Có bản lĩnh nghĩa là bạn tin vào năng lực bản thân, không hề sợ hãi đối thủ trên tài, biết cách vượt qua hoàn cảnh khó khăn, và làm được những điều tốt đẹp hơn so với sự chờ đợi của thiên hạ. Bao nhiêu người dám dự đoán trước trận, rằng Arsenal dẫn điểm và chiếm thế thượng phong trước một Man City “vô đối”? Ngay cả giới hâm mộ Arsenal, nếu được cầm quân, có đủ can đảm để chọn lối chơi, chiến thuật hướng đến chiến thắng trước một Man City mà ai cũng thấy là bất khả chiến bại trong thời điểm này? Các cầu thủ trẻ của Arsenal, trong hoàn cảnh không có HLV trưởng, đã chơi lấn lướt trước đội hình già dặn kinh nghiệm, được dẫn dắt bởi HLV nổi tiếng nhất thế giới của Man City. Đấy chính là bản lĩnh.
Tiếc thay, Arsenal lại thua 1-2, vì thủng lưới ở phút bù giờ, sau khi bị đối phương gỡ hòa từ chấm phạt đền. Arsenal tỏ ra hay hơn trong 85 phút, nhưng lại thua trong khoảng 5 phút mang tính quyết định, ngay giữa trận. Granit Xhaka phạm lỗi dẫn đến phạt đền; Gabriel Magalhaes lĩnh thẻ vàng một cách không đáng có; Gabriel Martinelli bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc ở đầu sân bên kia; rồi Gabriel Magalhaes bị đuổi vì chiếc thẻ vàng thứ 2! Nếu là vấn đề bản lĩnh, thì đấy là bản lĩnh của các cá nhân liên quan, không lớn hơn bản lĩnh chung của Bukayo Saka và đồng đội. Nhưng có lẽ, phải gọi đấy là những khoảnh khắc ngu xuẩn, của cá nhân. Chính HLV phó Alberg Stuivenberg (cầm quân thay HLV Mikel Arteta đang nhiễm Covid) nói về Gabriel, khá đơn giản: đáng lẽ anh này phải khôn hơn.
Ai cũng có thể sai lầm, thậm chí điên rồ, mà chỉ sau nó nghĩ lại mới thấy mình điên. Nhưng nếu đấy là một sự lặp lại, thì đấy là vấn đề khác. Gabriel từng bị đuổi vì lãnh 2 thẻ vàng liên tiếp trong trận gặp Southampton mùa trước. Đây cũng đâu phải là lần đầu tiên Arsenal chuốc họa vì Xhaka, trong danh nghĩa cầu thủ “đàn anh”. Ở trận lượt đi, khi Arsenal thua Man City 0-5, chính Xhaka bị đuổi ngay trong hiệp 1.
Nếu đấy không phải là vấn đề đầu óc của các cá nhân riêng rẽ, thì đấy lại là lỗi lớn, mang tính tổng quát của HLV Arteta – một cựu cầu thủ Arsenal, coi như là sản phẩm từ thời Arsene Wenger để lại. Sai lầm cá nhân là cái gì đấy hầu như không thể thiếu ở Arsenal, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Wenger “dung dưỡng” thói vô kỷ luật ở Arsenal suốt hàng chục năm, và đến khi Arteta cầm quân thì đấy vẫn cứ là đặc điểm lớn. “Căn bệnh” chung của bóng đá Anh đã khá nặng (người ta thường khen các HLV quyết không chỉ trích cầu thủ, thậm chí còn bênh vực cầu thủ trong những hành động ngu xuẩn). Riêng Arsenal của Wenger và Arteta thì nặng hơn cả.
Arsenal trong thời điểm này vốn đã thay đổi nhiều điều, nếu không muốn nói là lột xác hoàn toàn so với chính họ khi thua liên tiếp trong 3 vòng đầu ở Premier League. Dám bỏ hẳn ngôi sao Pierre-Emerick Aubameyang đã là cách làm nói lên bản lĩnh của Arteta rồi. Các cầu thủ trẻ không biết ngán ngẩm bất cứ thế lực nào, cũng là một dạng bản lĩnh đã kéo Arsenal lên vị trí số 4 – chỗ đứng coi như “đụng trần” trong hoàn cảnh cụ thể của mùa bóng này. Cò lâu họ mới xứng tầm “ứng viên vô địch”? Ơ hay, Arsenal là ứng cử viên vô địch… hồi nào?
Arsenal “dám” chơi!
Đây là trận thứ 10 liên tiếp, Arsenal gặp và thua Man City ở trận địa Premier League. Khác biệt rành rành so với các trận trước: dù thua ngay tại sân nhà, khán giả Emirates vẫn ở lại khán đài và vỗ tay khen các cầu thủ Arsenal khi họ rời sân. Arsenal “dám” đá, xứng đáng với một kết quả tốt đẹp hơn, như chính HLV Pep Guardiola của Man City thừa nhận (rằng Arsenal đá hay hơn mà Man City may mắn chiến thắng).
100. Arsenal trở thành đội đầu tiên ở Premier League đạt đến cột mốc… lãnh 100 chiếc thẻ đỏ. Đấy cũng là chiếc thẻ đỏ thứ 11 của Arsenal kể từ khi Mikel Arteta huấn luyện vào cuối năm 2019 (đội kế tiếp trong cùng thời gian chỉ có 7 thẻ đỏ).