Nhiều khoảnh khắc ở mùa giải trước đã nhấn mạnh sự xuất hiện của Newcastle như một thế lực đáng gờm tại Premier League, đội đã đoạt suất dự Champions League mùa này thay vì Liverpool, Chelsea hay Tottenham. Tuy nhiên, Newcastle đang bị khinh thường bởi nguồn tiền tạo nên thế lực mới của họ. Đây có thể là sự thù địch nhằm vào kẻ đã thiết lập trật tự mới của Premier League.
Đã hơn một thập kỷ kể từ khi Man City và Tottenham biến Bộ Tứ Bất Diệt thành nhóm Big Six. Nhiều người đã căm ghét danh xưng mới này, cho rằng đó là sự bịa đặt của giới truyền thông. Nhưng không, đó là một sự phản ánh của một thực tế thế kỷ 21. Kể từ đầu mùa 2005/06, 6 đội gồm Arsenal, Chelsea, Liverpool, Man City, MU và Spurs có 70/72 lần đứng trong Top 4 chung cuộc. Kể từ đầu mùa giải 2009/10, họ chiếm 70/78 lần đứng trong Top 6 chung cuộc. Họ cũng đã thống trị các giải đấu cúp quốc nội trong 2 thập kỷ qua.
Nếu bất cứ ai vẫn còn nghi ngờ về khái niệm Big Six, thì một minh họa rõ ràng về tham vọng bành trướng của cả 6 CLB đã xuất hiện vào tháng 4/2021 khi chủ của 6 CLB đã góp mặt trong dự án ly khai mang tên European Super League. Khi người Saudi Arabia nỗ lực tiếp quản Newcastle, chính 6 CLB đã gây khó dễ rất nhiều và họ chỉ đồng ý thông qua vào tháng 10/2021 sau vô số cuộc đàm phán. Bởi với sự giàu có mới, Newcastle đe dọa sẽ không chỉ biến Big Six thành Big Seven, đồng nghĩa với việc chiếm một suất dự Champions League và thêm một đối thủ đua Premier League.
Ít ai tưởng tượng được rằng Newcastle sẽ phá vỡ trật tự đó nhanh chóng như vậy sau khi việc tiếp quản được phê duyệt, từ thân phận lo trụ hạng vào đầu năm 2022 đến vé dự Champions League vào tháng 5/2023, biến Liverpool, Tottenham và Chelsea thành kẻ ngoài cuộc. Đây sẽ là Champions League đầu tiên của Newcastle kể từ mùa 2002/03. Nhưng đáng chú ý, chỉ có một CLB từ bên ngoài nhóm Big Six đủ điều kiện tham dự giải đấu này trong suốt thời gian đó - Leicester City năm 2016. Nhưng giờ đội bóng này đã xuống hạng. Leicester không đủ sức tạo Big Seven, nhưng Newcastle có thể.
Sau khi hoàn thành việc tiếp quản Newcastle vào cuối năm 2021, chủ mới chẳng giấu diếm tham vọng biến CLB thành một Man City hay PSG mới. Với rất ít thời gian và tiền bạc, họ đã làm rất tốt khi lọt vào Top 4. Sự tiến bộ của Newcastle trên sân cỏ đã vượt xa mức chi tiêu của CLB. Nó không hoang dã hay hung hãn như Chelsea trong những năm đầu tiên dưới quyền sở hữu của Roman Abramovich hay Man City trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Sheikh Mansour từ mùa Hè 2008.
Chelsea có 4 bản hợp đồng (BHĐ) đắt nhất ở Premier League 2003/04, 3 BHĐ đắt nhất ở mùa 2004/05 và 3 BHĐ đắt nhất ở mùa 2005/06. Man City đã thực hiện 2 BHĐ đắt nhất mùa 2008/09, 4 BHĐ đắt nhất mùa 2009/10 và 4 BHĐ đắt nhất mùa 2010/11. Trong khi đó, Newcastle không có BHĐ nào đứng trong Top 5 đắt nhất từ năm 2021 đến Hè 2023. Hồi tháng 10/2021, ai có thể nghĩ Newcastle sẽ trong Top 4 vào tháng 5/2023, với những BHĐ tầm trung như Fabian Schar, Sean Longstaff, Jacob Murphy và Joelinton?
Newcastle sẽ tiến bộ không ngừng như Man City. Rất nhiều cầu thủ của họ đang ở đỉnh cao phong độ. Mục tiêu tiếp theo của Man City, sau khi vào Top 4 và giành FA Cup năm 2011, là vô địch Premier League, điều mà họ đã làm được ở mùa sau với sự bổ sung Sergio Aguero và Samir Nasri vào đội hình vốn đã có Yaya Toure, David Silva… Newcastle không được như thế, bởi họ vừa không được chi tiêu thoải mái vừa vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn nhiều so với năm 2010, thời điểm MU bắt đầu sa sút, Arsenal đã đắm chìm, Chelsea thiếu ổn định và Liverpool vẫn như "hồn ma bóng quế". Bây giờ có quá nhiều đội khoẻ.
