Bóng đá ở huyện đảo Lý Sơn: Có điện phải mua ngay ti vi để coi U19 Việt Nam

Quang Thái
13:02 ngày 21-10-2014
Vào những ngày này, người dân huyện đảo Lý Sơn vẫn chưa hết “sướng cái bụng” khi dòng điện Quốc gia đã chính thức hòa mạng, kéo huyện đảo tiền tiêu này tới gần đất liền.
Bóng đá ở huyện đảo Lý Sơn: Có điện phải mua ngay ti vi để coi U19 Việt Nam
Niềm sung sướng, ngất ngây đó càng nhân lên khi nhờ có điện lưới mà bà con được xem “Công Phượng và U19 Việt Nam” thi đấu. Hóa ra, ở chốn mênh mông chỉ có biển trời này, bóng đá vẫn là một tình yêu, một niềm gửi gắm bao khát khao, mơ mộng.

Con tàu cao tốc rời cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn - tỉnh Quảng Ngãi) đưa tôi đến huyện đảo Lý Sơn trong một ngày biển động. Giữa những cơn sóng dập dềnh, chiếc tàu vẫn lao đi vun vút, chở du khách, nhu yếu phẩm, hàng hóa từ đất liền ra đảo. 
Lý Sơn - huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, nơi có vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh, nơi gắn với những câu chuyện huyền thoại về Hải đội Hoàng Sa từ thời nhà Nguyễn, mảnh đất của những người ngư dân vẫn hiên ngang rẽ sóng ra khơi hướng đến ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa thực sự mang đến quá nhiều cảm xúc. 

CÓ ĐIỆN RỒI, XEM BÓNG ĐÁ KHOÁI LẮM
- ĐT U19 mình nằm cùng bảng với Hàn Quốc, Nhật Bản thì đá sao được đây, thằng Trung Quốc cũng mạnh nữa

- Sao mà đá không được, mà thua thì thôi, ta chơi đẹp được rồi, đá cái này tầm châu Á để đi Uốc Cup hay sao đó, đâu đơn giản đâu mấy ba.

- Chiều nay tui chở hàng về sớm rồi tui coi đá banh.

- Tui cũng vậy, bỏ trận này sao được… 

Câu chuyện đầu tiên mà tôi nghe được khi vừa đặt chân lên đảo, hóa ra lại là những câu chuyện về bóng đá, về ĐT U19 Việt Nam. Chú Ba, anh Tư, và những người đàn ông trong câu chuyện làm nghề xe ôm chuyên chở hành, chở tỏi trên đảo tranh thủ lúc đợi bốc hàng xuống bàn tán rôm rả về bóng đá. 

Đi sâu vào trong đảo, chợt nghe thấy vang vang từ chiếc loa thùng là những lời quảng cáo cho một chiến dịch bán hàng của một chi nhánh điện máy mới mở tại đảo. Lý Sơn vừa có điện lưới Quốc gia, các mặt hàng đồ điện dân dụng bán rất chạy, trong đó có Ti vi màn hình lớn. 

Hỏi một chủ cửa hàng mới biết, lí do khiến Tivi bán chạy nhất trước hết là người dân mua về nghe bản tin thời tiết, nắm bắt tình hình thời tiết trước mỗi chuyến “đi bườm” (đi biển), sau nữa là về coi đá banh. “May mắn thay, đúng đợt Lý Sơn hòa lưới điện thì cũng là dịp ĐT U19 Việt Nam đang tung hoành ở các giải. Coi thật đã con mắt à nha” - ông chủ hể hả khoe.

Người dân đảo Lý Sơn cổ vũ các trận đấu của ĐTQG rất nhiệt tình, và giờ thì đặc biệt mê ĐT U19 với ngôi sao Công Phượng bởi “thằng nhỏ đó đá banh hay thật”. Giờ đây, mỗi cuối tuần, dân đảo đã có thể coi giải Ngoại hạng Anh thỏa thích. “Tối cuối tuần, sau những chuyến đi biển dài, đánh được nhiều cá, kiếm con cá mú nướng chơi, móc bộ lòng cá ra ăn, uống xị rượu mà coi Man-chét-tơ đá bóng thì còn gì thú hơn” - chú Ba cho biết. 

Cuộc sống gắn liền với biển nhưng người dân Lý Sơn rất đam mê bóng đá

TRẬN ĐẤU TRONG MƯA BÃO CỦA “U19 LÝ SƠN”

Buổi chiều, giữa những ngày biển động, mưa ào ào lúc rồi lại tạnh, tôi cùng anh bạn dạo một vòng quanh đảo. Thật ngạc nhiên, chúng tôi gặp ngay một sân bóng cỏ nhân tạo. Sân bóng mini 7 người này là sân bóng duy nhất của toàn huyện đảo. Đứng giữa đảo vào một ngày giông gió, mới cảm nhận rõ được cái giá trị lớn lao của cái sân bóng duy nhất này. 

