Espana 1982: Cái chết của thiên nga

Trần Minh
Từ 19:43 ngày 31-05-2014
Hiếm một đội bóng nào xuất sắc, toàn diện hơn Brazil của mùa Hè 1982 và cũng hiếm có “cái chết” nào gây nhiều tiếc nuối hơn của Zico và các đồng đội năm ấy. Thất bại của ĐT Brazil tại Tây Ban Nha cũng đã khơi dậy câu hỏi muôn đời của bóng đá: chọn gì đây giữa vinh quang và nghệ thuật?
VINH QUANG HAY NGHỆ THUẬT?
Sau khi để thua Tây Đức trong trận chung kết World Cup 1974, Johan Cruyff đã bảo: “Không huy chương nào lớn hơn bằng việc trung thành với lối chơi của mình”. Đấy có lẽ là cách ông tự... an ủi bản thân cho một trong những thất bại điển hình nhất của bóng đá đẹp trước sự lạnh lùng, thực dụng.

Trước đó tại World Cup 1954, Hungary huyền thoại với lối đá tấn công rực lửa cũng thất bại trước Tây Đức trong trận chung kết. Nhưng không có ví dụ nào điển hình hơn là World Cup 1982. Brazil lung linh của những Socrates, Falcao, Zico, Brazil của đội hình 4-2-2-2 đầy sức tấn công thậm chí còn không vào được đến bán kết.

Với những ngôi sao tự mình có thể gánh vác cả đội, HLV Tele Santana đã cho Brazil chơi một cách tự do, tự do đến mức... phóng túng. Ai cũng được phép thể hiện cái tôi của mình trên sân. Họ khởi đầu giải với thắng lợi 2-1 trước Liên Xô. Socrates loại hai đối thủ truy cản trước khi tung cú sút vào thẳng góc cao ở cự ly 25 mét, bàn thứ 2 của họ đến từ một cú volley rất điệu của Elder. Ngay trận mở màn, Brazil đã khẳng định vị trí ứng cử viên số 1.

Trận đấu với Scotland tiếp tục là một màn biểu diễn của các vũ công Samba. Cú sút phạt của Zico lại đưa bóng vào góc cao với độ chính xác đến từ mm, Oscar Bernardi đánh đầu thành bàn tử quả phạt góc, Elder tâng bóng qua đầu thủ môn và Falcao có bàn cho riêng mình với cú sút sát cột từ cự ly 20 mét. Thủ môn Alan Rough của Scotland vào lưới nhặt bóng những 4 lần, nhưng ông không ngớt lời khen ngợi pha ghi bàn của đối thủ. HLV Jock Stein thậm chí còn nhận định: “Sẽ là điều tốt cho bóng đá nếu Brazil có thể vô địch giải năm nay. Thất bại luôn khó chấp nhận, nhưng trận thua này thì khác”.


Brazil bước vào World Cup với tư cách ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch...

NGHỆ THUẬT PHÒNG NGỰ CATENACCIO
Trận đấu cuối vòng bảng, Brazil thắng đậm New Zealand 4-0 với cú đá cắt kéo đẹp mê hồn của Zico. Trận đấu đầu tiên ở vòng bảng thứ 2, Brazil khẳng định vị thế tuyệt đối khi thắng Argentina 3-1. Chỉ cần một trận hòa trước Italia, Selecao sẽ vào bán kết. Nhưng ngay khi đang lơ lửng với những lời khen ngợi, họ đâu biết bi kịch đang chực chờ phía trước.

