Từ ngôi sao Werner...
Timo Werner trải qua mùa giải 2019/20 thực sự chói sáng. Anh ghi 28 bàn và 8 đường kiến tạo tại Bundesliga, kết thúc mùa bóng với 34 bàn sau 45 trận trên mọi mặt trận.
Chiến dịch thành công rực rỡ đó đưa tuyển thủ Đức cập cầu cảng Stamford, nơi người Tây London chi ra khoản tiền lớn 47,5 triệu bảng để nhận được cái gật đầu từ RB Leipzig. Hành trình chinh phục giải Ngoại hạng Anh của ngôi sao trẻ sáng giá nhất bóng đá Đức bắt đầu.
Mùa giải 2019/20, Chelsea của HLV Frank Lampard trắng tay. Họ thua Siêu cúp châu Âu, dừng chân ở vòng 1/8 Champions League, xếp thứ tư Ngoại hạng Anh và thua Arsenal trong trận chung kết FA Cup.
Chelsea khi đó là một tập thể già cỗi, với hàng công đông đúc nhưng thiếu tinh nhuệ. Giroud, Pedro, Willian đã già, trong khi Batshuayi lại quá ngờ nghệch. Bối cảnh ấy càng khiến cho các True Blues thêm phần hy vọng ở tiền đạo người Đức.
Mùa giải đầu tiên của Werner với Chelsea không được như kỳ vọng, nhưng cũng không thể nói là thất vọng hoàn toàn. Tiền đạo người Đức có 12 bàn trên tất cả các mặt trận, cùng với Tammy Abraham là những người dẫn đầu về chỉ số ghi bàn cho The Blues trong chiến dịch 2020/21.
Nhưng có một thực tế, Werner chưa bao giờ tái hiện lại hình ảnh như anh đã từng ở Leipzig. Tiền đạo người Đức kết thúc mùa đầu tiên với 12 bàn, trong đó chỉ có 6 ở Ngoại hạng Anh. Mùa thứ hai còn tệ hơn: 4 bàn ở Ngoại hạng Anh và 11 bàn ở tất cả các mặt trận. 23 bàn sau 89 lần ra sân, bằng 67% số bàn trong mùa giải cuối cùng Werner khoác áo Leipzig trước khi đến Anh.
... đến vì sao thế, Werner?
Đã thế, thời gian ra sân của Werner ở mùa thứ hai thực sự bó hẹp. Anh chỉ xếp thứ 18 trong số các cầu thủ Chelsea ra sân nhiều ở Ngoại hạng Anh và Champions League 2021/22.
Với việc Chelsea chi ra 50 triệu bảng để mua Raheem Sterling, thời gian thi đấu của tiền đạo 26 tuổi có lẽ còn eo hẹp hơn nữa. Không muốn biến mình thành Mario Goetze mới, Werner tức tốc kỳ hợp đồng trở lại Leipzig sau 2 mùa bóng trải nghiệm đầy ác mộng ở Anh quốc.
Lẽ ra Timo Werner sẽ không rơi vào thảm cảnh này, nếu thương vụ 98 triệu bảng Romelu Lukaku phát huy giá trị. Thời còn ở Leipzig, Werner chỉ thực sự hiệu quả khi được xếp chơi rộng, ngay sau lưng Poulsen - một cầu thủ có thể hình tương đối cao lớn và lối chơi có phần giống với Lukaku.
Không nhận được sự hỗ trợ từ Lukaku đã đành, Werner cũng ở trong tình trạng đơn thương độc mã đối đầu với hệ thống phòng ngự đối thủ. Chấn thương của Ben Chilwell khiến tuyển thủ Đức mất đi một đối tác ăn ý bên hành lang trái Chelsea. Rõ ràng khả năng phối hợp và hỗ trợ của Marcos Alonso kém hơn nhiều.
Đã thế, hệ thống 3-4-3 mà HLV Tuchel xây dựng yêu cầu phải có các cầu thủ chạy cánh thuộc dạng “siêu nhân”. Hệ thống đó phù hợp với một bộ ba cỡ như BBC - Benzema, Bale, Cristiano Ronaldo thời đỉnh cao ở Real, hoặc cây đinh ba Salah - Mane - Firmino của Liverpool sau này. Còn hiện tại, các cầu thủ chạy cánh của Chelsea, từ Werner, Pulisic bên cánh trái đến Ziyech hay Hudson-Odoi ở cánh phải đều chơi dưới mức tròn vai.
Bản thân Werner cũng không sở hữu nền tảng thể chất đủ tốt để chơi ở nơi mà HLV Tuchel kỳ vọng. Các hậu vệ cánh của giải Ngoại hạng Anh nổi tiếng nhanh, mạnh và cũng không kém phần khéo léo. Trong khi đó, Werner không khéo và quái bằng Salah, không nhanh và khỏe như Mane. Bởi vậy, thất bại là điều dễ hiểu.
Fan Chelsea cần cảm ơn Werner
Trong chiến tích vô địch Champions League lần thứ hai của Chelsea, Werner đóng góp không nhỏ. Anh có 3 bàn ở vòng bảng. Đặc biệt ở lượt về trận bán kết với Real Madrid, Chelsea thắng 2-0 sau khi hòa 1-1 ở lượt đi. Người ghi bàn mở tỷ số phút 28 chính là Werner. Sau đó, Werner đá chính trong 66 phút khi Chelsea hạ Man City 1-0.