World Cup 1986 phải được xem là chương lớn nhất, quan trọng và hào hùng nhất trong lịch sử bóng đá Argentina. Vì họ vô địch với ấn tượng sâu đậm, thuyết phục hơn hẳn so với chức vô địch World Cup 1978. Đấy cũng phải là một chương quan trọng trong lịch sử World Cup. Vì giải đấu này mà lần đầu tiên người ta phải đặt ra một vấn đề mới mẻ, gây tranh cãi suốt hàng chục năm, trên khắp thế giới: Pele hay Maradona là cầu thủ hay nhất lịch sử.
Đặc điểm của huyền thoại sân cỏ Maradona: có bao nhiêu người yêu mến ông thì cũng có bấy nhiêu người ghét ông. Đấy là thiên tài chơi bóng, hiển nhiên rồi. Thật ra, ông còn có ảnh hưởng to lớn đối với đội tuyển Argentina, chứ không chỉ chơi bóng tuyệt luân. Nhưng đấy cũng là một kẻ gian lận, nói dối, nghiện ngập, thôi thì đủ mọi tật xấu. Lạ thay, Maradona vẫn gây ra ảnh hưởng lớn đến đội tuyển Argentina, ngay cả trong những chi tiết “phản diện”.
Phút 55 trong trận tứ kết gặp Anh tại World Cup 1986 (Argentina thắng 2-1), Maradona nhận bóng từ phần sân nhà và ông loại bỏ mọi đối thủ truy cản trong pha đi bóng, trước khi lừa nốt qua thủ môn đối phương rồi nhẹ nhàng đưa bóng vào lưới. Sau này, FIFA chính thức công nhận đấy là “bàn thắng đẹp nhất World Cup trong thế kỷ 20”.
Chỉ 4 phút trước đó, Maradona cũng đã ghi bàn, nhưng đấy là “cú gian lận của thế kỷ”. Từ một đường bóng bổng, Maradona bật cao và dùng tay đẩy bóng vào lưới Peter Shilton, như thể ông đã đánh đầu thành công.
Nhiều năm sau đó, báo chí mới đưa ra được bằng chứng rành rành rằng Maradona chơi bóng bằng tay. Nhưng ở thời điểm Maradona gian lận, đấy bất quá là điều tranh cãi. Cả thế giới tranh cãi. Thậm chí, những ai có thể quả quyết Maradona dùng tay rút cuộc cũng đâm ra tự ngờ vực, vì trò gian lận của Maradona quá hoàn hảo. Về sau, ông còn tiết lộ rằng đã nhiều lần... tập “chiêu” ấy. Cầu thủ Argentina ăn mừng bàn thắng một cách đồng bộ trên khắp mặt sân. Cứ như, đấy đã là bàn thắng hợp lệ quá rõ rồi, trọng tài còn gì phải lăn tăn nữa!
Đấy đều là những pha ghi bàn vào loại đáng nhớ nhất trong lịch sử World Cup. Bản thân Maradona thích bàn nào hơn? Ông không bao giờ che giấu: bàn đầu - tức bàn thắng ghi bằng tay. Trong hồi ký của mình, Maradona bảo ông có cái sướng của việc thò tay móc túi một kẻ kình địch, mà kẻ ấy hoàn toàn không biết, đến khi biết thì lại chẳng làm gì được. Ghi bàn gian lận mà lại sướng hơn ghi bàn một cách minh bạch - kể cả khi bàn thắng minh bạch là bàn hay nhất thế kỷ. Không những gian mà còn ngoan. Gian mà đi vào huyền thoại!
Bản chất của huyền thoại Maradona chính là như vậy. Khi các cầu thủ Argentina phát huy thói quen chơi bóng bằng tiểu xảo, đến mức độ hình thành hẳn một trường phái, họ luôn lấy Maradona như một hình mẫu tiêu biểu để học hỏi. Tất nhiên, học những trò mánh khóe của Maradona luôn dễ hơn học cách chơi bóng của ông. Tại World Cup 1986, Argentina ghi 14 bàn trên đường lên ngôi vô địch. Một mình Maradona đã góp đến 10 bàn (ghi 5, kiến tạo 5). Ở thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, FIFA bình chọn qua internet cầu thủ hay nhất thế giới trong thế kỷ 20. Kết quả: Maradona về nhất!
