Góc khuất của Andre Agassi: Một thiên tài chối bỏ bản ngã (Phần 1)
Một phát minh kinh điển
Sáu năm trước, Novak Djokovic bắt tay với Asics, nhà sản xuất dụng cụ thể thao Nhật Bản. Nole không nhận bất kỳ chi phí nào của Asics, ngoại trừ yêu cầu thiết kế cho anh một đôi giày đặc biệt có lớp đệm chân không ở lót giày. Djokovic muốn nâng cao sự bền bỉ ở những loạt rally (bóng bền) tại vạch cuối sân (baseline), vì thế cần một loại giày giúp anh có thể “trượt” tại các mặt sân cứng.
Tại Úc mở rộng 2018, Roger Federer sử dụng rất nhiều những cú bạt trái đẩy bóng về cuối sân. So với giải Grand Slam ngay trước đó là Mỹ mở rộng 2017, số pha ăn điểm trực tiếp (winner) của Federer từ cú trái tay đã tăng tới 23%.
Thực ra, Djokovic và Federer đều có chung một lý do khi quyết định nâng cấp trò chơi của mình. Djokovic muốn tăng cường khả năng “cò cưa” ở vạch cuối sân, trong khi Federer muốn đẩy đối phương càng sâu càng tốt và đó cũng là cách Tàu tốc hành tránh rủi ro phải đánh qua đánh lại, dẫn tới mất thể lực.
Nếu mở lại băng hình quần vợt trong thế kỷ 20, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển của trò chơi này. Từ chỗ là môn thể thao mà mọi yếu tố đều xoay quanh “cú giao bóng và kỹ năng tràn lưới”, tennis đã là môn có tính đối kháng, giằng co hay nhất nhì làng thể thao. Nhưng 30 năm trước, có một người đã đi trước Nole, Federer hay Rafael Nadal, coi vạch cuối sân là kim chỉ nam trong trò chơi của mình: Andre Agassi.
Là tay vợt đầu tiên hợp tác với Nike trong khía cạnh sản xuất, Agassi nói rằng ông muốn nhận chiếc vợt nặng hơn, mặt vợt lớn hơn và dây siết chặt hơn. Agassi từ chối kiểu chơi “giao bóng lên lưới” vì điều đó vừa khiến trận đấu nhàm chán, vừa làm VĐV thui chột đi các kỹ năng. Quyết định cải tiến thiết bị thi đấu của Agassi dẫn tới hàng loạt kỹ thuật cơ bản của quần vợt sau này như né trái đánh phải hay mở vợt ngay khi đối phương chuẩn bị đánh bóng.
Trong cuốn tự truyện năm 2009, Agassi đã viết rằng ông quyết tâm thay đổi vì nếu vẫn vận hành trò chơi theo kiểu “bóng chuyền”, sẽ chẳng còn đài truyền hình nào muốn chiếu tennis và như thế, tiền thưởng sẽ giảm sút.
Từ bóng chuyền thành bóng bàn
Boris Becker đã nhận xét thế này về Agassi: “Cậu ấy là người đầu tiên chính thức thay đổi quan niệm về tennis của khán giả. Trò chơi của Agassi được miêu tả giống như bóng bàn vậy, tức là quả bóng đập một lần rồi mới được đánh sang sân bên kia. Trước kia, tất cả các giơ đấu trong tennis đều kết thúc rất chóng vánh khi người phát bóng nhào lên ôm lưới rồi bắt vô lê”.
Sebastien Grosjea, cựu tay vợt người Pháp kể lại với Le Monde về một buổi tập cùng Agassi. “Anh ấy bắt HLV ném bóng ra hai góc chữ T và chữ A để tập bài vừa chạy vừa quăng vợt. Sau này, các trung tâm đều có máy bắn bóng nên thấy bình thường nhưng ngày đó, không một HLV nào trên thế giới dạy VĐV như vậy cả. Vấn đề là… Agassi đã dạy ngược lại HLV”.
Là một người cực đoan, Agassi mang tư tưởng đấy vào tennis. Chính Boris Becker từng nói với Agassi: “Tại sao lại thích làm ngược đời, mua khổ vào người” trong khi vào thời đại đó, Pete Sampras vẫn trung thành với lối chơi cổ điển và giành được 14 Grand Slam. Nhưng Agassi là như thế, một người đã thích là làm và làm cho bằng được.
Công bằng mà nói, con đường Agassi lựa chọn tuy gian khổ nhưng để lại một di sản to lớn cho thế giới. Cách tiếp cận của ông đẩy tiêu chuẩn trò chơi lên tầm cao mới và đòi hỏi VĐV phải hoàn thiện nhiều hơn. Trong thời đại của mình, Agassi là tay vợt duy nhất giành được “Golden Grandslam”, đủ 4 danh hiệu lớn trong sự nghiệp. Ông cũng là người thứ hai trong kỷ nguyên mở sau Rod Laver làm được điều này. Nhưng chỉ trong vòng 10 năm, lần lượt Federer, Nadal và Djokovic có thành quả đó.
“Con đường Agassi”, tựa đề bài báo của L’equipe cũng là mô tả khái quát nhất về tầm ảnh hưởng vĩ đại của ông với tennis đương đại.
“Nadal là tay vợt hoàn hảo nhất” Ấn tượng khó phai |