Giờ thì họ đã có thể thấy vui vẻ và nhẹ nhõm. Man United chứ không phải Arsenal đang rơi vào khủng hoảng và trở thành trò cười tại Premier League. Theo dõi trận đấu của Man United tại Gtech Community Stadium, chắc chắn các fan Arsenal đã nhận ra vài cảnh tượng quen thuộc: những cầu thủ được trả lương quá cao nhưng thi đấu kém hiệu quả; chiến lược xây dựng đội bóng hỗn độn; CĐV bất bình; một thủ môn chơi chân kém và không đáp ứng được yêu cầu về việc chuyền bóng của HLV. Cách đây không lâu, đó là những vấn đề mà Arsenal đã gặp phải.
Arsenal từng chẳng khác gì Man United ở thời điểm hiện tại. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa hai đội bóng chỉ còn quá khứ hào hùng và vẫn đang cố gắng để trở lại đường ray chinh phục danh hiệu. Arsenal vẫn chưa ở nơi họ mong muốn.
Như Mikel Arteta đã nhiều lần tuyên bố, họ vẫn “chưa đạt được gì hết”, nhưng có vẻ như với một chiến lược rõ ràng, mạch lạc và sự ủng hộ của chủ sở hữu - không chỉ về mặt tài chính, mà còn là quyền lực dành cho HLV - Arsenal đang tiến thêm vài bậc thang trên con đường gây dựng lại CLB. Man United còn chưa chạm được vào bóng, còn Arsenal ít nhất đã có được quả phạt góc.
Vậy Man United có thể học được gì từ quá trình khắc phục khó khăn của Arsenal? Điều rõ ràng nhất là tầm quan trọng của việc thiết lập (và thực thi) văn hóa của CLB Arteta và Steve Round (từng là trợ lý của David Moyes tại Old Trafford trong mùa giải 2013/14), gần như bị ám ảnh khi bắt đầu công cuộc khởi tạo nền văn hóa ở đội bóng London. Trước mắt họ là một CLB với những trái tim đã tan vỡ.
“Điều đầu tiên tôi làm là tập hợp các nhân viên và các cầu thủ lại với nhau, nói với họ những gì tôi nghĩ về họ và lý do tại sao mọi thứ không hiệu quả. Nếu chúng tôi tiếp tục như vậy, Arsenal sẽ không bao giờ tiến bộ. Chúng tôi phải tạo ra văn hóa phù hợp với CLB và đó phải là một môi trường mà trước hết mọi người mọi người phải tôn trọng lẫn nhau.
Chúng tôi phải làm việc cùng nhau, thể hiện niềm đam mê và ý thức được chúng tôi may mắn như thế nào. Nếu không có sự thống nhất đó, chúng tôi không thể lèo lái con tàu khổng lồ Arsenal và những kỳ vọng đặt vào CLB”, Arteta nói.
Không hề dễ dàng để tạo nên những sự thay đổi như vậy. Đã có những sự trả giá, những lần “từ chối thỏa hiệp” khét tiếng của Arteta trong suốt chặng đường - trong đó, hai lần “thanh lý môn hộ” với Mesut Ozil và Pierre-Emerick Aubameyang có lẽ là đáng chú ý nhất.
Đó là những trường hợp khó khăn, đòi hỏi giám đốc kỹ thuật Edu Gaspar, thành viên hội đồng quản trị và ông chủ LCB phải hết sức hỗ trợ Arteta, kể cả khi phát sinh chi phí tài chính và xuất hiện nhiều tiêu đề không mấy hay ho trên truyền thông. Đây chính là cách duy nhất để đảm bảo phòng thay đồ được điều hành bởi HLV chứ không phải các cầu thủ.
Nếu Man United không muốn Erik ten Hag trở thành bù nhìn thì họ không thể dao động mà cần toàn tâm toàn ý ủng hộ HLV trưởng - và nếu sự hiện diện của bất kỳ cầu thủ nào đe dọa vị thế của HLV thì anh ta phải ra đi. Chi phí chấm dứt hợp đồng của Cristiano Ronaldo sẽ rất lớn, nhưng đó có thể là cách duy nhất để giải thoát Man United khỏi tình hình ngày càng bi đát.
Một trong những sự thay đổi lớn đối với Arsenal đến nhờ việc áp dụng một chính sách rõ ràng về việc xây dựng đội hình. Vào năm 2021, Arsenal đã thực hiện 5 bản hợp đồng mùa hè, tất cả đều từ 23 tuổi trở xuống. Mục đích là để trẻ hóa đội hình, xây dựng bộ khung cho tương lai. Ở cùng thời điểm, không CLB Premier League nào chi nhiều phí chuyển nhượng hơn Arsenal - nhưng đó là một sự đầu tư xứng đáng.
