Benzema về nước và ý tưởng về 'Quốc gia Pháp'

phạm an
Từ 15:29 ngày 22-11-2022
Trước trận Pháp gặp Algeria vào năm 2001, hàng loạt thanh niên ở Paris tụ tập ngoài sân Stade de France để… ủng hộ đội khách, bao gồm việc mang cờ của Algeria vào gây rối. Vài ngày sau, cũng chính tại địa điểm xảy ra bạo loạn, ứng viên cực hữu Jean-Marie Le Pen đứng tuyên bố tranh cử Tổng thống Pháp.

VẾT THƯƠNG SÂU SẮC

Jean-Marie Le Pen, một chính trị gia có tư tưởng dân tộc bài ngoại, đại diện cho một bộ phận không nhỏ những người Pháp không tin vào hòa hợp sắc tộc. Ông tuyên bố rằng những cầu thủ Pháp dự World Cup 1998 “không phải đội tuyển Pháp thực sự”. Thời điểm ấy, Les Bleus là tập hợp của các ngôi sao có nguồn gốc từ các thuộc địa cũ của Pháp, là Karembeu, Thuram, Henry, Vieira, và tất nhiên là Zidane, một người gốc Algeria.

Cú đúp đánh đầu của Zidane, giúp Pháp đánh bại Brazil và đăng quang trên sân nhà, mang tính biểu tượng, khẳng định một nước Pháp thống nhất của “black, blanc, beur” (đen, trắng, Ả Rập). Chiến thắng năm 1998 không chỉ có ý nghĩa thể thao. Nó khẳng định rằng con cái của những người nhập cư cũng có thể đóng góp cho nước Pháp, và xứng đáng hưởng số phận của một công dân Pháp.

Nhưng sự hòa hợp này chỉ là tạm thời. Năm 2005, một cuộc bạo loạn ở Paris xuất phát từ các con phố nghèo nhập cư đã nhắc nhở cho quốc gia này về thực tế khắc nghiệt của cuộc sống trong các khu ổ chuột, và nỗi đau chia rẽ chưa bao giờ nguôi trong lòng nước Pháp.

Sự sa sút của bóng đá Pháp bắt đầu từ cú húc đầu ở trận chung kết năm 2006 của Zidane, và lên đến đỉnh điểm bốn năm sau tại Nam Phi, nơi các cầu thủ đã chống lại ban huấn luyện, và kết quả là Pháp ra về sớm. Đã qua rồi thời “black, blanc, beur”. Truyền thông đổ lỗi cho các cầu thủ da màu và gốc Ả Rập (bao gồm cả Franck Ribery, một người đã cải sang đạo Hồi). 

Trong các cuộc họp kỹ thuật trên tuyển sau này, có thông tin cho rằng HLV đội tuyển Pháp khi ấy là Laurent Blanc (thật mỉa mai, tên ông có nghĩa là “Trắng”) đã đặt câu hỏi về sự phụ thuộc của bóng đá Pháp vào các cầu thủ da màu, đề xuất một hạn ngạch dành cho cầu thủ nhập cư và ưu tiên những cầu thủ có “văn hóa và lịch sử của chúng ta”. 

HLV Deschamps vui vẻ trò chuyện với Benzema, như chưa hề có mâu thuẫn nào giữa hai người

Năm 2016, sau khi bị HLV Didier Deschamps gạt ra khỏi danh sách dự EURO dù đang có phong độ rất cao ở Real Madrid, Karim Benzema, một người gốc Algeria như Zidane, đã lớn tiếng chỉ trích HLV đội tuyển Pháp. Anh cho rằng Deschamps đã để “ảnh hưởng chính trị lan vào bóng đá”, rằng ông làm vậy vì “một đảng phái cực đoan có chủ trương phân biệt chủng tộc đã ra tranh cử lần 2, nên Deschamps làm vậy để lấy lòng họ”. Thời điểm ấy, Benzema đang vướng phải rắc rối tống tiền đồng đội cũ Valbuena, khiến anh không được gọi lên tuyển.

Deschamps, thủ quân của đội tuyển Pháp từng đăng quang ở World Cup 1998 và EURO 2000, bị chấn động sâu sắc. Ông tuyên bố rằng “đến chết sẽ không tha thứ cho Benzema”. Đấy giống như phát súng bắn thẳng vào niềm tự hào về sự hòa hợp. Hóa ra sau nhiều năm đến thế, vết thương này vẫn ở đó, và chỉ chực chờ ngày rỉ máu.

SỰ HÀN GẮN

Nhưng giữa năm ngoái, Benzema bất ngờ được gọi lại tuyển Pháp. Deschamps tuyên bố rằng ông đã đặt lợi ích của tuyển Pháp lên hàng đầu, thay cho vấn đề cá nhân. Nhưng các camera tinh tế đã bắt được cảnh ông tươi cười trò chuyện với Benzema trên sân tập, như chưa hề có mâu thuẫn nào từng chặt đứt mối quan hệ của hai người.

Và khi Benzema không may dính chấn thương và phải nói lời chia tay World Cup 2022, Deschamps quyết định không gọi phương án thay thế nào. Hỏi lý do, ông chỉ đáp gọn lỏn: “Vì tôi thích vậy”. Một câu trả lời “rất Deschamps”, nhưng đấy có thể xem như hành động mang tính biểu tượng: rốt cục thì sự chia rẽ cũng không sâu sắc đến thế.

Hãy nhớ lại một khoảnh khắc quan trọng, khi Pháp cần đánh bại Ukraine 3-0 để giành quyền dự World Cup 2014, truyền thông Pháp đã vùi dập triển vọng của đội, cho rằng chẳng trông đợi được gì vào Les Bleus lúc ấy, vốn chủ yếu là người da màu và gốc Ả Rập. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo mới của đảng Mặt trận Quốc gia, đã được thể nhắc lại câu hỏi của cha bà về tính chính danh của đội tuyển Pháp hiện tại.

Và Mamadou Sakho, cầu thủ Pháp gốc Senegal, đã đáp trả bằng một cú đúp giúp Pháp hoàn thành mục tiêu. Anh cùng các đồng đội ăn mừng bằng cách hát vang bản “La Marseillaise”, như để chế giễu Le Pen và những người vẫn không tin vào sự hòa hợp.

Hôm nay, khi Benzema rời tuyển trong sự tôn trọng, Deschamps coi như viết xong một thông điệp, trước trận đánh lớn. Trong hai thập kỷ qua, bóng đá với nước Pháp chưa bao giờ chỉ là bóng đá. Nó luôn là sân khấu của một ý niệm lớn lao hơn: ý tưởng về quốc gia Pháp. 

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x