1. Cũng chẳng phải chỉ có HLV Steve McClaren của Newcastle nghĩ ra được cách phong tỏa Oezil. Trong thể thao, “biết cách” và “làm được” là hai khái niệm xa nhau vạn dặm. Thậm chí, giả sử đôi bên đá lại ngay bây giờ, cũng không có gì bảo đảm là Oezil không ghi bàn hoặc chuyền thành bàn cho Arsenal.
Chuyện nhỏ (nhưng quan trọng) là Arsenal đã thắng trong một trận đấu mà ngôi sao Oezil không lập công một cách trực tiếp. Chuyện lớn hơn (cũng quan trọng hơn) là Arsenal đã thắng trong hoàn cảnh chính họ nói riêng cũng như cả trận đấu nói chung đều... chán. Giới chuyên môn hay nhận định: bản chất của một đội mạnh là khi không chứng tỏ được sức mạnh, họ cũng vẫn thắng. Đấy có lẽ là điều quan trọng nhất đối với những ai đang hào hứng chờ Arsenal trở lại ngôi vô địch Premier League sau hơn chục năm mỏi cổ trông ngóng.
2. Vậy, Arsenal thắng... bằng con đường nào? Toàn đội tập trung, cố gắng. Họ tận dụng tốt cơ hội. Thủ môn Petr Cech tỏ rõ giá trị tường thành... Tóm lại, thắng nhờ rất nhiều chi tiết quan trọng, cũng có nghĩa là chẳng có chi tiết nào quan trọng đến mức quyết định toàn cục. Đành rằng Cech và Laurent Koscielny tỏa sáng, nhưng đâu ai chiến thắng nhờ thủ môn và trung vệ xuất sắc!

Điều đáng lưu ý chỉ là, Arsenal không thắng bằng lối chơi. Nói đến Arsenal thời Wenger là phải nói về lối chơi nhuần nhuyễn, đẹp mắt, tấn công nhanh và đầy kỹ thuật. Như đã nêu trên, đây không bao giờ là một trận đấu hấp dẫn, càng không có chuyện bàn thắng duy nhất giúp Arsenal lấy trọn 3 điểm là pha dàn xếp đẹp mắt, đúng “chất Arsenal”, đúng mục tiêu, ý đồ. Nếu cần tìm một dẫn chứng, rằng lối chơi và kết quả của một đội bóng đôi khi chẳng liên quan gì với nhau, thì đây chính là ví dụ cụ thể. Suốt nhiều năm qua, thiên hạ phải nghe không biết bao lần câu nói thật thiếu thuyết phục của Wenger sau mỗi trận đấu, hoặc mỗi mùa bóng: “Chúng tôi rời khỏi cuộc chơi trong thế ngẩng cao đầu”. Đấy chính là những lúc mà Wenger tự an ủi rằng Arsenal thành công về đấu pháp, nhưng kết quả không như mong muốn. Giờ thì mọi chuyện đang có chiều hướng ngược hẳn.
3. Arsenal, ngay bây giờ hoặc trong nửa mùa bóng vừa qua, đang thành công nhờ yếu tố con người. Đồng nghiệp của Wenger là Juergen Klopp vừa ta thán rằng các cầu thủ Liverpool “chỉ chơi với 90% khả năng”. Thật tức cười: 90% đã là tốt chán, kêu ca gì nữa!
Tất nhiên, cái mức 90% cụ thể của Klopp chỉ có giá trị ước lệ (người khác có thể nhìn vào Liverpool và cũng bình luận như thế, với mức độ chỉ là 50% hoặc 75%). Thật ra, trong hầu hết trường hợp, rất khó có một đội bóng ra sân với cả 11 cầu thủ đều chơi đúng với khả năng cao nhất (chứ khoan nói chuyện xuất thần, nghĩa là chơi hay hơn khả năng thực). Wenger đang tập hợp được tối đa sức mạnh của các cá nhân, để Arsenal luôn thể hiện được khả năng cao nhất có thể. Điều mà Wenger đang có trong tay, đồng nghiệp Klopp rất muốn nhưng không có được. Leicester cũng đang thành công như Arsenal, nhưng tất nhiên đẳng cấp của các cầu thủ Leicester chưa cao đến mức thật sự đủ sức tranh ngôi vô địch. Liverpool, Chelsea, M.U thì ngược lại: đều không trình diễn được khả năng vốn có. Đấy là khác biệt mang tính quyết định, ít ra là trong lúc này.