Muốn thành danh, phải có biệt danh

Kinh Thi
Từ 15:50 ngày 31-01-2014
Người Brazil, trong mọi ngành nghề, thích sử dụng biệt danh đến một mức độ gần như ám ảnh, thậm chí điên rồ. Nó phản ánh cách sống dễ dãi và văn hóa truyền khẩu ở đất nước này. Thế nên hoàn toàn dễ hiểu khi chúng ta chỉ biết gọi các cầu thủ Brazil bằng biệt danh chứ rất ít khi quan tâm đến tên thật của anh ta.
Ngôn ngữ của  Brazil là tiếng BĐN. Do vậy, cách đặt tên của người Brazil mang mọi đặc trưng của người BĐN. Thông thường, một đứa trẻ Brazil (hoặc BĐN) mang cả họ của bố lẫn họ của mẹ, tên thì được đặt theo 1 hoặc 2 chữ. Đôi khi có thêm phần phụ như Da, Dos, Do. 

Tóm lại, một cái tên điển hình của người Brazil thường dài thậm thượt khoảng 4, 5 chữ. Dĩ nhiên, sẽ không đủ chỗ để in cả một cái tên dài ngoằng như thế trên lưng áo. Việc ghi tên trong sổ sách cũng rắc rối như vậy. Nhưng đấy không phải là nguyên nhân duy nhất khiến cầu thủ Brazil thường không được gọi bằng tên đầy đủ. Có 2 giải pháp: dùng tên rút gọn, hoặc dùng biệt danh. Cách sau phổ biến hơn và cũng thú vị hơn.

Ở bang Minas Gerais, có một thị trấn tên là Claudio, gồm khoảng 22.000 dân. Tại đấy, có nhiều người thường xuyên dùng biệt danh thay vì tên thật, đến nỗi cuốn danh bạ điện thoại cũng phải in danh sách khách hàng theo biệt danh. Nhà chức trách giải thích: “Ở đây, mọi người hầu như chỉ biết đến nhau qua biệt danh, nếu in tên thật thì sẽ chẳng biết ai là ai”. Đấy chỉ là một trong rất nhiều chi tiết điển hình về văn hóa sử dụng biệt danh ở Brazil.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng cách gọi nhau bằng biệt danh ở Brazil xuất phát từ thời kỳ còn chế độ nô lệ. Thời ấy, các nô lệ chỉ được ghi tên bằng một chữ trong hồ sơ. Dĩ nhiên, chỉ dùng một chữ thì dễ trùng tên, thế là nảy sinh thêm một phần phụ phía sau để phân biệt. Ví dụ: Joao Congo là Joao, đến từ Congo. 

Tên đầy đủ của Kaka dài tới 28 ký tự

Chế độ nô lệ bị xóa bỏ khá sớm ở Brazil, nhưng cách gọi tên đơn giản và hiệu quả như thế ngày càng phát triển vì 2 nguyên nhân. Một là văn hóa truyền khẩu, không mấy xem trọng chữ nghĩa, như đã nêu trên. Hai là tỷ lệ di dân đến Brazil khá cao. Bây giờ, nhìn vào những Chinesinho, Mexicano, Tcheco, Japinha, Alemao hoặc Somalia, ai cũng dễ dàng đoán được nguồn gốc của những biệt danh như thế.

Một nguyên nhân nữa, nghe có vẻ lạ nhưng đúng là có thật: người Brazil không dễ viết đúng... tên thật của mình hoặc của những người xung quanh. Thậm chí, phát âm cho chuẩn cũng chẳng phải dễ. Ngôi sao Kaka tên thật là Ricardo Izecson dos Santos Leite. Gọi tắt là Ricardo. Nhưng em của Kaka không bao giờ phát âm cho chuẩn chữ Ricardo. Gọi là Kaka cho gọn! Cậu em ấy (Rodrigo Izecson dos Santos Leite, cũng là một cầu thủ) thậm chí còn không đọc được cho chuẩn cái tên Rodrigo của mình. Thế nên, Rodrigo trở thành Digao!

Chuyện viết tên cho chính xác lại càng khôi hài, nhất là ở những khu ổ chuột, vốn là xuất phát điểm của rất nhiều ngôi sao bóng đá Brazil. Zagalo hay ? Vanderlei (Luxemburgo) hay Wanderley? Rivelino hay Rivellino? Cách đây nhiều năm, khi HLV đội tuyển Brazil Vanderlei Luxemburgo phải hầu tòa, các bên phải tốn rất nhiều thời gian cho thủ tục xác định tên bị cáo. Luxemburgo thì ai cũng biết. Nhưng tên chính xác của ông là gì, chính ông còn không biết chắc! 

Ông ký tên trước tòa: Wanderley. Nhưng giấy tờ chính thức của ông thì ghi là Vanderlei. Trên mặt báo, người ta còn ghi tên ông là Wanderlei hoặc Vanderley. Rút cuộc tòa quyết định theo hướng “trung dung”: từ nay, tên ông là Wanderley hoặc Vanderlei. Chữ W đi với chữ Y, còn chữ V đi với chữ I, cho... chuẩn!

