Đam mê của cậu bé mồ côi
Orcullo, người được mệnh danh là “vua đánh độ” của Philippines - cường quốc hàng đầu thế giới trong môn pool, là kẻ bất khả chiến bại nếu như trò chơi cùng cây cơ và những trái bóng sản sinh ra những tờ giấy bạc “nóng hổi”.
Đầu thế kỷ XX, thành phố New York có tới 1.000 CLB billiards, gấp 3 lần các quán cafe Starburcks bây giờ. Đó là giai đoạn mà chơi billiardss là một thú vui thời thượng, thể hiện đẳng cấp như kiểu chơi golf như hiện nay.
Khi Philippines trở thành thuộc địa của Mỹ năm 1898, billiards bắt đầu du nhập quốc gia này từ thị trấn Angeles City phía bắc Manila, nơi có những quán bar và nhà thổ được xây dựng để phục vụ lính Mỹ đồn trú trong các căn cứ quân sự.
Người Philippines nhanh chóng làm quen với môn thể thao này. Rất nhiều thanh niên nhận ra cơ hội kiếm tiền nhờ trò chơi với cây cơ và những quả bóng thông qua cá cược. Dần dần, các tay cơ Philippines nâng cấp trò chơi lên một trình độ khác.
Sợ mất tiền, họ buộc phải nghiên cứu kỹ những đường cơ đến chân tơ kẽ tóc. Có thể nói rằng chỉ vị tiền cá độ, những tay cơ Philippines đã “vô tình” trở thành giỏi nhất thế giới với những cú đánh “quỷ khốc thần sầu” không thấy ở nơi nào trên thế giới.
Efren Reyes, huyền thoại của những huyền thoại, tay cơ vĩ đại nhất lịch sử môn pool cũng bắt đầu hành trình chinh phục thế giới của mình như thế. Giai thoại “Thầy phù thủy” đi Mỹ có 1 tuần mà kiếm được tới 80.000 USD giúp ông trở thành người hùng dân tộc, tấm gương của rất nhiều thanh niên muốn thoát nghèo nhờ chơi billiards.
Hành trình đi theo “phù thủy”
Dennis Orcollo là một trong số rất nhiều người coi Reyes là thần tượng. Sinh ra ở làng ngư dân Mangagoy, phía nam Philippines, Orcollo mất cha năm 5 tuổi sau 1 trận bão. Anh lớn lên với mẹ và ông nội. Ông nội Orcollo có một bàn billiards cũ và đó cũng là món đồ chơi duy nhất của cậu bé.
Những bài học đầu tiên của Orcollo về môn thể thao này là bằng cây gậy tự chế và mấy viên… bi ve. Lớn lên thêm chút nữa, anh xin các viên bi bỏ đi để tập. Ông nội muốn Orcollo trở thành một ngư dân và cấm anh chơi billiards, vậy là Orcollo đành phải chờ ông đi biển mới được thỏa mãn đam mê của mình. Khó khăn như vậy nhưng từ năm 9 tuổi, Orcollo đã “lừa” được khối người để kiếm lấy 20 peso/trận đấu độ.
15 tuổi, Orcollo bỏ nhà ra đi để theo đuổi billiards. Điểm đến đầu tiên là thị trấn Mount Diwalwal, nơi có những mỏ vàng đầy dân anh chị sẵn sàng thanh toán nhau giữa đường. Hàng ngày Orcollo đi đào, đãi vàng và tiết kiệm được bao nhiêu, anh lại “quy đổi” thành những trận billiards.
Cũng tại đây, Orcollo ngày càng nghe nhiều giai thoại về thần tượng Efren Reyes. Anh quyết định đến Manila, nơi có những trung tâm billiards lớn, đồng nghĩa với việc kiếm tiền dễ hơn. Thị trấn Mount Diwalwal chia tay anh bằng kỷ niệm là một vết sẹo lớn trên bàn tay phải do bị vàng nóng đổ lên.
Đến Manila với vỏn vẹn 7 USD trong túi, Orcollo vạ vật ở trung tâm Billiards Sunrise. Anh chỉ ăn mỗi ngày 1 bữa, thường là canh gà nấu bằng xương nhặt trong thùng rác và ngủ ngay tại đây. Rồi một ngày, điều kỳ diệu xảy ra, Efren Reyes bằng xương bằng thịt đứng trước mặt anh.
Kể từ đó, Orcollo bám theo Reyes mọi lúc mọi nơi. Anh học từ thần tượng của mình cách điều khiển trái bi cái. Vững kỹ thuật, ban ngày Orcollo lấy 1 chiếc áo trung học của một học sinh gán lại quán để “cải trang” và bắt đầu kiếm tiền từ đánh độ. Tối đến, anh lại đi theo thần tượng của mình, học hỏi từng đương cơ, từng động tác.
Tên tuổi của Orcollo dần dần được biết đến. Năm 2003, anh lần đầu tiên được so cơ với thần tượng Reyes và dù được chấp vẫn thua “sấp mặt” với tỷ số 25-9. Chỉ 2 năm sau, Orcollo đánh bại Reyes 25-24 trong trận tái đấu. Kể từ đó trở đi, Orcollo không còn biết sợ. Anh lần lượt vượt qua những tượng đài khác của Philippines như Francisco Bustamante, Ronnie Alcano để vươn ra thế giới.
Nhà vô địch không cảm xúc Khắc tinh của Việt Nam |