Brazil vẫn chơi tấn công rất hay, nhưng hàng thủ tồi tệ là gót Achille của họ. Paolo Rossi ghi bàn, Socrates gỡ 1-1, Rossi lại ghi bàn, Falcao gỡ 2-2, nhưng đến khi Rossi hoàn thành cú hat-trick thì mọi thứ đã quá muộn màn với Selecao. Những pha ghi bàn của Brazil đều đẹp, họ tấn công vẫn rất hay. Nhưng nét đẹp ấy đã thất bại trước sự lạnh lùng, thực dụng của người Ý. Hình ảnh đẹp nhưng mong manh của Brazil được thể hiện rõ nét qua giọt nước mắt của tiền vệ Cerezo. Ông đã òa khóc khi chuyền hỏng, giúp Rossi ghi bàn thứ 2 trong trận, khiến người đồng đội Junior phải đến và nói: “Nếu không ngưng khóc, tôi sẽ đấm vào mặt anh đấy!”.

Kết thúc trận đấu, không chỉ một mình Cerezo khóc mà rất nhiều fan của Brazil trên toàn thế giới đã khóc. Đội tuyển được yêu mến nhất đã gục ngã trước những truyền nhân của Catenaccio. Zico chua chát: “Chúng tôi chơi bóng đá nghệ thuật, còn Italia thì phản nghệ thuật”. HLV Enzo Bearzot thì cười: “Bàn thứ 3 của chúng tôi được ghi từ tình huống phạt góc. Khi ấy 11 cầu thủ Brazil đều có mặt trong vòng cấm, vậy mà họ nói chúng tôi đá phản công”.


... Song Brazil đã gục ngã trước Italia

CÁI CHẾT CỦA SỰ NGÂY THƠ
Trong cuốn sách về chiến thuật nổi tiếng của mình là “Inverting the Pyramid”, (tạm dịch: Đảo ngược kim tự tháp), tác giả Jonathan Wilson gọi thất bại của Brazil là cái chết của sự ngây thơ. Từ bước ngoặt ấy, chính người Brazil cũng nhận ra việc nhồi nhét những ngôi sao vào một tập thể không còn hợp thời nữa. Chiến thuật thông minh mới là con đường dẫn đến vinh quang. Đấy được xem là khởi nguồn cho một sự thay đổi trong tư duy của người Brazil. Sau này, khi Brazil lên ngôi ở 2 kỳ World Cup 1994 và 2002, đấy đều là những tập thể kém lung linh hơn thế hệ đàn anh, nhưng có được sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự.

Lần đầu “đấu súng” 
Trận bán kết Tây Đức - Pháp tại World Cup 1982 là trận đấu đầu tiên trong lịch sử World Cup mà đôi bên phải phân thắng bại bằng loạt sút luân lưu 11m. Đấy cũng là một trong những trận đấu hấp dẫn nhất, kịch tính nhất lịch sử. Pháp dẫn đến 3-1 trong hiệp phụ, vậy mà sau đó vẫn thua 4-5 trên chấm 11m.

TỔNG QUAN
Nước chủ nhà: Tây Ban Nha
Thời gian: 13/6 - 11/7
Số đội tham dự: 24 
Số trận thi đấu: 52
Các SVĐ: Bernabeu (Madrid), Vicente Calderon (Madrid), Nou Camp (Barcelona), Sarria (Barcelona), Balaidos (Vigo), Riazor (A Coruna), El Molinon (Gijon), Carlos Tartiere (Oviedo), Nuevo (Elche), Rico Perez (Alicante) San Mames (BIlbao), Jose Zorrilla (Valladolid), Luis Casanova (Valencia), La Romareda (Zaragoza), Sanchez Pizjuan (Sevilla), Benito Villamarin (Sevilla), La Rosaleda (Malaga)
Số bàn thắng: 146 (2.81 bàn/trận)

CHUNG CUỘC
Đội vô địch: Italia (vô địch lần 3)
Á quân: Tây Đức
Hạng ba: Ba Lan
Tổng số khán giả: 2.109.723 (40.571 người/trận)
Cầu thủ xuất sắc nhất: Paolo Rossi (Italia)
Vua phá lưới: Paolo Rossi (Italia - 6 bàn)

Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Xem thêm
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x