Nghịch cảnh của kỷ lục gia SEA Games Hoàng Quý Phước: 2 lần xuất ngoại chỉ để đua ở 'ao làng'

Kim Tuyến
10:56 ngày 17-08-2015
Từ vị thế của một tài năng trẻ sáng giá bậc nhất của cả làng bơi Đông Nam Á, sánh ngang thần đồng người Singapore Schooling, kình ngư 22 tuổi Hoàng Quý Phước đã chìm nghỉm. Tài năng hiếm có của Phước mà theo đánh giá phải hàng chục năm mới có được đã bị hoang phí, gắn với 2 chuyến tập huấn dang dở tốn kém tiền tỷ.
Nghịch cảnh của kỷ lục gia SEA Games Hoàng Quý Phước: 2 lần xuất ngoại chỉ để đua ở 'ao làng'
TỪNG NGANG NGỬA “THẦN ĐỒNG” SCHOOLING 
Chỉ cách đây 4 năm, tại SEA Games 2011, Quý Phước còn được so sánh ngang ngửa với “thần đồng” Josepth Schooling, người vừa giành được tấm HCĐ lịch sử cho bơi Singapore ở giải VĐTG. Gương mặt lạ đến từ Việt Nam đã gây chấn động khi giành 2 HCV, phá 1 kỷ lục, đạt 1 chuẩn B Olympic, trong đó trực tiếp đánh bại Schooling ở nội dung 100m bướm. 

Thời điểm ấy, xét trên mọi phương diện, về hình thể, tố chất, triển vọng, Phước không hề kém cạnh đối thủ kém mình 2 tuổi.  Một vài chỉ số như sải tay, độ bám nước, đặc biệt bản lĩnh thi đấu, “rái cá sông Hàn” còn nhỉnh hơn. 


Tay bơi sinh năm 1993 này cũng có một xuất phát điểm vô cùng thuận lợi khi cả ngành thể thao lẫn đơn vị chủ quản Đà Nẵng bắt đầu quan tâm đặc biệt cho môn bơi, mà anh là trọng điểm. Chưa kể trước khi được đặt vào một quy trình đầu tư chặt chẽ và kịp thời, ngay từ lúc tài năng mới chớm nở, Phước đã được kiểm tra y sinh toàn diện giống như chuẩn quốc tế, để xác định khả năng, sức vươn. Tất cả đều cho ra kết quả, chàng trai cao 1m83 hội đủ mọi yếu tố để trở thành một kình ngư tầm châu lục. 

CHÌM NGHỈM NGAY Ở “HỘI LÀNG”
Thế nhưng rốt cuộc, SEA Games 2011 rực sáng là giải đấu duy nhất Quý Phước có thể sánh được với Schooling, còn sau đó anh hoàn toàn giậm chân tại chỗ. Phước chưa bao giờ tìm lại được phong độ cao nhất của mình, dù chỉ ở tầm mức khu vực. Phải nỗ lực và may mắn lắm, anh mới đoạt được 2 HCV ở 2 kỳ SEA Games 2013 và 2015. Trình độ của anh coi như đã “đóng khung” ở đấu trường ĐNÁ. 

Mới đây nhất, ở giải VĐTG trên đất Nga, Phước đã trải qua một cuộc đấu thảm họa. Anh đứng hạng 63 nội dung 200m tự do, 57 nội dung 100m tự do với các thông số thua xa thành tích tốt nhất của mình. Thậm chí, tình trạng thể lực, phong độ xuống thấp đến mức, anh còn bỏ luôn nội dung thi cuối cùng 100m bướm. 


Màn trình diễn tệ hại này của Phước cũng chứng tỏ rằng việc anh giành được 1 HCV, phá 1 kỷ lục tại SEA Games 28 hồi tháng 6 giống như một “điểm rơi” cuối cùng, có được nhờ nỗ lực kiểu xuất thần chứ không phản ánh một đẳng cấp ổn định. 

NỖI ĐAU XUẤT NGOẠI & NGHỊCH LÝ TIỀN TỶ
Trường hợp của Hoàng Quý Phước chính là một điển hình cho nghịch cảnh của một VĐV có tài năng đặc biệt và điều kiện đầy đủ, rõ nhất về kinh phí, mà vẫn thất bại nặng nề khi cách làm nửa vời và hời hợt. Anh đã thực sự phải trải qua nỗi đau xuất ngoại và nghịch lý tiền tỷ. 

