Lịch truyền hình trực tiếp các môn thi đấu tại Olympic Tokyo 2020 trên sóng VTV
Ngày hội của những… lệnh cấm
Bạn là một VĐV dự Olympic. Bạn tưởng tượng rằng sau khi có mặt tại Nhật Bản, bạn sẽ xếp gọn hành lý, tắm rửa thay đồ rồi dạo quanh làng VĐV, thưởng thức chút ẩm thực địa phương, kết giao với những người bạn mới. Xin chia buồn với bạn, việc đầu tiên bạn phải làm tại kỳ Olympic lạ đời này là đọc một quyển nội quy dày 70 trang để xem bạn được phép làm gì và không được làm gì.
Vì đây là kỳ Olympic trong thời Covid-19 nên bạn sẽ không được bắt tay, ôm, phải ăn một mình hoặc nếu ăn cùng bạn bè thì phải ngồi cách nhau tối thiểu 2 mét, không tới chỗ đông người, không hò hét cổ vũ đồng đội và điều tệ hại nhất: Bạn nhiều khả năng sẽ không được dự lễ khai mạc Olympic sẽ diễn ra vào hôm nay.
Trong tiềm thức của rất nhiều VĐV, được đứng trong hàng ngũ đoàn thể thao đi sau lá cờ tổ quốc, diễu hành vòng quanh SVĐ nơi lễ khai mạc diễn ra, vẫy tay chào NHM và gia đình của mình là một giấc mơ cuộc đời. Nhưng lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 sẽ diễn ra trong bầu không khí vắng lặng chưa từng có trong lịch sử.
Tại Olympic Rio 2016, 75.000 NHM ngồi chật cứng SVĐ huyền thoại Maracana (Brazil) chứng kiến buổi diễu hành của 12.600 VĐV cùng 4.000 nghệ sĩ biểu diễn phục vụ lễ khai mạc. Bầu không khí đó chắc chắn sẽ tồn tại mãi mãi trong ký ức của các VĐV. Nhưng BTC Olympic Tokyo vừa khẳng định, chắc chắn sẽ không có chuyện toàn bộ các VĐV của 205 quốc gia và vùng lãnh thổ được dự lễ khai mạc. Và tất nhiên, ngoại trừ khoảng hơn 100 quan chức ngồi cách nhau 2 mét trên SVĐ Olympic ở thủ đô Tokyo, sẽ chẳng có bất kỳ NHM và người thân nào của các VĐV được phép có mặt.
Khi VĐV thiếu thức ăn tinh thần
Shane Wiskus, một thành viên của đội thể dục dụng cụ Mỹ bày tỏ sự thất vọng khi anh cùng nhiều đồng đội khác sẽ phải xem lễ khai mạc qua tivi. “Đó là một nỗi thất vọng khó diễn tả”, Shane Wiskus nói.
Một VĐV thể dục dụng cụ khác của Mỹ, Suni Lee cho biết, gia đình cô đã lên kế hoạch sẽ cùng sang Tokyo cổ vũ cho cô nhưng giờ phải hủy vé. Bố của Lee đang ngày ngày phải nói chuyện động viên con gái qua điện thoại vì lệnh hạn chế di chuyển của BTC Olympic khiến cô và nhiều đồng đội khác không thể ra khỏi phòng sau giờ tập.
“Chúng tôi phải giết thời gian bằng cách tập trang điểm cho nhau hoặc chơi game. Có nhiều người ôm điện thoại cả tối. Chúng tôi đều rất căng thẳng. Tại những giải đấu tôi từng tham dự, chúng tôi chỉ căng thẳng khi nghĩ tới chuyện mình sẽ thi đấu ra sao. Còn tại Olympic lần này, chúng tôi có nhiều hơn một nỗi lo lắng”, Lee nói.
Để đối phó với việc gia đình không thể dự lễ khai mạc, VĐV leo núi Kyra Condie cho biết, cha mẹ cô sẽ kết hợp cùng gia đình của nhiều VĐV khác tổ chức một buổi xem lễ khai mạc online tại Orlando. Hoạt động này sẽ do kênh NBC tài trợ. Sau lễ khai mạc, bố mẹ Kyra sẽ bay về Minnesota để cùng một vài gia đình khác xem phần thi đấu của cô.
Tuy vậy, Kyra cho biết, đối với những VĐV dự Olympic thì “thức ăn” quan trọng nhất là sự cổ vũ trực tiếp từ NHM và gia đình - điều mà cô sẽ không thể tận hưởng tại Olympic lần này. “Trình diễn cho NHM và chia vui với gia đình là động lực để tôi theo đuổi sự nghiệp. Thật khó khăn khi phải thi đấu một mình và tự động viên chính mình”, Kyra tâm sự.
Một kỳ Olympic với quá nhiều điều lạ lùng!
Bị sa thải trước giờ G
Uỷ ban Olympic Tokyo vừa bất ngờ sa thải đạo diễn của buổi lễ khai mạc, ông Kentaro Kobayashi chỉ đúng 1 ngày trước lễ khai mạc. Điều ngạc nhiên là ông Kobayashi bị sa thải vì lỗi lầm từ tận năm… 1998. Theo hãng AP, ông Kobayashi từng sử dụng từ Holocaust trong một show hài năm 1998. Holocaust thường được dùng để chỉ các sự kiện người Do Thái bị quân Phát xít diệt chủng.
160 - Kyodo News đưa tin, chủ nhà Nhật Bản sẽ rót 160 triệu USD cho lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2020. Con số này đã tăng rất nhiều so với kinh phí dự kiến ban đầu chỉ là 82 triệu USD.