Ám ảnh thuở thiếu thời
Trong ký ức của mình, Agassi vẫn nhìn thấy một cậu bé 3 tuổi chạy lăng xăng với cây vợt bản gỗ to ngang người trên sa mạc Mojave, cách trung tâm thành phố Las Vegas vài dặm. Với Agassi, máu thể thao đã ngẫm sẵn trong con người ông từ khi sinh ra nhờ gen di truyền từ ông bố Mike, một người Mỹ nhập cư từ Iran từng là VĐV boxing tranh tài tại hai kỳ Olympic.
Nhưng bảo Agassi có thích tennis không, ông sẽ lắc đầu chối bay. Agassi thích thể thao, nhưng là bóng đá chứ không phải quần vợt. Nói chính xác, thì tennis là giấc mơ của Mike, người đàn ông sẵn sàng bán xới, dồn hết tiền của để mua một miếng đất đủ diện tích xây sân quần vợt. Giấc mơ của ông là chứng kiến con trai mình thành nhà vô địch tennis thế giới.
Cách tiếp cận của Mike khiến Agassi tin rằng, ông là một nạn nhân của trường phái giáo dục thất bại, áp đặt của cha mẹ lên con cái. Mike thậm chí đã lừa con trai, nói rằng: “Bố đưa con tới trường” nhưng thực chất là chở ông tới trung tâm quần vợt Cambrige. Ngày đầu tiên, việc của Agassi là đánh bóng 2.500 lần còn bên ngoài, Mike liên tục hò hét: “Mạnh nữa lên, rồi một ngày con sẽ vô địch Grand Slam và thành tỷ phú”.
Với Agassi, thể thao không phải là cái gì đó có thể thúc ép. Nhưng khi bạn còn quá bé, điều duy nhất có thể làm là nghe theo bố mẹ. 13 tuổi, Agassi được gửi cho Nick Bollettieri, HLV nổi tiếng là mát tay chuyên ươm mầm các hạt giống đỏ của quần vợt. 14 tuổi, Agassi đã vô địch giải đấu chính thức đầu tiên tham gia.
Có điều, đó không phải cách Agassi muốn định danh bản thân. Ông vẫn chiến đấu với chính tâm tưởng bản thân và thực hiện những cuộc “đảo chính” nho nhỏ. Agassi thường mặc quần bó rách, đeo khuyên tai, thậm chí là kẻ lông mày. Ông sẵn sàng phá vỡ lệnh giới nghiêm, lẻn vào khu ký túc của các VĐV nữ, uống whiskey và hút thuốc lá. Có lần, Agassi chán ngấy tận cổ cuộc sống ăn tập tới mức xách vali, trèo tường khỏi học viện và đi bộ ra đường cao tốc... xin đi nhờ xe.
“Tôi không muốn trở thành Agassi”
Agassi đã viết như thế trong lời tựa đầu cuốn tự truyện. Ông không rõ nếu không làm VĐV tennis, liệu cuộc đời sẽ đẩy mình tới đâu? Nhưng với Agassi, cái ông khao khát thèm muốn là được tự tay biên soạn, viết kịch bản cho con đường bản thân khám phá.
14 tuổi, Agassi đã vươn lên hạng 610 trên BXH ATP. Trước sinh nhật 16 tuổi, Agassi nhận tấm séc đầu tiên trị giá 1100 USD sau khi vô địch một giải Satellite (tiền thân của ATP Challenger). Vài ngày sau, Nike liên lạc và cung cấp gói tài trợ trị giá 20.000 USD mỗi năm.
Giá trị vật chất bắt đầu tìm tới Agassi, như một minh chứng cho tham vọng của ông Mike cách đó gần hai thập kỷ. Nhưng Agassi vẫn vậy, cứ lầm lì và buồn chán. Ông chán ghét tennis “bằng cả trái tim”, có ý định giải nghệ năm 1987 sau thời gian dài đương đầu với căn bệnh trầm cảm ngay cả khi đã đánh bại Tim Mayotte, tay vợt hạng 12 thế giới.
Khi được bố thuyết phục trở lại sân đấu, Agassi và tố chất thiên bẩm tiếp tục giúp ông tạo một dấu ấn khác: Chức vô địch chuyên nghiệp đầu tiên tại giải ATP 250 ở Itaparica, Brazil. 90.000 USD tiền thưởng, Agassi yêu cầu BTC đưa anh một chai sâm panh và một người mẫu bikini đứng cạnh trong lúc nhận bảng vị. Có tiền, có rượu và có… gái đẹp, Agassi sắm một chiếc xe mui trần trắng, đề nghị Nike thiết kế đồ thi đấu lấy đỏ làm tông màu chủ đạo. Có thể, đó mới là con người Agassi!
Sau này, Agassi đã trả lời L’Equipe: “Từ năm lên 7, tôi đã thường trò chuyện với… bức tường vì sợ rằng, chẳng ai chịu nghe tâm tư ngoài bản thân mình. Tôi thường nghiến răng ken két, vì tôi hận thù tennis, căm ghét những người ép tôi chơi tennis. Nhưng dù ghét nó thế nào đi nữa, tôi vẫn phải dậy sớm, vác vợt ra ngoài và đánh từ sáng tới tối. Vì đó là công việc duy nhất tôi biết”. Đó chính là bi kịch đầu tiên của cuộc đời Agassi.
Dạy con kiểu khác “Agassi là kẻ nổi loạn điên rồ” |
Phần 2: Góc khuất của Andre Agassi: Người mở đường tranh cãi