Thường chỉ những đội bóng yếu về chuyên môn hoặc gặp trường hợp bất khả kháng mới “đổi người”. Việc thay đổi giữa dòng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Tốn kém về tiền bạc, đối diện nguy cơ tranh chấp pháp lý là điều mà các đội bóng không mong muốn trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn. Chưa kể, chẳng ai dám khẳng định người mới sẽ đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn khi mùa giải không còn nhiều thời gian để cầu thủ hòa nhập với lối chơi chung.
Ấy vậy mà từ Bắc chí Nam, từ đội đua vô địch đến nhóm giữa, nhóm nguy cơ xuống hạng đều thay người. Chỉ có điều, không có nhiều cái tên mới xuất hiện ở V.League giai đoạn giữa mùa. Các đội bóng đành chấp nhận phương án “cũ người mới ta”. Thế là ngoại binh đội A được chuyển qua đội B. Một số đội dư thừa lực lượng, hoặc không phù hợp với chiến thuật được đem cho mượn. Một thị trường chuyển nhượng không có nhiều lựa chọn vẫn phải gánh vác sứ mệnh phải thay đổi.
Thực ra vạn bất đắc dĩ các đội mới phải thay người. Họ muốn tìm hy vọng mới sau khi không thể trông chờ vào người cũ. Đơn cử như việc Viettel, Hà Nội FC và nhiều đội bóng khác luôn ở trong tình trạng “chấp Tây”. Ai cũng biết, ngoại binh có vai trò lớn thế nào ở một đội bóng. Vậy nhưng, những ứng viên hàng đầu phải chấp nhận thực tế rằng, ngoại binh của họ không bằng cầu thủ nội hoặc không thể ra sân vì nhiều lý do.
Bây giờ, các đội bóng đành chấp nhận tham gia một cuộc chơi mạo hiểm. Kết thúc với người cũ, chấp nhận đền bù hợp đồng và đặt niềm tin vào cầu thủ mới quả thực là lựa chọn cân não. Có thể, các tân binh sẽ giúp các đội bóng bùng nổ. Nhưng cũng không ai dám chắc, những bản hợp đồng được ký chóng vánh, chưa có cơ hội thử nghiệm sẽ phát huy vai trò. Nhưng bóng đá là vậy, không có lựa chọn hoàn hảo, chỉ có những nỗ lực hướng đến sự hoàn hảo thay vì buông xuôi chấp nhận thực tế. Và dù thế nào thì đây cũng là giai đoạn mà đội bóng sẽ phải làm tất cả những gì có thể để hoàn thành mục tiêu trong mùa giải.