Khi Ronaldo ra mắt sân chơi World Cup năm 2006, tiền vệ Azzedine Ounahi của Morocco mới tròn 6 tuổi. Joao Ricardo, thủ môn người Angola mà Bồ Đào Nha đối đầu ngay hôm ấy, giờ đã 52 tuổi. Trong lần xuất hiện trước công chúng gần đây, Wayne Rooney, nạn nhân của một pha vào bóng từ Ronaldo trong trận tứ kết Anh vs Bồ Đào Nha, thậm chí trông còn già hơn.
"Tuổi tác không chừa một ai", Rooney đáp khi được đề nghị trả lời về việc Ronaldo tìm đến Piers Morgan tạo ra buổi phỏng vấn gây bão toàn cầu. Sau khi Bồ Đào Nha bị loại khỏi World Cup lần này, 16 năm và 4 giải đấu sau đó của Ronaldo, những lời của Rooney đã tóm tắt tình trạng khó khăn của người đồng đội cũ CR7.
Trong trận gặp Morocco ở tứ kết World Cup 2022, Ronaldo được vào sân từ "ngôi nhà" mới mà anh đang phải vật lộn để thích nghi: băng ghế dự bị. Siêu sao 37 tuổi đã cân bằng thành tích của Bader Al-Mutawa (Kuwait) trở thành cầu thủ có số lần khoác áo tuyển quốc gia nhiều nhất (196). Nhưng điều này có bao nhiêu phần ý nghĩa? Từng là một tay săn bàn có những pha chạm bóng bất khả chiến bại trước cầu môn đối phương, Ronaldo giờ đã không còn là chính mình. CR7 cố gắng chống lại thời gian. Anh rất nỗ lực với khao khát còn nguyên vẹn nhưng trông có vẻ lạc lõng một cách tuyệt vọng. Thời của Ronaldo đã đến hồi kết.
Hẳn sẽ rất đau lòng khi thấy Lionel Messi được khen ngợi vì khả năng tiết kiệm năng lượng thiên tài, trong khi Ronaldo bị chỉ trích vì sự lười biếng. Điều này không hoàn toàn công bằng. Trong trận gặp Uruguay ở vòng bảng, Ronaldo đã thi đấu rất rộng. Anh sẵn sàng dạt cánh, tận dụng sức mạnh thể chất của mình để đón những đường bóng bổng và kéo bóng về phía trước. Đó là một màn thể hiện theo kiểu chấp nhận hi sinh của Ronaldo. Dù vậy, nhìn theo khía cạnh khác, không phải cầu thủ nào cũng phù hợp với vai trò này. Khi Ronaldo mất bóng, đợt tấn công của Bồ Đào Nha "xôi hỏng bỏng không".
Sự nghi ngờ đó càng được khẳng định ở vòng 1/8 khi Ronaldo không có tên trong đội hình xuất phát và Bồ Đào Nha nghiền nát Thụy Sỹ. Đội tuyển xứ sở đồng hồ đã tạo ra quá nhiều khoảng trống cho Seleccao, nhưng Morocco thì không. Mỗi khi Ronaldo có bóng, Yahia Attiat-Allah sẽ lập tức đến "hỏi thăm" hoặc Achraf Dari sẽ chạy ra hỗ trợ để dập tắt mọi nguy hiểm. Đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất đối với các cầu thủ lớn tuổi, và Ronaldo cũng không phải ngoại lệ. Mặt hạn chế của CR7 thực tế đã bộc lộ từ mùa trước, và có những thời điểm anh thi đấu như thể nhằm cố gắng kéo dài thành tích cá nhân thêm chút nào hay chút đó.
Ronaldo đã thực sự bất lực ở cả giải đấu này chứ không riêng gì trước Morocco. Suốt hơn 40 phút có mặt trên sân ở trận tứ kết, anh chỉ có 10 lần chạm bóng. Cơ hội duy nhất mà CR7 sở hữu đến ở tình huống thoát xuống vào phút 91, trước khi cú đá của anh bị thủ thành Bono dễ dàng ngăn chặn. Rất lâu trước đó, Bồ Đào Nha đã hoảng loạn và không lỗi nào thuộc về Ronaldo. Bruno Fernandes chuyền bóng đi hết đường biên ngang thiếu chính xác nhưng vỗ tay nhiệt tình, như muốn nói rằng "không thay đổi kế hoạch, hãy tiếp tục làm những gì chúng ta đang làm, đừng để bị cuốn vào chuyện này". Sau đó, Fernandes đã có một pha dàn xếp đá phạt tồi tệ ở cự ly chừng 40 mét. Có lẽ đó là lý do vì sao Ronaldo thường xuyên là người thực hiện những quả đá khi có mặt trên sân, ngay cả khi hầu hết đều đập hàng rào.
Sau khi bị dẫn bàn, Bồ Đào Nha thiếu may mắn, rồi phung phí và cuối cùng là bó tay trước hàng thủ chắc chắn nhất giải đấu. Với Ronaldo, anh đã cố gắng kìm nén những giọt nước mắt trên sân nhằm tránh sự soi mói từ truyền thông. CR7 chờ đến khi vào đường hầm, khu vực từng được coi là không gian an toàn cho những cầu thủ giàu cảm xúc, mới bắt đầu rơi lệ. Thật không may, sự tiếp cận vô tận của truyền thông đã khiến nỗi khốn khổ của Ronaldo bị phát hiện và phát sóng ra cả thế giới.
Hành trình của Ronaldo tại World Cup đã khép lại với những giọt nước mắt chua xót và đầy cay đắng. Một đoạn kết buồn cho một huyền thoại, người đã cố gắng hết sức mình để tìm kiếm một cái kết viên mãn cho sự nghiệp vĩ đại.