Mối quan tâm của Big Six về việc Newcastle sẽ như thế nào trong ngắn hạn chắc chắn ít hơn về việc họ sẽ như thế nào trong tương lai. Xét về tiềm năng phát triển, giới chủ của Newcastle chắc chắn sẽ không run tay rút tiền, nhất là khi họ cực ghét sự giàu có của CLB thuộc sở hữu Qatar. Tuy nhiên, Newcastle, với giám đốc thể thao Dan Ashworth, giám đốc điều hành Darren Eales và những lãnh đạo khác, sẽ phải hành động rất khôn ngoan và an toàn trong sự giám sát của FA, UEFA và các đối thủ khác.
Nhưng xét về mặt thách thức làm đảo lộn trật tự Big Six, Newcastle lại thừa năng lực. Điều đó không chỉ có nghĩa là CLB cần vô địch Premier League là sẽ thành đại gia. Tại sao Tottenham không vô địch giải đấu nào vẫn nằm trong Big Six nhưng Leicester vô địch Premier League 2016 và FA Cup 2021 lại không? Bởi vì Spurs đã phát triển sự nhất quán trên sân cỏ và cơ sở hạ tầng cũng như ảnh hưởng bên ngoài sân cỏ, điều đó có nghĩa là họ trở thành một thế lực bất di bất dịch.
Họ là CLB giàu có đã lọt vào Top 6 trong 10 mùa liên tiếp, dự chung kết Champions League, đứng trong Top 10 CLB giàu nhất châu Âu và được mời tham gia Super League. Một khác biệt lớn nữa, đó là mùa giải tồi nhất của Tottenham là xếp thứ 8, còn của Leicester là xuống hạng. Rõ ràng, tài nguyên và tiềm năng là sức mạnh không có gì so sánh được. Big Five của những năm 1980 (gồm Arsenal, Everton, Liverpool, MU, Tottenham) thiên về quyền lực và động lực tài chính hơn là thành tích trên sân cỏ.
Những kẻ thách thức đến rồi đi trong những năm 1990, không chỉ là Newcastle dưới thời Kevin Keegan mà còn có Blackburn Rovers vô địch Premier League năm 1995 nhưng bị xuống hạng 4 năm sau đó. Sự đi xuống của Leicester ở mùa trước càng cho thấy điều đó. Chỉ từ đầu thế kỷ 21, khi mô hình tài chính trong bóng đá làm gia tăng khoảng cách giữa giới đại gia và phần còn lại, mọi thứ mới thực sự trở nên phân tầng. Một Big Four tưởng như bất biến đã bị Tottenham và Man City xoá sổ, trở thành Big Six. Nhưng rồi, kẻ thứ 7 xuất hiện.
Song mối đe dọa của Newcastle vẫn rất mơ hồ. Hợp đồng quảng cáo áo đấu của CLB với tập đoàn Sela của Saudi Arabia chỉ là 25 triệu bảng/năm. Tuy nhiều hơn 13 CLB ở Premier League khác nhưng vẫn thấp hơn Tottenham (40 triệu bảng/năm). Chưa nói đến những khoản mà những đại gia khác được hưởng, ví dụ mức tăng khổng lồ tại Man City khi vào năm 2011 Etihad ký hợp đồng tài trợ lớn nhất trong lịch sử bóng đá Anh, đối với quyền đổi tên SVĐ cũng như tài trợ áo đấu.
Newcastle vẫn chưa đạt đến đẳng cấp của Big Six. Điều đáng lo ngại đối với Big Six là Newcastle đã đứng cao hơn trên BXH 3 đội ở mùa trước. Và mùa này, chắc chắn họ vẫn đặt mục tiêu vào Top 6 hoặc Top 4, và bắt đầu thách thức các danh hiệu giống Man City của 10 năm trước, nhưng ở độ khó hơn nhiều. Newcastle phải đối mặt với những hạn chế về tài chính ngay từ đầu. Doanh thu được ghi nhận gần đây nhất của Newcastle, trong giai đoạn 2021/22, là 180 triệu bảng, cao thứ 20 trong bóng đá châu Âu nhưng thấp hơn mức tương đương của West Ham, Leicester, Leeds và Everton.
Có rất nhiều vấn đề phức tạp mà Man City và đặc biệt là Chelsea không phải đối mặt. Sáu trong số CLB cản đường Newcastle lại là 6/10 CLB giàu nhất châu Âu theo BXH Deloitte Money League. Còn Newcastle đứng thứ 20. Nhưng rồi sẽ đến lúc sự lạnh lùng nhường chỗ cho sự thân thiện ở một mức độ nào đó, cho dù hời hợt đến đâu. Nó đã xảy ra với chế độ Abramovich ở Chelsea và chế độ Abu Dhabi ở Man City. Khi đó, khái niệm Big Seven sẽ chính thức khai sinh.