Tôi mang thắc mắc này hỏi Hernan, một CĐV Argentina, sau khi anh nhờ tôi chụp cho một bức ảnh bên bức tượng Chúa cứu thế nổi tiếng ở Rio. “Vì với chúng tôi, Maradona là số 1. Luôn luôn là số 1”, Hernan trả lời. Thế còn Messi, anh ấy không giỏi sao? “Không, Messi rất giỏi. Thành thật mà nói, đôi khi tôi nghĩ anh ấy còn hay hơn cả Maradona. Nhưng với chúng tôi, Maradona là số 1”.
Sự giằng xé ấy đeo bám những người Argentina từ nhiều năm nay. Họ biết với Messi, Argentina đang sở hữu một tài năng hàng đầu thế giới, một viên ngọc quý. Trước mỗi giải đấu lớn, Messi chính là người đầu tiên mà họ nhìn vào để hy vọng. Nhưng họ không bao giờ yêu được Messi như cách đã yêu Maradona. Vì sao vậy? “Nguyên nhân thì nhiều”, Hernan nói tiếp, “nhưng tôi nghĩ chủ yếu là vì Messi thiếu chất Argentina”.
Thiếu chất Argentina? Messi đang bị cả đất nước lạnh nhạt, chỉ vì anh rời Argentina từ năm 13 tuổi và không chơi cho đội bóng nào ở đây (dù đó là điều bắt buộc, sau khi không CLB nào chịu trả tiền chữa bệnh cho anh ngoài Barca)? Vì anh không sinh ra trong một khu ổ chuột, như Maradona và một số ngôi sao được yêu mến khác, chẳng hạn Tevez? Hay vì anh không biết làm những điều điên rồ cho “có chất Argentina”, chẳng hạn dùng ma túy, đánh người, lừa dối vợ con?
Thà hâm mộ Zarate còn hơn...
“Messi yêu nước chưa đủ”, Matias, người đi cùng đoàn với Hernan và là đồng hương Rosario với Messi, nói xen vào khi thấy Hernan lúng túng trước loạt câu hỏi của tôi. “Messi không hát quốc ca. Anh ta cũng không sẵn sàng chết vì Argentina. Anh ta chỉ nỗ lực vì Barca thôi. Anh không thấy phong độ của Messi trong màu áo Argentina kém hẳn ở Barca à? World Cup 2010 anh ta ghi được bao nhiêu bàn? Copa (America) 2011 anh ta ghi được bao nhiêu bàn? Chẳng có bàn nào cả”.
Trong cách nói của Matias, tôi cảm thấy sự ghen tị nhiều hơn là thù ghét. Matias, và có lẽ phần lớn những người Argentina khác, đang “ghen” với Barca vì Barca được chứng kiến một Messi bùng nổ nhất, còn Argentina thì chưa. Chẳng ai quan tâm tại sao. Chẳng ai nói tới chuyện Messi đã gắn bó với Barca 15 năm, thuộc thói quen của từng cầu thủ ở đây, trong khi anh chỉ gặp đồng đội ở ĐT Argentina mỗi năm trên dưới 10 lần. Chẳng ai nói tới chuyện ở Barca, Messi được cả đội phục vụ, còn ở Argentina, anh đang phải phục vụ cả đội. Tất cả như cố tình quên.
Những định kiến như thế sẽ còn đeo bám Messi cho tới ngày anh làm được điều mà Maradona đã làm: Đưa Argentina tới chức vô địch World Cup. Từ giờ đến khi đó, nếu Messi ghi bàn và Argentina thắng thì đó là chuyện đương nhiên, còn nếu Messi không ghi bàn và tệ hơn là Argentina thất bại, thì đó là chuyện lớn...