HAGL có thể được xem là một trong những đội bóng đi tiên phong trong việc kiếm tiền từ bóng đá bằng cách kinh doanh các sản phẩm như quần áo, đồ lưu niệm, bán vé… Năm 2015, với lứa cầu thủ gây sốt được đôn lên từ Học viện HAGL-JMG, đội bóng phố Núi đã xây dựng một tầm nhìn chiến lược về kinh doanh các sản phẩm từ bóng đá. Ông Huỳnh Mau, cựu giám đốc điều hành của CLB HAGL từng chia sẻ với người viết, sau lượt đấu mở màn V.League 2015, HAGL đã thu về xấp xỉ 150 triệu đồng tiền bán áo đấu, còn tiền bán vé đã mang về cả tỷ đồng. Một con tính được lãnh đạo đặt ra: Nếu duy trì được doanh số kinh doanh trên, HAGL hoàn toàn sống “khoẻ” mà không cần đến bất kỳ nguồn tài trợ nào.
HAGL tạo ra một hiệu ứng lan tỏa và hình mẫu của một đội bóng theo hơi hướng châu Âu kiểu như Man United, Barca, Real… với tham vọng lấy bóng đá nuôi… bóng đá. Nhưng rồi, những ước nguyện ấy không thành khi HAGL không có được thành tích như ý muốn. Cho đến bây giờ, câu chuyện bỏ tiền mua áo đấu hay những món quà lưu niệm với các CĐV phố Núi đang trở nên xa lạ. Nguồn thu bán vé cũng giảm sút khi Văn Toàn và các đồng đội chủ yếu tham gia cuộc đua trụ hạng. Tức, nguồn sống của đội bóng phụ thuộc hoàn toàn vào tập đoàn HAGL và các nhà tài trợ khác.
HAGL có số lượng khán giả lớn nhất V.League trong suốt trong những năm qua nhưng họ đã thất bại với tất cả những công thức bắt bóng đá “đẻ” ra tiền. Câu chuyện ấy không chỉ có HAGL mà còn tất cả các CLB khác. Chẳng hạn như Hà Nội FC, đội bóng giàu thành tích bậc nhất Việt Nam cũng không thể cải thiện thu nhập khi kinh doanh các sản phẩm hình ảnh liên quan đến đội bóng. CLB TP.HCM đi sau và cũng có khá nhiều mô hình chuyên nghiệp để kiếm tiền từ bóng đá. Điều đặc biệt, đội bóng Thành phố đẩy mạnh và rất chú trọng đến công tác truyền thông.
Các nhà cựu á quân V.League đã mang về các ngôi sao có tầm ảnh hưởng về hình ảnh như thủ môn Bùi Tiến Dũng, tiền đạo Nguyễn Công Phượng. Thậm chí, đội bóng này không ngại ngùng tạo ra những thương vụ “bom xịt” như chiêu mộ Lee Nguyễn để tạo ra sức hút với dư luận. Bằng tất cả các phương cách, CLB TP.HCM đã có những thành công nhất định. Bằng chứng, các khán đài sân Thống Nhất đã dần được lấp kín, các nhà tài trợ cũng tìm đến và đồng hành với đội bóng này.
Như đã nói, doanh thu từ các kênh mua bán các sản phẩm bóng đá đã được các CLB chú trọng. Tuy nhiên, số tiền kiếm được không thấm vào đâu so với nguồn tài chính để nuôi đội bóng. Bài toán đặt ra ở đây là làm sao để đa dạng hóa các nguồn tài chính? Thực tế cho thấy, sự phụ thuộc vào một doanh nghiệp, ông bầu khiến cho một số đội bóng rơi vào cảnh lao đao một khi không được giải ngân kịp thời, nhất là đơn vị ấy gắn tên, bỏ tiền tài trợ chứ không phải đi sâu sát.
Người ta có cảm giác, bản thân lãnh đạo các đội bóng cũng “lười” tư duy để tìm ra các giải pháp kinh doanh từ bóng đá. Hoặc khi chú trọng đến khâu hình ảnh, truyền thông thì vẫn chưa mang đến những hiệu ứng đáng kể để có thể kiếm tiền san sẻ gánh nặng tài chính cho các nhà tài trợ. Các đội bóng của Việt Nam cần một hướng đi trong chuyện kinh doanh bóng đá và để làm điều đó, tất cả cần phải có một chiến lược đúng đắn. Ở đó, không chỉ sự đầu tư về mặt hình ảnh mà còn cả sự kiên trì, chăm bẵm, thậm chí tạo ra cơ chế mới hy vọng mang tính đội phá.
Vé cần phải bán!
Ngoài bản quyền truyền hình, trang phục của đội bóng, đồ lưu niệm và vé xem trận đấu chính là nguồn thu rất lớn của các CLB chuyên nghiệp trên thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề này vẫn chưa được xem trọng, đặc biệt là vé vào cổng xem các trận đấu. Nói thế, bởi thực tế số lượng tiền vé thu được của các đội bóng ở mỗi trận sân nhà không hề nhỏ. Lấy đơn cử sân Thiên Trường của DNH Nam Định, mỗi trận sân nhà đội bóng này bán được từ 13 đến 15 ngàn vé của các khán đài A và B, số tiền thu được bình quân khoảng 300 triệu đồng/trận. Đấy chỉ là tính sơ khởi ở sân Thiên Trường của DNH Nam Định, trong lúc các sân Hàng Đẫy, Vinh, Lạch Tray, Hà Tĩnh, Pleiku, Thống Nhất… vẫn có những trận đông kín khán đài. Vì thế đã đến lúc các đội bóng cần phải xem trọng việc bán vé xem trận đấu chứ không thể mở cửa tự do, bởi số lượng vé được bán ra ở từng trận đấu cũng chính là cách thể hiện giá trị của đội bóng ấy.