Hơn nữa, họ đã tận dụng cơ hội để tạo ra sự cân bằng về mặt tiền lương. Arsenal đã bị chế giễu vì chi 50 triệu bảng (60,4 triệu đô la) cho Ben White, trong khi Man United ký mua Raphael Varane với giá 34 triệu bảng. Tuy nhiên, xét tới cả quá trình hai cầu thủ này hoàn thành hợp đồng của họ, White sẽ rẻ hơn đáng kể, và cung cấp cho CLB nhiều giá trị hơn.
Các bản hợp đồng Tyrell Malacia, Lisandro Martinez và Christian Eriksen mang đến cho United một sự kết hợp của những cầu thủ trẻ đầy triển vọng bên cạnh một cựu binh giàu kinh nghiệm. Nó gợi nhớ đến một số hoạt động mà Arsenal đã thực hiện trong năm 2018, khi Sven Mislintat chiêu mộ các cầu thủ từ Borussia Dortmund, cùng với một số tài năng trẻ, không cho thấy quá nhiều về mặt chiến lược.
Trường hợp của Martinez đặc biệt thú vị. Arsenal đã theo dõi sát sao và trả giá để ký hợp đồng với anh trong mùa hè này. Tuy nhiên, ý định của họ là đưa cầu thủ Argentina vào vị trí hậu vệ trái. Họ lo ngại về việc liệu một cầu thủ có thể hình tương đối nhỏ bé có thể đảm đương vai trò chốt chặn trung tâm hàng thủ ở Premier League hay không. Và dựa trên hai trận đấu đầu tiên của Martinez trong màu áo Man United, những nghi ngờ của Arsenal là hoàn toàn có cơ sở.
Tại Brentford, Eriksen thường là người chơi thấp nhất ở hàng tiền vệ. Anh thường là người nhận bóng từ các trung vệ và phân phối cho tuyến trên, nhưng cầu thủ 30 tuổi đã cực kỳ vất vả khi đối đầu với đội bóng cũ.
Arsenal từng gặp vấn đề tương tự với Granit Xhaka, nhưng dần dần, Xhaka đã được giảm tải khi bên cạnh anh có sự xuất hiện của Thomas Partey, một tiền vệ đẳng cấp hơn. Khi một mắt xích trong bộ máy không hoạt động, điều tối quan trọng là bạn phải tìm ra nguyên nhân. Ten Hag cần thêm thời gian để phát hiện những lỗ hổng đang tồn tại ở Man United.
Khi đội bóng của Ten Hag đã vào guồng, sẽ rất thú vị khi nhìn xem vai trò thủ môn ở Man United thay đổi như thế nào. Ở trận đấu với Brentford, David de Gea được yêu cầu điều phối bóng từ cầu môn - một lĩnh vực mà hiếm khi anh tỏ ra thoải mái. Dù có khả năng cản phá xuất sắc, De Gea tương đối thụ động và không phải là một thủ môn chơi chân tốt.
Arsenal đã trải qua điều đó với Petr Cech và cả Bernd Leno. Đó là lý do tại sao CLB ủng hộ việc Arteta tin tưởng Aaron Ramsdale. Thủ môn người Anh còn trẻ và còn nhiều cơ hội cải thiện khả năng, nhưng điều quan trọng là anh phù hợp với hệ thống và phong cách huấn luyện của Arteta. Đó là một lĩnh vực khác mà Arsenal được hưởng lợi: HLV có tầm nhìn rõ ràng về cách ông ấy muốn đội bóng thi đấu, và do đó, giám đốc kĩ thuật và đội ngũ tuyển trạch sẽ dễ dàng xác định các mục tiêu chuyển nhượng phù hợp.
Một trong những từ được Arteta lặp lại nhiều nhất là “thống nhất”, điều không tồn tại ở Man United vào lúc này. Các CĐV bất mãn và mâu thuẫn âm ỉ trong nội bộ. Tất cả đều rất quen thuộc với người hâm mộ Arsenal - sự thất vọng, khó chịu đeo đẳng và luôn là tâm điểm chỉ trích của truyền thông.
Mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Chỉ một năm trước, Arsenal đã thua 0-2 trước Brentford. Và sau đó, thái độ của Gary Neville ở buổi bình luận sau trận đấu trên Sky Sports hoàn toàn khác so với hôm thứ Bảy. Một kỳ chuyển nhượng tốt đẹp và việc ký hợp đồng với Martin Odegaard, Ramsdale và Takehiro Tomiyasu đã cải thiện đáng kể vận mệnh của Arsenal.
Man United có thể xoay chuyển tình thế. Mùa giải vẫn còn rất dài, hành trình của Ten Hag chỉ mới bắt đầu và còn quá sớm để đoán xem nó sẽ kết thúc như thế nào. Nhưng sự trái ngược về tâm trạng của hai “kỳ phùng địch thủ” một thời vào lúc này là rất rõ ràng. Arsenal đã thoát khỏi khủng hoảng còn Man United thì vẫn đang ốm yếu. Cả hai đều từng mắc những sai lầm giống nhau, nhưng sự khác biệt nằm ở tốc độ nhận ra lỗi lầm và sửa đổi chúng.