Khi một ông bố ở Brazil đến phòng hộ tịch đăng ký khai sinh cho con, luôn có rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng lớn đến cái tên “chính thức” của đứa bé: cách phát âm của ông bố, năng lực viết chính tả của ông bố, và của cả nhân viên hộ tịch. Đã vậy, ở vùng nông thôn, thường chỉ có khoảng 10% số trẻ em mới chào đời được làm thủ tục khai sinh đúng quy định. 

Những ông bố “bình dân” ở Brazil thường thích dùng các chữ cái “w”, “k” hoặc “y”, lại hay nhân đôi các phụ âm “l” hoặc “n”... cho nó sang! Việc nhân đôi phụ âm “l” hoặc “n” thì giống châu Âu. Còn các chữ cái “w”, “k” hoặc “y” có vẻ hiện đại, do ban đầu những chữ này chưa có trong bảng chữ cái của BĐN. Rút cuộc, mạnh ai nấy viết. Từ một cái tên “châu Âu” ban đầu là Stephanie, Brazil bây giờ có đủ biến thể, từ Stefani đến Sthephanny.

Tóm lại, rắc rối như thế, cứ dùng biệt danh gồm đúng một chữ cho rồi. Vừa dễ nghe, dễ gọi, lại có cả nguồn gốc hoặc đặc điểm con người trong cái biệt danh, thế là dễ nhớ!

Từ ngày 1/1/2003 đến ngày 1/1/2011, ghế Tổng thống Brazil thuộc về Luiz Inacio “Lula” da Silva. Năm 2010, ông được tạp chí Time mô tả là chính khách thành công nhất trong thế hệ của mình khi liệt kê danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Người ta sẽ không nói vậy nếu Lula “dừng cuộc chơi” sau khi thất bại trong 3 kỳ bầu cử liên tiếp (1989, 1994 và 1998). Nhà lãnh đạo Đảng Công Nhân Brazil không đủ tài năng, thiếu uy tín, hay có một sai lầm nào đó khiến ông cứ liên tiếp thất bại? 

Dùng biệt danh mới đắc cử Tổng thống


Sau khi rà soát kỹ mọi vấn đề, phe ủng hộ Luiz Inacio da Silva đã thay đổi chiến lược trước kỳ bầu cử năm 2002: dùng biệt danh “Lula” trong quá trình vận động. Thế là Lula đắc cử để chính thức ngồi ghế Tổng thống Brazil từ ngày 1/1/2003.

Suốt một thời gian dài, người Brazil vẫn gọi Tổng thống của họ bằng biệt danh Lula đơn giản. Ngay cả khi phải thận trọng với cách gọi tên ở những sự kiện chính thức, người ta vẫn gọi ông bằng cả biệt danh lẫn tên họ đầy  đủ: Luiz Inacio “Lula” da Silva. Đến cuộc bầu cử năm 2006, Tổng thống Lula lại chiến thắng lần nữa.

Đẳng cấp phải có biệt danh


Một thời, bóng đá Brazil có những biệt danh rất mạnh mẽ về ấn tượng. Telefone (cầu thủ da đen - điện thoại ngày xưa hầu hết là màu đen) chẳng hạn. Biệt danh của Pele, Garrincha, Zico, Mueller, Careca, Kaka... đều chẳng liên quan gì đến tên thật của họ. Thậm chí, còn có cả loại biệt danh được đặt ngay vào tên, để sau này dùng luôn cho tiện, như Socrates. Tên thật và đầy đủ của ông: Socrates Brasileiro Sampaio de Souza Vieira de Oliveira. 8 chữ!

Thời ấy, người ta cho rằng cầu thủ Brazil thì cứ phải có biệt danh mới xứng tầm. Cầu thủ mà chỉ được gọi bằng tên thật (tên đầy đủ hoặc một chữ đầu tiên) thường bị xem là loại cầu thủ không có ấn tượng, không được đám đông hâm mộ.

Thậm chí, biệt danh hoàn toàn vô nghĩa, như Pele, lại càng thiêng liêng. Huyền thoại Pele thì phải thần bí ngay từ cái biệt danh chẳng biết ở đâu ra, chứ đấy không thể là một huyền thoại bình thường. Pele là một khái niệm hơn là một biệt danh có thể cắt nghĩa!

Bây giờ, Neymar đơn giản chỉ là cách gọi ngắn của Neymar da Silva Santos Junior. Ramires chỉ là Ramires Santos do Nascimento. Oscar là Oscar dos Santos Emboaba Junior. David Luiz cũng chỉ là David Luiz Moreira Marinho.

Chán, nhưng cũng đúng. Có bao giờ ĐT Brazil chuẩn bị bước vào World Cup với một tư thế tầm thường như hiện nay. Ấn tượng từ các tài năng bóng đá Brazil bây giờ nhạt thếch. Họ vẫn có thể thắng, nhưng... thế thôi. Họ sẽ chẳng bao giờ có một vị trí trang trọng trong ký ức của người hâm mộ Brazil như những Pele, Garrincha, Zico, Kaka trước đây.
Nguồn: Bongdaplus
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Việt Nam
Philippines
Indonesia
Iraq
Indonesia
Philippines
Iraq
Việt Nam
Bảng xếp hạng
  • A
  • B
  • C
  • D
  • E
  • F
  • G
  • H
Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng đá

Tổng Biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó tổng Biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ liên hệ
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Điện thoại: (84.24)35541188 - (84.24)35541199
Fax: (84.24)35539898
Email: toasoan@bongdaplus.vn
 

x