Bên trong sân, một trận cầu sôi nổi đang diễn ra, với thành phần cầu thủ là các em học sinh cấp 2, cấp 3 trên đảo, như chính các cầu thủ nói vui rằng “ĐT U19 Lý Sơn”, và chính từ lời nói vui này lại thấy được rằng ĐT U19 giờ đang “hot” đến mức nào. 

Hỏi một cầu thủ dự bị đang đứng ngoài rằng sao mưa gió thế này mà vẫn đá bóng, em trả lời rằng: “Mưa gió thế này đã nhằm nhò gì với những người ở đảo, chỉ khi mưa giông quá lớn thì mới nghỉ thôi”. Em cho biết thêm, tiền thuê sân ở đây là 150 nghìn đồng/1 giờ, hoặc tầm 100 nghìn đồng nếu đặt dài hạn. 

Ngoài sân bóng được bảo vệ nghiêm ngặt, quả bóng ở đây cũng được cầu thủ rất giữ gìn, đá đến khi nào hỏng không thể dùng được nữa mới bỏ. Lí do là quả bóng không nằm trong danh mục hàng hóa được vận chuyển thường xuyên ra đảo, muốn mua bóng phải báo trước để người trong đất liền mua chuyển ra.  Sống nơi đầu sóng ngọn gió, những thanh niên đang tuổi lớn này thừa hưởng được sự mạnh mẽ, rắn rỏi, khéo léo từ cha ông. Quan sát trận đấu, tôi thấy các cầu thủ “phủi” ở đảo Lý Sơn đều dong dỏng cao, đá bóng khá hay, kĩ thuật tốt, tốc độ nhanh và đặc biệt khéo léo. Nhiều pha tranh chấp đòi hỏi tốc độ và thể lực khiến trận đấu diễn ra rất bắt mắt. 

Cầu thủ sút bóng bằng chân đất mà thủ môn cũng bắt bóng không cần găng tay, thế mà vẫn thi đấu quyết liệt. Nếu như có một nhà tuyển trạch bóng đá trẻ nào cất công ra tận đảo Lý Sơn, chưa biết chừng lại có vài cậu nhóc ở đây trúng tuyển rồi sau này trở thành danh thủ bóng đá nổi tiếng. 

Hết giờ thi đấu, các cầu thủ còn cố nán lại thêm 5-10 phút dợt vài đường bóng, sút vài cú đá penalty xong mới về. Mồ hôi nhễ nhại, tiếng cười vang suốt dọc con đường trên huyện đảo. 

Chia tay các cầu thủ phong trào “U19 Lý Sơn” ra về, trời đã tối, tiếng gió, tiếng sóng biển vẫn gầm gào. Và dẫu rằng, ĐT U19 đã thi đấu không thành công ở VCK U19 châu Á khi để thua Hàn Quốc, Nhật Bản và hòa Trung Quốc, tuy nhiên, người hâm mộ bóng đá ở Lý Sơn sẽ không buồn. Người Lý Sơn là thế, cởi mở chân thành, yêu bóng đá rất nhiệt tình và rất vô tư.  Cuộc sống ở đảo vẫn còn rất nhiều những khó khăn, nhưng vẫn đang đổi thay từng ngày. Những người dân bám đất, bám biển, vẫn hướng ra Trường Sa, Hoàng Sa bằng những chuyến đi biển dài ngày. 

Tình yêu với biển đảo thân yêu, với Tổ quốc thiêng liêng là điều có thể cảm nhận rõ ở người Lý Sơn, và tình yêu với bóng đá, với những chàng trai khoác lên mình màu áo ĐTQG, cũng chính là một phần của tình yêu Đất nước của những con người  đang bám trụ kiên cường nơi mảnh đất tiền tiêu đầy sóng gió này.

THÔNG TIN:

Ở đảo Lý Sơn, mỗi dịp Lễ Tết hay ngày làm lễ cúng ra khơi đầu Năm mới, cầu cho một năm đi biển thuận buồm xuôi gió, ngoài lễ hội đua ghe truyền thống giữa các làng, các xóm với nhau, giờ đây người ta còn tổ chức cả các giải bóng đá giao lưu giữa các thôn, xóm trong xã. Các giải bóng đá này thường rất đông vui và nhận được sự cổ vũ cực kỳ nhiệt tình của bà con trên đảo.  

CHÙM ẢNH VỀ HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN



Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

TT
Đội bóng
Trận
+/-
Điểm
1
34
+56
77
2
33
+48
76
3
34
+41
74
4
34
+21
66
5
32
+16
60
6
33
+1
53
7
33
+15
50
8
34
-9
48
9
32
+4
47
10
34
-11
45
11
33
-2
44
12
34
-8
43
13
34
-4
42
14
34
-13
37
15
34
-6
35
16
34
-12
29
17
34
-18
26
18
34
-29
25
19
34
-32
23
20
34
-58
17

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: toasoan@bongdaplus.vn | vanphong@bongdaplus.vn
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: quangcao@bongdaplus.vn

x