Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi lội): Xếp số 2 thì không ai là… số 1
Tại SEA Games 29, Nguyễn Thị Ánh Viên đã giành 8 HCV, 2 HCB, phá 3 kỷ lục SEA Games. Số HCV mà kình ngư này giành được bằng với thành tích ở SEA Games 28 hai năm trước tại Singapore (8 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ, phá 8 kỷ lục SEA Games). Có một thống kê thế này, kết thúc SEA Games 29, Ánh Viên gánh gần 1/7 số lượng HCV cho đoàn TTVN.
Ánh Viên xứng đáng là lá cờ đầu của TTVN. Ảnh: Minh Tuấn
Đó là lý do tại sao chúng tôi lại xếp kình ngư 21 tuổi này đứng đầu trong danh sách các VĐV xuất sắc nhất. Dù không hoàn thành mục tiêu 10 chiếc HCV đặt ra nhưng với những gì đã đạt được, Ánh Viên thực sự là lá cờ đầu của thể thao nước nhà trong 2 kỳ SEA Games gần đây. Thậm chí, Ánh Viên xứng đáng là “tượng đài” bơi lội ở khu vực Đông Nam Á bởi những kỷ lục đã thiết lập.
Lê Tú Chinh (điền kinh): Việt Nam đã có “nữ hoàng” mới
Báo chí nước ngoài đã gọi Lê Tú Chinh với biệt danh “Cô gái chạy nhanh nhất Đông Nam Á” sau những thành tích đáng nể tại Kuala Lumpur. Tú Chinh là người kế thừa xứng đáng cho Vũ Thị Hương để thống trị đường chạy cự ly ngắn ở sân chơi khu vực. Lần đầu tham dự SEA Games nhưng Lê Tú Chinh đã giành được 3 HCV ở các nội 100m, 200m và 4x400m nữ.
Nữ hoàng mới của điền kinh Việt Nam - Lê Tú Chinh
Đặc biệt ở nội dung 4x100m nữ, Tú Chinh cùng 3 đồng đội khác đã phá kỷ lục SEA Games tồn tại suốt 10 năm của Thái Lan với thời gian 43 giây 88. Thành tích của VĐV sinh năm 1997 góp phần không nhỏ giúp điền kinh Việt Nam dẫn đầu bảng xếp hạng với 17 HCV, 9 HCB và 5 HCĐ, qua đó chấm dứt sự thống trị của Thái Lan - quốc gia đã dẫn đầu đường chạy trong suốt 15 kỳ SEA Games gần đây.
Nguyễn Thị Huyền (điền kinh): Cú ăn ba và hơn thế nữa
Cùng với Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền lại có thêm một kỳ SEA Games bùng nổ khi giành đến 3 chiếc HCV cho đoàn TTVN ở các nội dung 400m rào nữ, 400m nữ và tiếp sức 4x100m nữ.
Kỷ lục gia Đông Nam Á - Nguyễn Thị Huyền
Đáng chú ý, Nguyễn Thị Huyền đã xuất sắc bảo vệ thành công tấm HCV nội dung 400 m rào nữ với thời gian 56 giây 06, vượt qua kỷ lục SEA Games do chính cô lập nên tại Singapore 2 năm về trước. Nguyễn Thị Huyền vẫn còn trên đỉnh cao phong độ. Vì thế, có thể tin cô gái người Nam Định sẽ còn tiến xa và thiết lập những kỷ lục mới cho điền kinh Việt Nam.
Dương Thúy Vi (Wushu): Xứng danh người lãnh ấn tiên phong
Hẳn sẽ có người hỏi cắc cớ, tại sao lại chọn Dương Thúy Vi, VĐV của môn Wushu biểu diễn, vốn không được xem là nằm trong hệ thống các môn thi đấu tại Olympic. Không sai, nhưng cần phải nhắc lại, Thúy Vi đã thi đấu rất thuyết phục trong các nội dung thi được chấm điểm đầy cảm tính.
Thúy Vi là người lãnh ấn tiên phong của đoàn TTVN
Cô gái này chính là người đã “mở nút thắt” cho đoàn TTVN trong cơn khát HCV khi vô địch nội dung kiếm thuật nữ. Và chính Thúy Vi đã hoàn thành cú đúp của mình sau đó khi lấy luôn HCV môn thương thuật nữ. Cũng nên nhớ, Thúy Vi chính là VĐV đầu tiên giành vàng cho đoàn TTVN tại SEA Games 27 (2013) và Asiad 2014.
Nguyễn Hữu Kim Sơn (bơi lội): “Thần đồng” bơi lội Việt Nam
“Thật không thể tin nổi”, chúng tôi đã phải thốt lên như thế khi chứng kiến Nguyễn Hữu Kim Sơn lao nhanh về đích ở nội dung 400m hỗn hợp nam. Chàng trai 15 tuổi này đã giành HCV với thành tích 4 phút 22 giây 12, phá kỷ lục SEA Games đã tồn tại suốt 14 năm qua của VĐV Thái Lan Ratapong Sirisanont với thành tích 4 phút 23 giây 20 lập tại SEA Games 2003 ở Việt Nam.
Kỷ lục gia Kim Sơn mới chỉ 15 tuổi nên còn cả tương lai dài phía trước
Chúng tôi chọn Kim Sơn trong top 5 VĐV xuất sắc nhất của SEA Games 29, không chỉ bởi em giành được 1 tấm HCV, mà đó còn là sự lựa chọn đầy xán lạn của bơi lội Việt Nam bên cạnh Ánh Viên, Huy Hoàng… nếu như được đầu tư có trọng điểm.