Premier League do vậy trở thành “đấu trường phụ” của đội này, từ nay đến cuối mùa. Dĩ nhiên, Chelsea vẫn đang quyết liệt ganh đua ở Cúp FA và Champions League. Vậy nên, HLV Thomas Tuchel càng phải chọn Premier League làm đối tượng để “hy sinh”. Chẳng hạn cần ưu tiên chọn một trận đấu cụ thể để bung sức quyết đấu trong một thời điểm cụ thể, thì trận đấu ở Premier League sẽ được xếp vào ưu tiên cuối cùng.
Newcastle cũng chẳng khác mấy, dù ở thái cực ngược lại. Họ đã không còn băn khoăn chút nào với nguy cơ rớt hạng. Và tất nhiên, họ cũng không có mục tiêu nào để phải cố tranh chấp nữa. Các trận còn lại của Newcastle trong mùa bóng này, sẽ giống nhưng những trận… giao hữu. Trận Newcastle gặp Chelsea đêm nay chẳng phải là ngoại lệ.
Cũng có chỗ hấp dẫn riêng, không dễ thấy nơi các cặp đấu “đỉnh cao”, càng không thể có nơi các trận đấu mà một trong hai đội chỉ vừa thoát khỏi nguy cơ rớt hạng. Newcastle thắng 6, hòa 1 trong 7 trận gần đây ở Premier League. Đấy là điều mà ngay cả đội đầu bảng Man City cũng không làm được, chứ khoan nói Chelsea. Dù sao đi nữa, Chelsea cũng đang toàn thắng 4 trận, với Liverpool và Arsenal là hai đội khác làm được điều này. Chelsea - Newcastle thật sự là cặp đấu số 1 ở Premier League hiện nay, xét về phong độ của cả đôi bên.
Chỉ có điều, như đã nêu: phong độ tuyệt vời này sẽ chẳng dẫn đến điều gì đáng kể. Chelsea cần củng cố chỗ đứng trong Top 4 trong khi Newcastle cần lánh xa khu vực chót bảng. Cả hai đều đã đạt được những điều quan trọng ấy, nghĩa là đã “xong việc” rồi. Bây giờ là lúc cầu thủ đôi bên ra sân thi đấu vì danh dự, vì niềm tự hào của chính mình - nếu có.
Chelsea trong những ngày gần đây gồm toàn chuyện buồn. Kỳ thực, đấy là sự kiện tất yếu phải đến (đây không phải là vấn đề “quan điểm chính trị trong bóng đá”, như 90% số người quan tâm đã nghĩ sai ngay từ đầu). Bạn đọc cần biết: cái tinh thần bóng đá không có chỗ cho chính trị, nghĩa là nếu bạn ra sân chơi bóng mà lại dùng cơ hội ấy để quảng bá biểu tượng của một đảng phái chính trị - thì đấy là điều cấm, sẽ bị phạt. Không riêng chính trị, bóng đá còn cấm cổ súy tôn giáo hoặc vài vấn đề “nhạy cảm”. Còn chuyện phải đến với Roman Abramovich thì, xin nói gọn, không phải là chính trị.
Thôi thì, trước mắt cứ đá “vì danh dự” cho khuây khỏa vậy. Chắc chắn là không có chuyện các ngôi sao Chelsea lâm cảnh thất nghiệp rồi. “Đội bóng Chelsea” cũng chẳng có gì phải lo. Đấy là một CLB Anh lừng lẫy danh tiếng, trong một mức độ nào đó là một di sản văn hóa. Chẳng phải nói, nước Anh cứ phải bảo vệ Chelsea. Làm sao để đội bóng hiếm hoi từng có đủ 3 cúp châu Âu này cáo chung, thì bóng đá Anh… ráng chịu. Đá bóng hay, cho vui lên nào!