Kết thúc SEA Games 2011, các nhà quản lý đã quyết định đưa Phước sang Mỹ tập huấn dài hạn, với khoản kinh phí mỗi năm dự kiến 1,1 tỷ đồng. Ra đi đầy quyết tâm và khí thế, song chỉ mấy tháng anh đã trở về do nội bộ ĐTQG bơi mâu thuẫn, khả năng thích nghi yếu kém. Suốt mấy năm sau đó, khoảng thời gian quan trọng nhất đối với sự nghiệp, anh chỉ quanh quẩn trong nước kết hợp với các chuyến rèn giũa ngắn hạn ở Trung Quốc. 

Mãi đến đầu năm nay, những người có trách nhiệm mới đầu tư trở lại cho Phước bằng một chuyến tập huấn Nhật Bản. Không chỉ đã quá muộn, mà chuyến đi tốn kém tới 1,6 tỷ đồng của anh cũng kết thúc dang dở với những bất cập khó tin về địa điểm, phương thức. 

Tiếng là luyện tài ở trung tâm bơi hàng đầu thế giới nhưng sự thật tại đây anh chỉ được tập ở một CLB ít danh tiếng, dưới sự dẫn dắt của một chuyên gia bình thường, và gần như phải tự lo toàn bộ chuyện sinh hoạt, ăn uống. Càng đen đủi hơn vì Phước còn dính chấn thương lưng với diễn biến phức tạp, khó lường do không được phát hiện, chữa trị kịp thời. 

Thay vì có thể vươn tới nhóm hàng đầu châu lục, có thể có huy chương ASIAD, suất chính thức Olympic, một thứ hạng cao ở giải VĐTG, giờ đây Phước phải xác định làm lại từ đầu. Đây là điều quá khó, với cơ hội thành công rất thấp với một VĐV bơi 22 tuổi, đã trôi qua thời kỳ có thể phát huy tốt nhất tài năng của mình. Chưa kể, Phước còn đang bị hành hạ bởi chấn thương lưng dai dẳng, cũng như đánh mất sự tự tin và hưng phấn cần thiết. 

Có lẽ, với Hoàng Quý Phước, chỉ để duy trì ở tầm mức giành huy chương thêm 1 hay 2 kỳ SEA Games nữa cũng đã là cả một thách thức cực lớn, cho dù theo kế hoạch anh sẽ tiếp tục xuất ngoại tới Hungary hay Nga 

Người giành HCĐ thế giới, mình… bỏ cuộc 
Phần nào đó rất cay đắng cho Phước cùng cả bơi Việt Nam bởi kình ngư Singapore Schooling (ảnh) đã giành tấm HCĐ lịch sử  tại giải VĐTG ở đường bơi 100m bướm - chính nội dung anh này từng bị tuyển thủ Việt Nam đánh bại ở SEA Games 2011. Còn Phước, thật bi hài, lại bỏ cuộc không thi đấu cũng chính ở 100m bướm. 


Rất khó để có thể so sánh, song rõ ràng việc 2 người có xuất phát điểm, giờ 1 người đoạt HCĐ, 1 người phải bỏ cuộc đã nói lên quá nhiều điều trong cách thức chăm lo đầu tư của 2 nền bơi cho 2 tài năng. Tất nhiên, kể cả có được chăm lo tốt nhất, phát huy cao nhất, Phước vẫn khó có thể đạt tới một đẳng cấp như Schooling đang có. Thế nhưng, thua kém theo kiểu một trời một vực như thế này là một điều thật đáng buồn.

Ánh Viên làm Quý Phước thêm đau 
Nếu như Quý Phước có một giải đấu đáng quên, đàn em Ánh Viên đang khiến làng bơi quốc tế phải nhắc đến mình khi lần đầu lọt vào Top 10 tại giải VĐTG, và vừa đoạt tấm HCĐ Cúp thế giới. Thành quả Viên tạo lập được ở nội dung 200m hỗn hợp cũng chính là tấm huy chương đầu tiên của bơi Việt Nam ở một cuộc đấu tầm cỡ thế giới. 


Những kỳ tích liên tiếp của Viên càng khiến mọi người phải thấy buồn tiếc cho Phước, bởi giá như chuyến tập huấn tại Mỹ của anh từ 2012 cũng diễn ra như Viên, tình thế của anh chắc chắn đã khác hẳn.
Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x