóng 2020/21, nhưng lại thất bại đến nỗi khiến HLV Frank Lampard mất ghế. Thay chỗ Lampard vào giữa mùa bóng, HLV Thomas Tuchel hoàn toàn không có điều kiện mua sắm ngôi sao, nhưng ông thành công vang dội. Còn trước đó, Lampard cũng thành công trong mùa đầu tiên ở Chelsea, trong hoàn cảnh đội này đang bị cấm chuyển nhượng.
Chẳng lẽ lại bàn: muốn thành công thì tốt nhất Chelsea… đừng mua ngôi sao? Đùa thôi, dĩ nhiên. Nhưng cũng có chỗ liên quan. Bất quá HLV Thomas Tuchel chỉ được Chelsea tôn trọng hơn một tí so với những người tiền nhiệm, trong lĩnh vực chuyển nhượng. Trước đây, Antonio Conte nói thẳng: “Tôi chỉ là HLV”. Ý nói, HLV ở Chelsea thì không được chọn mua cầu thủ. Người ta giao cho Conte một lực lượng nào đấy, và ông cứ thế huấn luyện!
Văn hóa bóng đá ở Chelsea là vậy. “Nữ tướng” Marina Granovskaia thành công trong nhiều lĩnh vực nói chung, của mảng điều hành CLB - ví dụ quyết định thay HLV kịp thời và xuất sắc, hoặc chiến lược kinh doanh bóng đá luôn ổn thỏa. Chuyển nhượng chỉ là một phần việc của Granovskaia, và không phải là phần xuất sắc. Trước khi có Granovskaia thì Chelsea rất hỗn loạn. Nhân vật nào cũng muốn thể hiện quyền lực, để báo giới biết họ thân cận với ông chủ Abramovich. Cách chơi của Abramovich trong những năm đầu tiếp quản Chelsea thì quá ngông: thị trường định giá thế nào, cứ trả gấp đôi, lo gì chẳng mua được ngôi sao mà Chelsea muốn có!
Khái niệm “Chelsea muốn có” lại quá mơ hồ: hàng loạt nhân vật cùng nắm mảng chuyển nhượng. HLV trưởng thì thay đổi xoành xoạch. Mà ai cũng biết: chọn mua cầu thủ là việc gắn chặt với quan điểm chuyên môn của HLV. Cho nên, chuyển nhượng kém là một đặc điểm mặc nhiên của Chelsea. Riêng với những Lukaku, Werner, Havertz thì phải nói thêm: thật ra tài nghệ của họ đã là hơi “ảo”, bị thổi phồng quá đáng. Đã vậy lại phải chịu thêm áp lực vì chuyển nhượng một cách ầm ĩ. Họ gây thất vọng, trước tiên là vì sự kỳ vọng quá mức mà thôi. Chelsea hay ở những chỗ khác, không phải chuyển nhượng!
Sau Lukaku là những ai?
Romelu Lukaku là ngôi sao đắt giá nhất mà Chelsea từng mua. Đứng ngay sau anh trong danh sách những bản hợp đồng đắt giá nhất ở Chelsea lần lượt là Kai Havertz, Kepa Arrizabalaga, Alvaro Morata, Christian Pulisic, Fernando Torres! Không phải nhắc lại đóng góp của những “tượng đài chuyển nhượng” (về giá) này. Chuyển nhượng… ra khỏi Chelsea, và thành công, thì toàn hảo thủ như Mohamed Salah, Kevin de Bruyne!