Chiến thuật của ĐT Nhật và họ có thể tiến xa tới đâu tại World Cup?

Chiêu Văn
Từ 15:27 ngày 30-05-2014
Lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu ĐT Nhật Bản, đội đầu tiên sau chủ nhà Brazil giành quyền tới World Cup trong một chiến dịch vòng loại xuất sắc dưới thời HLV Alberto Zaccheroni.
Vòng loại
Nhật Bản lọt thẳng vào giai đoạn 3 vòng loại World Cup khu vực châu Á nhờ vào thứ hạng 11 của họ trên bảng xếp hạng FIFA năm 2011. Họ rơi vào bảng C và chiếm ưu thế áp đảo từ đầu, đi tiếp vào giai đoạn 4 với vị trí thứ 2, kém Uzbekistan 6 điểm. Ở giai đoạn 4, họ tránh được Iran, Uzbekistan và Hàn Quốc, rơi vào một bảng đấu nhẹ hơn, bảng B, nơi Nhật Bản chỉ thua 1 trận (trên sân khách trước Jordan) và giành vé sớm đi tiếp.

Những bàn thắng của Nhật Bản được chia khá đều trong giai đoạn 4, với Keisuke Honda (5 bàn), Shinji Okazaki (3), Ryoichi Maeda (3), Shinji Kagawa (2) và Yuzo Kurihara (2) là những người góp sức.



Đội hình và phong cách
Nhật Bản là một đội thiên về chuyền bóng, và đã chơi như thế suốt từ thời của Hidetoshi Nakata ở World Cup Pháp 1998. Các CĐV Nhật Bản đã quen với lối chơi chuyền bóng sệt, một chạm của đội nhà. Bản thân các cầu thủ Nhật Bản cũng bất lợi so với các đối thủ châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi về mặt thể lực, nên họ lựa chọn một lối chơi phù hợp với sức vóc của mình.

HLV Alberto Zaccheroni có khuynh hướng ưa thích đội hình 4-2-3-1, dù đôi khi ông cũng có sử dụng đội hình Cây Giáng sinh 4-3-2-1 trước các đối thủ mạnh hơn, nhất là ở hàng tiền vệ. Các đợt tấn công của Nhật Bản bắt đầu từ những vị trí tiền vệ phòng ngự, đều là những cầu thủ không ngần ngại cầm bóng và kiến tạo. Các tiền vệ này di chuyển nhiều, tìm kiếm các lựa chọn và khoảng trống cho những đồng đội phía trên. Hai hậu vệ cánh Atsuto Uchida và Yuto Nagatomo cũng quan trọng, nhưng người đóng vai trò chủ chốt cầm trịch thế trận cho Các samurai xanh là Keisuke Honda. Chơi ở vị trí số 10, anh có phong độ khá tốt ở AC Milan và là cầu thủ quan trọng nhất của Nhật Bản.

Một khi đưa được bóng tới một phần ba sân đối phương, Nhật Bản sẽ bắt đầu chuyền bóng với tốc độ cao, sử dụng các pha di chuyển chớp nhoáng và những đường phối hợp 1-2 điêu luyện. Mục tiêu là đưa bóng vào vùng cấm địa, một phần vì đó là cách mà Nhật Bản làm tốt nhất, một phần vì đó là lựa chọn duy nhất của họ, khi Nhật Bản không giỏi trong tạt cánh đánh đầu hay càn lướt đối thủ.



Về mặt phòng ngự, Nhật Bản gây sức ép theo khu vực, và Confederations Cup 2013 cho thấy họ có thể gặp rắc rối vì điều kiện thời tiết ẩm ướt khó chịu ở Brazil trong mùa hè. Hàng tiền vệ với bộ đôi Makoto Hasebe và Yasuhito Endo chơi lùi được tổ chức tốt, tỏ ra sắc sảo khi không có bóng và che chắn hiệu quả cho hàng thủ, nhưng họ có thể không đủ thể lực cho 90 phút khắc nghiệt ở World Cup. Honda đôi khi cũng lùi lại từ vị trí số 10 của anh để tạo ra một phòng tuyến 3 người ở hàng tiền vệ nếu Nhật Bản phải chịu quá nhiều sức ép. Ngược lại, đội bóng của Zaccheroni có thể chơi phản công khá sắc sảo.

Lý do để hy vọng
Nhật Bản là một đội chơi bóng đẹp, và có thể khiến các đối thủ lộ ra sai lầm sau khi đã mệt mỏi vì những đường chuyền thông minh liên tục của họ. Họ cũng được chuẩn bị rất tốt cho giải đấu lần này, với nhiều cầu thủ giỏi đã gắn bó cùng nhau nhiều năm. Những trận đấu của "Samurai xanh" cũng thường hấp dẫn với người xem trung lập.

Vị trí hậu vệ cánh của Nhật Bản đặc biệt có nhiều cầu thủ chất lượng với chiều sâu tốt, khi Zaccheroni có thể cho ra sân 4 hậu vệ cánh với chất lượng như nhau. Nhờ thế, Nhật Bản luôn đảm bảo lối chơi cánh nhiều sức mạnh và hiệu quả, khi họ có thể đẩy cao cả Nagatomo và Uchida tới tận vòng cấm địa đối phương.



Lý do để lo ngại
Vào một ngày đẹp trời của họ, khi các chiến thuật tấn công được thực hiện đúng, Nhật Bản có thể đánh bại bất kỳ đối thủ nào, nhưng vấn đề của họ khá giống với Chile của HLV Jorge Sampaoli: Họ thường xuyên không thể dứt điểm đối thủ ngay cả trong những trận đấu mà họ hoàn toàn áp đảo.

Vấn đề nằm ở lịch sử thiếu những tiền đạo giỏi của bóng đá Nhật Bản. Đất nước này là nơi sản sinh ra những "số 10" đẳng cấp thế giới và các hậu vệ cánh đầy tốc độ, nhưng họ lại không có một chân sút đáng tin cậy nào. Shinji Okazaki đã có một mùa giải tuyệt vời ở Mainz, trở thành cầu thủ Nhật Bản ghi được nhiều bàn nhất trong lịch sử Bundesliga trong một mùa bóng và cũng là vua phá lưới của giải vô địch châu Á 2014 với 8 bàn.



Nhưng anh chưa bao giờ thực sự ở phong độ tốt nhất tại những sân khấu lớn nhất, và có khả năng anh sẽ được điều sang cánh phải, thay cho Ryoichi Maeda vắng mặt trong danh sách cuối cùng của Nhật Bản dự World Cup. Do Zaccheroni thiếu các tiền đạo thực sự đáng tin cậy, những "số 10" biết ghi bàn sẽ là vũ khí chính của Nhật Bản. Các trung vệ là một nỗi lo khác, khi Maya Yoshida không thật sự sẵn sàng về thể lực. Yasuyuki Konno nhiều kinh nghiệm, nhưng không giỏi trong các tình huống bóng bổng.

Kết luận
Nhật Bản sẽ gặp Bờ Biển Ngà, Colombia và Hy Lạp ở bảng C, những thử thách thực sự và những cuộc đối đầu rất thú vị giữa các triết lý bóng đá hoàn toàn khác nhau. Nỗi lo với "Samurai xanh" là họ sẽ thua sút về thể lực so với Bờ Biển Ngà, không sánh được về đẳng cấp so với Colombia và có thể gặp khó khăn bẻ gẫy một Hy Lạp chơi chặt chẽ và kỷ luật.

Dự đoán: Bị loại từ vòng bảng
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x