Sau nhiều năm nghiên cứu, vị nam tước 29 tuổi người Pháp đã công khai sáng kiến về việc hồi sinh Thế vận hội của Hy Lạp cổ đại trong kỷ nguyên hiện đại. Ông đã chọn Sorbonne cũ (Paris, Pháp) và nhân dịp kỷ niệm năm năm thành lập Hiệp hội điền kinh Pháp, để đọc bài phát biểu của mình, ngày 25/11/1892. Đó là một nền tảng cơ bản tuyệt vời cho một ý tưởng lớn: tổ chức một cuộc thi thể thao đơn thuần để gắn kết các quốc gia lại với nhau và học hỏi lẫn nhau nhằm thúc đẩy phát triển chủ nghĩa quốc tế và hòa bình thế giới.
Theo Stephan Wassong, chuyên gia nghiên cứu về cuộc đời của nam tước Coubertin và cũng là người đứng đầu Viện Lịch sử Thể thao tại Đại học Thể thao Cologne (Đức), thì vào năm 1892, Pháp vẫn chưa coi trọng các môn thể thao có tổ chức.
Hoạt động thể chất và các môn thể thao có tổ chức là một phần của chương trình quân sự nhưng chưa được giảng dạy tại trường học, không giống như Mỹ và Anh. Trong khi đó, nam tước Coubertin lại là một người ủng hộ nhiệt tình giá trị giao dục do thể thao mang lại. Ông tin rằng nó rất hữu ích cho não bộ đồng thời “trí óc và cơ thể có thể làm việc cùng nhau và chúng giúp đỡ lẫn nhau”.
Từ đó, nam tước Coubertin đã đến Anh, nơi thể thao đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của học sinh tại các trường nội trú. Hơn nữa, ở xứ sở sương mù cũng đã diễn ra các sự kiện thể thao địa phương như Thế vận hội Wenlock Olympian. Sự kiện này ra đời năm 1850 và được quy tụ nhiều VĐV trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Rồi sau khi chứng kiến một người Anh có tên là Hodgson Pratt đề xuất trao đổi sinh viên quốc tế để thúc đẩy lòng khoan dung, tinh thần tương trợ tại Hội nghị Hòa bình Thế giới năm 1891 ở Rome, nam tước Coubertin đã đưa ra ý tưởng nói trên và... liên kết nó với thể thao.
Với ý tưởng của Coubertin, thể thao đã được đặt trên cùng một bệ phóng với những phát kiến khoa học và kỹ thuật thời kỳ đó. “Bài phát biểu của Coubertin đã trình bày rất rõ ràng các nguyên tắc cơ bản về giáo dục của ý tưởng thành lập Olympic và sứ mệnh của nó là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua thể thao”, ông Wassong nhấn mạnh.
Và năm 1896, Thế vận hội được tái sinh tại Athens, Hy Lạp với 12 quốc gia tranh tài. Bản gốc viết tay dày 14 trang của bài phát biểu cách đây hơn một thế kỷ của người sáng lập ra Olympic đã được đấu giá tới 8,8 triệu USD vào năm 2019. Hiện nó được trưng bày tại bảo tàng Sotheby (Century, California) và trở thành món đồ thể thao có giá trị lớn nhất lịch sử loài người. Đấy là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của Olympic tới ngày nay.