TRẬN CHUNG KẾT, ARGENTINA - TÂY ĐỨC: 3-2
Maradona lên đỉnh cao muôn trượng
ĐT Tây Đức có sự khởi đầu khá vất vả trong hành trình tại Mexico 1986. Tại vòng bảng, họ xếp sau Đan Mạch. Ở vòng 2, Tây Đức may mắn phải gặp đối thủ dưới cơ Morocco. Tuy nhiên, họ cũng phải chật vật lắm mới thắng được 1-0 nhờ bàn thắng muộn của Lothar Matthaus và tài năng của thủ môn Harald Schumacher. Sau đó, Schumacher cũng là người hùng của Tây Đức ở tứ kết khi đẩy được 2 quả 11m trong loạt “đấu súng” với chủ nhà Mexico.
Tây Đức chỉ thể hiện được tư cách của một ứng viên vô địch ở vòng bán kết với việc đánh bại ĐT Pháp của Michael Platini với tỉ số 2-0. Dù đây là lần thứ hai liên tiếp Tây Đức giành quyền vào chơi chung kết, song đội được đánh giá cao hơn vẫn là Argentina, với những màn trình diễn xuất sắc trên suốt chặng đường trước đó. Và tất nhiên, đó còn là sự có mặt của một Maradona thần thánh trong đội hình.
Tới lúc này, Tây Đức đã quá hiểu sự nguy hiểm của Maradona. Họ cắt riêng ngôi sao Lothar Matthaus theo sát anh như hình với bóng. Chiến thuật này thực tế đã khiến Maradona không thể tỏa sáng. Nhưng vấn đề là HLV Carlos Bilardo của Argentina đã dự đoán được điều này. Ông nhanh chóng thay đổi hướng tấn công, không quá quá hướng về hay tập trung vào Maradona nữa.
Tính toán của Bilardo đã đúng. Tới phút thứ 55, Argentina đã vươn lên dẫn 2-0 do công của Jose Brown và Jorge Valdano mà không cần tới sự tỏa sáng của Maradona. Tuy nhiên, ý chí thép của người Đức vẫn giúp họ vượt qua khó khăn. Tới phút 81, tỉ số đã được cân bằng 2-2 cho Tây Đức sau các bàn thắng của Karl-Heinz Rummenigge và Rudi Voeller, đều từ những pha phối hợp đá phạt góc đầy chết chóc.
Nhưng vào lúc người Argentina bắt đầu hoang mang, thì Maradona lại thể hiện phẩm chất thiên tài. Cú chọc khe chuẩn tới từng centimet của Cậu bé vàng đã giúp Jorge Burruchaga phá bẫy việt vị thành công và ghi bàn trước sự bất lực của thủ thành Schumacher và hàng thủ Tây Đức. Đó có thể xem là pha bóng đáng chú ý nhất của Maradona ở trận này. Nhưng thế là đủ. Argentina và Maradona đã lên đỉnh cao muôn trượng tại Mexico 1986 sau pha bóng đó!
Tiếng vọng World Cup 1986: Maradona và Bàn tay của Chúa |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
CON SỐ
3 Cả ba danh thủ Zico, Socrates (Brazil) và Michel Platini (Pháp) đều là những tượng đài trong bóng đá đỉnh cao. Họ đều sút hỏng 11m trong trận tứ kết Brazil - Pháp. Zico sút hỏng phạt đền, khi tỷ số đang là 1-1. Socrates và Platini sút hỏng những quả luân lưu của họ.
TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Mexico
Thời gian diễn ra: Từ ngày 31/5 đến ngày 29/6
Số đội tham dự: 24
Số trận thi đấu: 52
Bàn thắng: 132 (2,54 bàn/trận)
Tổng số khán giả: 2.394.031 người (46.039 người/trận)
Các SVĐ: Azteca (Mexico City), Olimpico Universitario (Mexico City), Jalisco (Guadalajara), Cuauhtemoc (Puebla), Universitario (San Nicolas de los Garza), La Corregidora (Queretaro), Neza 86 (Nezahualcoyotl), Tecnologico (Monterrey), Nemesio Diez (Toluca), Sergio Leon Chavez (Irapuato), Nou Camp (Leon), Tres de Marzo (Zapopan).
CHUNG CUỘC
Vô địch: Argentina
Á quân: Tây Đức
Hạng Ba: Pháp
Cầu thủ xuất sắc nhất: Diego Maradona (Argentina)
Vua phá lưới: Gary Lineker (Anh, 6 bàn)
NGÔI SAO
Gary Lineker và nụ cười sát thủ
Gary Lineker có vẻ ngoài của một tài tử điện ảnh. Kết hợp với nụ cười thường thực, chân sút người Anh tới World Cup 1986 như đi dự liên hoan phim. Nhưng đó là bộ phim hành động hấp dẫn bậc nhất của “sát thủ một chạm” tại Mexico.
