Căn bệnh cái Tôi & Căn bệnh nhiều hơn trong bóng đá
“Trừ phi bạn học được cách quản lý hậu quả của chiến thắng, không thì chính những nguồn lực đã đưa đội của bạn lên đỉnh cao sẽ quay lại và hủy diệt bạn”. Đấy là câu nói nổi tiếng của Pat Riley, một trong những HLV bóng rổ vĩ đại nhất trong lịch sử NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ).
Ông đã huấn luyện Los Angeles Lakers trong kỷ nguyên Showtime với 4 chức vô địch NBA trong những năm 1980 và danh hiệu thứ năm cùng Miami Heat vào năm 2006. Ông đã giành các danh hiệu với tư cách là cầu thủ, HLV, trợ lý HLV và giám đốc điều hành.
Cuốn sách nổi tiếng The Winner Inside gói gọn triết lý huấn luyện của Riley tập trung vào hai thứ có thể khiến một tập thể mạnh sa sút: một là căn bệnh cái tôi (Disease of Me) và hai là căn bệnh của sự nhiều hơn (Disease of More).
“Khi “căn bệnh cái Tôi” (Disease of Me) lây nhiễm cho những thành viên mạnh mẽ nhất trong tập thể, thậm chí là HLV của đội, họ tự huyễn một niềm tin mạnh mẽ vào tầm quan trọng của họ” – Riley nhấn mạnh. “Họ chỉ thiếu điều hét lên rằng ‘tôi là duy nhất’ Khi căn bệnh cái tôi lây nhiễm cho những thành viên yếu nhất, những người tạo ra 20% hiệu quả trong đội sẽ cảm thấy bị loại khỏi ánh đèn sân khấu. Thành công của đồng đội càng lớn thì sẽ oán giận của 20% người yếu nhất càng lớn”.
Với căn bệnh của sự nhiều hơn, Riley lập luận rằng “thành công thường là bước đầu dẫn đến thảm họa”. Theo ông, sau khi vô địch liên tiếp vào những năm 1980, mọi thành viên của Lakers đều trở nên ích kỷ hơn. Họ đã vươn lên đỉnh cao với tư cách là một tập thể, và bây giờ, họ muốn gặt hái những phần thưởng với tư cách cá nhân. Cuối cùng, họ đánh mất tầm nhìn và ngừng làm những điều nhỏ nhặt giúp đội của mình giành chiến thắng.
Các ý tưởng của Riley vẫn còn giá trị đến ngày nay. Các tập thể vô địch của mọi môn thể thao đều thoái trào hầu như với cùng một lý do: không chỉ do những đối thủ cạnh tranh đang mạnh lên, mà còn bởi chính họ đã không còn động lực để chiến đấu như một tập thể.
Người đoàn kết tập thể ở ĐT Pháp
Trong buổi họp báo sau trận thua Tunisia, HLV Didier Deschamps đã tỏ ra khó chịu khi nghe thấy câu hỏi về nghi ngờ Mbappe là “quyền lực đen” ở tuyển Pháp: “Bạn biết gì về Mbappe? Tôi hiểu cậu ta còn bạn thì không. Mbappe không đặt cái tôi của mình trên đội bóng và những chỉ trích nhắm vào cậu ấy là không đúng”.
Ông Deschamps không phải là người có thể thỏa hiệp với căn bệnh cái tôi: ông từng cấm cửa chân sút kỳ cựu Karim Benzema 6 năm vì đã chỉ trích HLV tuyển Pháp “phân biệt chủng tộc” khi anh không được triệu tập. Ngay từ khi mới tiếp quản Les Bleus, ông Deschamps đã nhấn mạnh rằng muốn “các cầu thủ phải cư xử tốt”, và bất kỳ một sự ngang ngược nào đều sẽ phải nhận hình phạt đích đáng.
Điều khó nhất với người đứng đầu một tập thể chất lượng như đội tuyển Pháp không hẳn là các giải pháp chiến thuật hay làm mới bài miếng. Hãy nhớ lại sự trượt dốc của họ những năm đầu thế kỷ: Pháp vô địch liên tiếp World Cup 1998 và EURO 2000, rồi đến World Cup 2002 với tư thế của một tập thể kiêu binh, và bị loại cay đắng từ vòng bảng.
Họ vào đến tứ kết EURO 2004, rồi chung kết World Cup 2006 khi bị đánh giá thấp. Nhưng năm 2010, tập thể có quá nhiều cái tôi nổi loạn đã hủy hoại đội bóng, với biến cố ở đồi Knysna (Nam Phi). Ông Deschamps, thành viên thế hệ vàng vô địch World Cup 1998 và EURO 2000, đã làm tất cả từ khi ngồi vào ghế HLV tuyển Pháp vào năm 2012 để duy trì đội bóng có quá nhiều ngôi sao này như một tập thể.
Tại World Cup 2018, báo chí Pháp viết rằng ông Deschamps đã “vô cùng cẩn thận khi lựa chọn 23 cầu thủ đến Nga, chỉ chọn những người mà ông cảm thấy có thể gắn kết thành một khối thống nhất”. Chính điều này đã khiến Benzema, chân sút quan trọng nhất ở Real Madrid, tiếp tục không được đoái hoài. Pháp đã vô địch World Cup 2018 bằng một lối chơi hài hòa giữa tỏa sáng cá nhân và sức mạnh tập thể.
Deschamps luôn muốn đội bóng của ông chiến thắng căn bệnh cái tôi và căn bệnh của sự nhiều hơn. Những dấu hiệu chủ quan đã xuất hiện ở EURO 2020, nơi Pháp bị loại sớm, còn Mbappe thì chơi bóng một cách lười biếng.
Nhưng thông điệp của ông Deschamps thì lúc nào cũng nhất quán: ông chọn cầu thủ đi World Cup 2022 rất cẩn thận, quyết định không gọi thêm người thay thế cho Benzema bị chấn thương vì muốn giữ vững bầu không khí tập thể, và tạo điều kiện cho những người dự bị được ra sân bất kỳ lúc nào điều kiện cho phép.
“Tinh thần đồng đội không xuất hiện một cách kỳ diệu vì ai đó bảo là phải như thế. Nó không phát triển mạnh chỉ vì sự hiện diện của tài năng hay tham vọng. Nó không phát triển đơn giản vì một đội bóng từng nếm trải thành công” – Pat Riley.
Nó chỉ lớn lên khi người đứng đầu suy nghĩ, và đau đáu về chuyện đó mỗi ngày. Deschamps, chứ không phải ai khác, mới chính là người quan trọng nhất đội tuyển Pháp lúc này, dù ông chắc chắn không bao giờ thừa nhận điều đó.