Anh vs Pháp: Bóng đá là sứ giả hòa bình

Việt Hà
Từ 14:12 ngày 10-12-2022
Lần đầu tiên trong lịch sử, Anh vs Pháp gặp nhau ở trận knock-out tại một giải đấu lớn. Nhưng bóng đá không còn là chỗ khơi lên bầu không khí thù địch giữa hai quốc gia có lịch sử nặng nề.

Denis MacShane, cựu bộ trưởng ngoại giao Anh, có một phát ngôn để đời về mối quan hệ Anh - Pháp: “Pháp và Anh giống như cặp vợ chồng già, trong đó người này thường nghĩ đến việc giết chết người kia, nhưng họ chẳng bao giờ tính đến việc ly hôn”.

Anh và Pháp có gần một nghìn năm chiến tranh và hòa bình. Hai người hàng xóm cách nhau eo biển Manche thường xuyên rơi vào tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Họ đã sát lại gần nhau như khi hai công nhân Anh và Pháp cùng bổ nhát cuốc khởi công đường hầm xuyên qua eo biển Manche. Nhưng rồi họ lại xa nhau vì vấn đề Brexit.

Người Anh có câu châm ngôn nổi tiếng “Đổ hết lỗi lên đầu người Pháp” (“Always Blame the French”). Mối quan hệ đặc thù này tác động lên mọi lĩnh vực văn hóa, xã hội và thể thao. “Le Crunch” là tên gọi của trận derby bóng bầu dục thường niên giữa hai đội Anh và Pháp. 109 trận đã diễn ra kể từ năm 1906 là 109 chương hồi về bầu không khí thù địch được thắp lên bởi giới truyền thông, CĐV và cả cầu thủ hai đội. 

“Le Crunch” là phép ẩn dụ tiêu biểu cho mối quan hệ “hiếu chiến” bên eo biển Manche. Quyền Anh cũng không là ngoại lệ. Năm 1960 sau khi đả bại Freddie Gilroy ngay tại London, tay đấm người Pháp Alphonse Halimi đã hét lên trước ống kính phóng viên: “Tôi đã báo thù cho Jeanne d’Arc” (nữ anh hùng của Pháp trong cuộc chiến với Anh vào thế kỷ 15).

Nhưng thật lạ, bóng đá lại nằm ngoài bầu không khí thù địch đó. Những cuộc đấu Anh - Pháp chỉ nóng trên sân cỏ. Những yếu tố lịch sử, chính trị không bị gán ghép vào trái bóng hoặc rất ít. Sự quan tâm của giới truyền thông cũng chỉ đơn thuần hướng về trái bóng.

Có hai lý do chủ yếu khiến bóng đá không rơi vào bầu không khí thù địch như “Le Crunch”. Thứ nhất, bóng đá không phải môn thể thao hiếu chiến với những pha “đấu vật” như bóng bầu dục. Thứ hai, thực tế là Anh và Pháp chưa từng gặp nhau trong các trận cầu sinh tử. Trong 42 lần chạm trán với nhau từ trước tới nay, đa phần Anh và Pháp chỉ đá giao hữu. Họ có gặp nhau ở World Cup và EURO nhưng tất cả chỉ là vòng bảng (1966, 1982, 2004, 2012).

Bây giờ mới là trận sinh tử đầu tiên giữa hai đội tuyển Anh và Pháp. Nhưng chẳng có một chút thù địch nào như bóng bầu dục. “Chúng tôi không thể nói rằng có sự cạnh tranh giữa bóng đá Anh và Pháp”, Bruno Constant, nhà báo người Pháp cho biết. Quan điểm này được chia sẻ bởi Nigel Adderley, bình luận viên người Anh trên kênh TalkSport: “Người Anh có nhiều sự ngưỡng mộ với bóng đá Pháp hơn là cạnh tranh”.

Những người Pháp đã giúp mở mang Premier League bằng nhiều thế hệ cầu thủ, HLV tài năng mà tiên phong là Arsene Wenger. Họ mang đến sức sống và triết lý bóng đá mới mẻ cho giải đấu ở xứ sương mù. Sự giao thoa giữa bóng đá Anh và Pháp mới là dấu ấn lớn nhất giữa hai nền bóng đá.

Thế nên khi Pháp gặp Anh tại tứ kết World Cup 2022, đó là lần đầu tiên họ “phải loại nhau” tại vòng knock-out chứ không phải lần đầu tiên họ “có cơ hội loại nhau” khỏi vòng chiến.

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x