Tháng 7/1986, Barcelona bỏ 2,8 triệu bảng tậu Gary Lineker từ Everton. Ở thời điểm ấy, đó là vụ chuyển nhượng bom tấn. Barcelona đã cử người bay sang Mexico gặp kín tiền đạo người Anh ngay khi World Cup chưa kết thúc. Họ bị mê hoặc bởi những màn trình diễn ấn tượng của chân sút sinh năm 1960 này.
Lineker kết thúc World Cup 1986 với 6 bàn thắng kèm danh hiệu Vua phá lưới. Cho tới nay, ông vẫn là cầu thủ người Anh duy nhất đoạt danh hiệu này tại World Cup. Ở Italia 1990, Lineker lại tỏa sáng với 4 pha lập công để nâng tổng số bàn thắng tại World Cup lên con số 10. Đó là kỷ lục vô tiền khoáng hậu với một cầu thủ người Anh.
Nhưng Lineker đã không đi vào ngôi đền của các huyền thoại nếu không có niềm tin tuyệt đối của HLV Bobby Robson. Tại World Cup 1986, Lineker tịt ngòi trong cả 2 trận đầu vòng bảng, gặp Bồ Đào Nha và Morocco. Tính ra, Lineker đã 6 trận liền im tiếng trong màu áo ĐT Anh.
“Tôi đinh ninh Robson sẽ loại tôi khỏi đội hình chính. Nhưng rồi ông ấy tiếp tục để tôi ra sân từ đầu, ngược lại cho Mark Hatelay (một tiền đạo trụ cột khác) ngồi dự bị để thay bằng Peter Beardslay”, Lineker kể lại trong cuốn phim tài liệu “Bobby Robson, hơn cả một HLV”.
Niềm tin của Robson đã được đền đáp. Lineker như nắng hạn gặp mưa rào với cú hat-trick vào lưới Ba Lan (3-0), giúp ĐT Anh lách qua khe cửa hẹp để tiến vào vòng 1/8. Cỗ máy đã được kích hoạt đúng lúc. Số 10 của ĐT Anh ghi thêm 3 bàn thắng nữa (cú đúp vào lưới Paraguay tại vòng 1/8, 1 bàn trước Brazil ở tứ kết). “Nếu phải chọn bàn thắng quan trọng nhất giải đấu, tôi sẽ chọn bàn mở tỷ số vào lưới Ba Lan. Bởi nhờ đó, tôi đã lấy lại tự tin để bùng nổ tại World Cup 1986”, Lineker kể lại.
5/6 bàn của Lineker tại World Cup 1986 đến từ những pha dứt điểm một chạm. Đó là phong cách quen thuộc của tiền đạo trưởng thành từ Leicester, đơn giản nhưng hiệu quả. Lineker không sở hữu kỹ năng nào đặc biệt, nhưng ông lại rất thính nhạy với bàn thắng. World Cup 1986 là bàn đạp đưa Lineker lên tầm cao mới.
Tới Barcelona, tiền đạo người Anh tiếp tục chinh phục khán giả bằng phong độ thuyết phục (52 bàn/137 trận) và nụ cười tài tử. “Có lần, trọng tài cảnh cáo tôi đừng có cười nữa nếu không sẽ phải nhận thẻ”, Lineker kể lại kỷ niệm thú vị thời khoác áo Barcelona.
KỶ LỤC CHỜ PHÁ
Batista nhận thẻ đỏ nhanh nhất
Jose Batista đã đi vào lịch sử với tư cách là cầu thủ nhận thẻ đỏ nhanh nhất trên đấu trường World Cup. Hậu vệ người Uruguay này lập kỷ lục buồn ở cuộc đối đầu với Scotland ở lượt trận cuối cùng vòng bảng. Trận đấu mới bắt đầu được 56 giây, Batista đã phạm lỗi nguy hiểm với tiền vệ Gordon Strachan bên phía đối thủ. Trọng tài ngay lập tức rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Batista.
Do chơi thiếu người nên Uruguay dù được đánh giá cao hơn, nhưng đã phải thi đấu hết sức chật vật và may mắn mới có được kết quả hòa không bàn thắng với Scotland. Chung cuộc, Uruguay chỉ đứng thứ ba ở bảng đấu. Batista sau đó hẳn cảm thấy được an ủi khi các đối thủ cạnh tranh đều lần lượt trượt ngã. Nhờ thế mà Uruguay vẫn có vé vào vòng 1/8 với tư cách là một trong những đội thứ ba xuất sắc nhất.
ĐỘI HÌNH TIÊU BIỂU