Năm 2015, một nhóm tác giả đã khiến giới học thuật về quản trị chấn động khi cho ra mắt một nghiên cứu khoa học trên tạp chí Quản lý học với tựa đề: “Các CEO khiêm nhường có quan trọng không? Và một cuộc khảo sát về sự khiêm nhường của CEO đã cho thấy có mối quan hệ tích cực với hiệu quả của các công ty”.
CEO khiêm nhường
Họ đã thu thập kết quả từ 105 doanh nghiệp vừa và nhỏ của Mỹ trong ngành máy tính, và rút ra kết luận rằng có mối quan hệ tích cực giữa mức độ khiêm tốn của lãnh đạo và hiệu quả hoạt động của công ty. Thậm chí, đấy còn là phẩm chất quan trọng bậc nhất của một người đứng đầu những công ty có kết quả tốt.
Đầu tiên, họ phát hiện ra rằng các CEO khiêm nhường có khả năng thúc đẩy làm việc nhóm, tăng sự đoàn kết nội bộ. Thứ hai, các CEO này cũng thường đề cao việc đãi ngộ bình đẳng với các thành viên trong đội ngũ, dẫn đến sự hòa hợp thực sự, và không ai cố che giấu sự thật nếu công ty có bất ổn. Đấy là nền tảng để phát triển.
Nghiên cứu này có giá trị, bởi chính như nhóm này nhận xét, “các nghiên cứu về lãnh đạo trong hơn 100 năm qua phần lớn mô tả những người đứng đầu hiệu quả là nam tính, thống trị và năng nổ, chắc chắn rằng họ không hề khiêm tốn”. Trong nhiều thập niên, những nhà lãnh đạo gắn liền với hình ảnh các anh hùng, giống như Elon Musk, Steve Jobs hay Mark Zuckeberg: họ phải thông minh vượt trội, nổi bật, và cá tính có thể đến độ chẳng coi ai ra gì.
Nhưng nền kinh tế chia sẻ đã thay đổi mọi chuyện. Google, một công ty từng nổi tiếng với những bài kiểm tra khắt khe để tìm ra những người xuất chúng nhất (kiểu giải khối rubik trong khi đang trồng cây chuối, hoặc đoán tổng số quán rượu ở Anh), cũng đang thay đổi: họ muốn những con người có sự khiêm nhường nhất định. Bạn cần một cái tôi lớn kèm theo cái tôi cùng một lúc.
“Những người làm việc tốt nhất ở Google là những người cãi nhau như mổ bò và rất quyết liệt với quan điểm của mình, nhưng khi một sự thật mới xuất hiện, họ sẽ thừa nhận nhanh chóng rằng tình hình đã thay đổi, và họ đã sai” – Laszlo Bock, phó chủ tịch nhân sự cấp cao của Google, giải thích rằng tại sao nguồn nhân lực, nhất là lãnh đạo cấp cao, cần có sự khiêm nhường.
Trong buổi trò chuyện bàn tròn mới nhất về hành trình World Cup của đội tuyển Anh trên tờ DailyMail, ký giả kỳ cựu Martin Samuel và những khách mời của chương trình đã phải thốt lên rằng những lời chỉ trích nhắm vào HLV Gareth Southgate là “kỳ cục”, và “chúng ta đã chuyển từ ‘Southgate ông là người được chọn’ sang ‘Southgate ông chẳng biết mình đang làm gì đâu’ chỉ sau có một năm”. Họ cho rằng HLV đương nhiệm của tuyển Anh xứng đáng được tôn trọng hơn, vì những gì đã làm được.
Trái tim sư tử
Trước khi đến Qatar, đội tuyển Anh của Southgate đã bị la ó liên tục trong một năm qua, điều đã thành chuyện cơm bữa trong 6 năm ông ngồi ghế nóng. Dư luận chỉ trích ông từ chuyện lựa chọn ai lên tuyển, cho đến… sơ đồ, và lối chơi.
Cuối tháng trước, Southgate thừa nhận rằng ông sẽ nhanh chóng biến thành “kẻ điên” nếu cứ dỏng tai nghe ngóng những lời chỉ trích: “Tôi may mắn đấy. Tôi bị nhốt trong một khách sạn không có điện thoại. Nhưng tôi cũng không cần phải xem báo đài vì tôi biết (những lời chỉ trích) sẽ là như thế nào. Đó là sự thảnh thơi có chủ ý. Vì nếu tôi nghe tất cả mọi thứ, tôi sẽ phát điên hoặc bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân và đi đẽo cày giữa đường”.
Và đây là sự thật: Southgate đã ngồi vào chiếc ghế nóng khi niềm tin vào đội tuyển Anh xuống thấp nhất, rồi đưa đội bóng này đi đến bán kết World Cup 2018, và chung kết EURO 2020, nơi họ đã chơi hay hơn, nhưng để thua trên chấm phạt đền trước đội tuyển Ý. Với những gì đã làm được, ông có quyền được phát ngôn lớn tiếng hơn.
Nhưng Southgate đã chọn im lặng, và lần đầu tiên sau nhiều năm, chúng ta nhìn thấy đội tuyển Anh đến một giải đấu lớn nhẹ nhàng, ít trống dong cờ mở đến vậy. Họ dự các vòng chung kết với tư thế của một con sư tử bị thương, chứ không phải một gánh xiếc rong thường thấy.
Trong quá khứ, người ngồi vào ghế nóng tuyển Anh đều phải có lý lịch công việc hiển hách và cá tính hơn người, như Sven Goran Eriksson hay Fabio Capello. Southgate, vốn có một sự nghiệp cầu thủ lẫn HLV đều làng nhàng, không phải mẫu lãnh đạo người Anh ưa thích. Nhìn bề ngoài, ông cũng chẳng có gì nổi bật, không ưa các phát ngôn gây sốc, hoặc phản ứng với các chỉ trích.
Nhưng đội tuyển Anh mà chúng ta đang xem có lẽ là một trong những phiên bản nguy hiểm và hiệu quả bậc nhất trong lịch sử. Một ví dụ sinh động nữa về thành công của các tập thể được lãnh đạo bởi một người trầm lặng. Một người như Southgate.