Bóng Đá Plus trên MXH

Nhà leo núi liệt tứ chi mắc kẹt trên núi Himalaya
09:59 ngày 07/08/2022
Bạn làm thế nào để sống sót trong điều kiện không có nước uống, thức ăn, lều trại giữa tiết trời -300 C của Himalaya? Cùng nhìn lại trải nghiệm “chết hụt” mà nhà leo núi liệt tứ chi Ed Jackson từng trải qua vào tháng 4/2022.

    Đội leo núi của Ed Jackson mất tích ở Himlung Himal trong hai ngày đầu tháng 4. Tình hình tuyệt vọng đến mức người ta đã treo cờ cầu nguyện ở Trại căn cứ. Nhưng ý chí sinh tồn mãnh liệt của Ed Jackson và các đồng đội đã giúp họ vượt qua ranh giới sinh tử, trước khi được máy bay trực thăng phát hiện.

    “Chúng tôi đuối sức đến độ không còn cảm thấy đói và khát nữa. Lúc đó cơ thể chỉ còn thoi thóp và cố gắng giữ nhịp thở. Chúng tôi chỉ còn sức tập trung vào việc giữ cho các cơ quan còn hoạt động. Đôi lúc chúng tôi rơi vào trạng thái mê sảng”, nhà leo núi người Anh nhớ lại.

    Song đó không phải lần đầu tiên Ed Jackson cận kề tử thần. Năm năm trước khi còn là một vận động viên bóng bầu dục, Ed Jackson nhảy xuống bể bơi vào một ngày nắng nóng và không may bị gãy cổ. “Tôi được hồi sức ba lần. Tôi đã chết ba lần trong xe cấp cứu”, cựu VĐV 33 tuổi nhớ lại.

    Sau khi được cứu sống, Ed Jackson bị liệt từ hai vai trở xuống do tổn thương tủy sống. Cựu VĐV rugby rời bệnh viện sau bốn tháng trên chiếc xe lăn. Ý chí tập luyện giúp Ed Jackson dần đi lại bình thường, nhưng được xếp vào mức “liệt tứ chi không hoàn toàn”. “Tôi cử động kém một bên cơ thể, bên còn lại không có cảm giác. Đó là những thứ suốt đời tôi phải chấp nhận”, Ed Jackson chia sẻ.

    Ed Jackson đến với leo núi để cải thiện sức khỏe và tìm thấy ý nghĩa của môn thể thao tuyệt vời này. Cùng với vợ và người bạn thân Olly Barkley, cũng là một cựu VĐV rugby, Ed Jackson lập ra tổ chức từ thiện Millimeters to Mountains (M2M) nhằm giúp những người bị chấn thương tâm lý hoặc thể chất đến với leo núi để tiếp cận khả năng chữa lành từ thiên nhiên.

    Việc chinh phục đỉnh Himlung Himal cao 7.126 mét là một hoạt động của M2M. Ed Jackson cùng HLV Arron Collins-Thomas và Ben Halms, một cựu lính dù cũng từng bị chấn thương cột sống nặng và một hướng dẫn viên người Nepal hợp thành đội 4 người cho hành trình lập kỷ lục Guinness. Họ đứng trước cơ hội trở thành những người bị chấn thương tủy sống đầu tiên chinh phục một đỉnh núi cao trên 7.000 mét.

    Chương trình được tài trợ bởi Berghaus (nhà cung cấp dụng cụ hoạt động ngoài trời của Anh) giúp Ed Jackson và các đồng đội được lắp thiết bị hỗ trợ vận động ở tay và chân. Chuyến đi dự kiến kéo dài ba tuần, một tuần để đến trại căn cứ và hai tuần để chinh phục Himlung Himal, một trong những đỉnh xa xôi nhất thuộc dãy Himalaya.

    Nhưng hành trình của nhóm Ed Jackson gặp nhiều bất lợi. Himlung Himal trong hai năm qua đã không có ai leo lên và dòng sông băng đã thay đổi đáng kể. Một số khu vực hạ trại thông thường đã bị tuyết vùi lấp. Khi nhóm leo tới độ cao 6.800 mét thì họ quyết định rút lui vì điều kiện leo núi và thời tiết rất không an toàn.

    Cả nhóm rút được xuống độ cao 6.100 mét thì mắc kẹt. Người dẫn đường rơi xuống vực nhưng rất may được đồng đội kéo lên và không bị thương nặng. Điều kiện thời tiết quá xấu không cho phép họ đi tiếp. Ed Jackson và các đồng đội ý thức được họ đang rơi vào tình thế vô cùng nguy hiểm. 

    Nhà leo núi người Anh phát tín hiệu cấp cứu, nhưng máy bay trực thăng không thể tới điểm gặp nạn vì trời đã tối. Nhóm của Ed Jackson rơi vào hoàn cảnh chiến đấu sinh tồn trong đêm. Không còn thức ăn, nước uống, túi ngủ hay lều trại. Trong giá lạnh -300 C, cả nhóm dần kiệt sức. Rất may họ tìm thấy một phần xác con bò, thức ăn bỏ dở mà con báo tuyết bỏ lại, giúp cả nhóm cầm cự.

    Ed Jackson và các đồng đội tiến dần đến trạng thái lơ mơ. Họ phân công lần lượt từng người có nhiệm vụ giữ cho cả đội tỉnh táo tránh rơi vào tình trạng ngủ quên hoặc không bao giờ tỉnh lại được nữa. “Điều kỳ diệu mà tôi còn nhớ là tiếng hát của hướng dẫn viên người Nepal khi anh ta cố gắng đánh thức tinh thần của cả nhóm”, Ed Jackson nhớ lại.

    Thứ cứu sống nhóm của Ed Jackson không phải là thịt bò sống, mà là bộ quần áo cách nhiệt giúp họ chống được cái giá lạnh có thể hủy hoại các cơ quan trong cơ thể. Ngay khi trời sáng, máy bay trực thăng đã tìm thấy nhóm của Ed Jackson và đưa họ trở về Trại căn cứ. Lên đến độ cao 6.800 mét, Ed Jackson và các đồng đội vẫn lập kỷ lục leo núi dành cho những người gặp chấn thương tủy sống. Nhưng kỷ lục quan trọng hơn là cách họ vượt qua tử thần bằng ý chí sinh tồn mãnh liệt.

    Dựng thành phim tài liệu
    Chuyến thám hiểm Himlung Himal của nhóm Ed Jackson sẽ được quay thành phim tài liệu và ra mắt vào cuối năm 2022. Trong phim, các thành viên của nhóm sẽ kể lại hành trình chinh phục độ cao 6.800 mét và vượt qua đói khát và giá lạnh trong hai ngày một đêm bị mắc kẹt. Ngoài ra còn có những thước phim tư liệu quý báu mà chính các thành viên quay được trong quá trình chinh phục Himlung Himal. Câu chuyện của nhóm Ed Jackson tạo ra sức lan tỏa lớn trên toàn thế giới về ý chí và nghị lực của những nhà leo núi khuyết tật.

     

    Việt Hà • 09:59 ngày 07/08/2022

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay