12 NĂM NGOẠI BINH LẤN LƯỚT
Ở bất kỳ giải VĐQG nào, một trong những điều mà BTC lẫn người hâm mộ hy vọng nhất chính là được xướng tên hoặc nghe tên một cầu thủ nội ở danh hiệu chân sút số 1 của mùa giải. Nó được xem như biểu trưng cho lòng tự tôn, giá trị, sức mạnh và chất lượng đào tạo bóng đá của quốc gia đó.
Tất nhiên, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Trong suốt 15 mùa giải (tính cả V.League 2015) bước lên chuyên nghiệp, bên cạnh việc nâng cao tính cạnh tranh, chất lượng giải đấu thì một trong những yếu tố được chú trọng chính là trình độ của các cầu thủ nội.
Đáng tiếc rằng, việc “nhập khẩu” ồ ạt hàng loạt các ngoại binh từ châu Âu, châu Phi đến châu Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh của các CLB qua các mùa giải đã cướp đi đất diễn của những cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là ở vị trí tiền đạo.
Cụ thể nhất chính là danh hiệu “Vua phá lưới”. Sau những Đặng Đạo (Khánh Hòa – năm 2001) và Hồ Văn Lợi (Cảng Sài Gòn – năm 2002), người ta không còn được thấy bóng dáng chân sút Việt nào nhận danh hiệu cao quý này nữa. Nỗi niềm đau đáu ấy trải dài trong suốt 12 năm qua, khi câu chuyện chân sút xuất sắc nhất mùa chỉ là chuyện riêng của những ông Tây như Huỳnh Kesley Alves, Gaston Merlo hay gần đây là Gonzalo Marronkle hoặc Hoàng Vũ Samson.
Thống kê từ năm 2008 chỉ ra, số lượng các cầu thủ Việt Nam có tên trong Top 10 các chân sút ghi bàn nhiều nhất mùa chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thậm chí ở V.League 2014 – mùa giải được xem là “cực thịnh” của chân sút nội với 5 gương mặt lọt trong Top 10, chúng ta cũng không có cái tên nào có thể giành danh hiệu “Vua phá lưới”. Đấy là chưa kể Hoàng Vũ Samson – chân sút giành danh hiệu này mùa trước còn bị cấm thi đấu liên tiếp đến 4 trận.
Cần nói thêm, dù đã nhập tịch Việt Nam, nhưng thực chất Samson vẫn được coi như một ngoại binh. Vì thế, suốt hơn 10 mùa giải kể từ khi lên chuyên nghiệp, V.League chưa có một cầu thủ nội “xịn” nào đoạt danh hiệu “Vua phá lưới”. Lê Công Vinh – cầu thủ được xem là tiền đạo tốt nhất của Việt Nam và cũng thường lọt vào top các chân sút hàng đầu cũng chỉ có thành tích tốt nhất là 14 bàn/mùa (mùa 2009) – một khoảng cách khá xa so với Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T - 23 bàn ở mùa 2014) hay Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng – 22 bàn ở mùa 2011).
BƯỚC NGOẶT V.LEAGUE 2015
Việc cứ cuối mùa giải lại có một cầu thủ ngoại được nhận danh hiệu “Vua phá lưới” thôi thúc Ban Tổ chức giải buộc phải thay đổi. Nếu như ở V.League 2014, mỗi CLB được đăng ký và sử dụng 3 ngoại binh và không hạn chế về số lượng cầu thủ nhập tịch thì năm nay, đa số đội bóng chỉ được đăng ký và dùng 2 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch (riêng B.Bình Dương và Hà Nội T&T được đăng ký 4 ngoại binh vì tham dự AFC Champions League).
Chính nhờ quy chế này mà các chân sút nội được hưởng lợi nhiều hơn. Tính đến trước vòng đấu thứ 19, cầu thủ Việt đã ghi tổng cộng tới 219 bàn thắng trong khi ngoại binh chỉ có 157 bàn (không tính các bàn phản lưới nhà).
Ngoài ra, có tới 3 gương mặt là cầu thủ nội xuất hiện trong Top 5 chân sút hàng đầu V.League tính đến trước vòng 19. Trong đó, tiền vệ Lê Văn Thắng của XSKT Cần Thơ cùng Patiyo Tambwe (QNK Quảng Nam) đang dẫn đầu danh sách với 12 bàn thắng. 3 vị trí còn lại lần lượt thuộc về Hoàng Đình Tùng (FLC Thanh Hóa), Nguyễn Văn Quyết (Hà Nội T&T) và Uche Iheruome (Sanna Khánh Hòa) với cùng 11 bàn.
Với hiệu suất trung bình xấp xỉ gần 1 bàn/1 trận trong khoảng 10 vòng đấu trở lại đây, những cầu thủ nội kể trên trên hoàn toàn có cơ hội nâng cao thành tích nổ súng của mình. Đặc biệt là khi giải đấu còn tới 8 vòng nữa. Điều đó đồng nghĩa, thành tích cầu thủ nội ghi bàn nhiều nhất trong 1 mùa của Lê Công Vinh (14 bàn mùa 2009) gần như chắc chắn sẽ bị phá vỡ. Đấy là chưa kể, việc góp mặt 3 cầu thủ nội trong Top 5 chân sút hàng đầu sẽ tạo nên cuộc cạnh tranh hấp dẫn, mở ra cơ hội lớn lần đầu tiên sau 12 năm, một cầu thủ Việt giành được danh hiệu “Vua phá lưới V.League”.
HẾT RỒI CHUYỆN RIÊNG CỦA NHỮNG “ÔNG TÂY”
Trong suốt 10 mùa bóng vừa qua, việc tranh nhau danh hiệu “Vua phá lưới V.League” chỉ là chuyện riêng của những cầu thủ ngoại. Tuy nhiên, mùa này không còn như vậy nữa. Lý do là bởi bên cạnh việc bị giới hạn số lượng ngoại binh ở mỗi CLB, sự vươn lên mạnh mẽ của các cầu thủ nội thì cũng phải kể đến sự kém cỏi đến từ các ngoại binh.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, chưa có mùa giải nào mà chất lượng các ngoại binh lại thấp như mùa giải này. Với việc bị hạn chế về cầu thủ ngoại, hầu hết các CLB ở V.League mùa này đều có xu hướng mua “lính đánh thuê” ở vị trí tiền đạo. Nhưng đổi lại, hầu hết họ đều chơi mờ nhạt, không tương xứ so với số tiền lương mà các đội bóng phải chi ra hàng tháng. Thống kê đến hết vòng 18 cho thấy, chỉ 1/2 số CLB ở V.League hiện tại có chân sút hàng đầu là cầu thủ ngoại. Có nghĩa rằng một nửa còn lại phải dựa giẫm vào tài năng của những nội binh.
Rõ nhất là trường hợp của HA.GL. Tính đến nay, cầu thủ ghi nhiều bàn nhất của đội bóng phố Núi là Công Phượng (5 bàn). Mặc dù đã thử việc tiền đạo Darko Lukanovic rồi sau đó là Mossa Sanogo nhưng đến nay thành tích của cả hai cầu thủ này vẫn chưa thể vượt qua cột mốc mà Công Phượng – người đã 7 vòng đấu tịt ngòi, có được.
FLC Thanh Hóa cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Nếu không có Đình Tùng, không hiểu đội bóng xứ Thanh có thể leo lên được vị trí thứ 2 ra sao. Sau khi loại Timothy vì không đáp ứng chuyên môn ở vòng 3, FLC Thanh Hóa lại tiếp tục rước về một Da Silva mờ nhạt để rồi sau đó họ buộc lòng tái hợp với Omar Faye – người từng bị phát hiện “đá chui” dù lĩnh án cấm thi đấu quốc tế 3 năm từ FIFA.
Quanh đi quẩn lại, những ngoại binh chất lượng ở V.League hiện tại hầu như vẫn là những gương mặt cũ từng khẳng định mình như Gonzalo, Samson (HN T&T), Uche (Sanna Khánh Hòa), Abass (B.Bình Dương), Diabate (ĐT.LA), Patiyo (QNK Quảng Nam). Họa chăng có một vài những gương mặt mới tạo sự hiệu quả như Errol Stevens (Hải Phòng) hay Sean Peter Fraser (SHB Đà Nẵng). Nhưng họ cũng đều bắt đầu bước sang tuổi.
Tất nhiên phải thừa nhận thực tế, các ngoại binh vẫn được xem là giải pháp hàng đầu mà hầu hết các CLB ở V.League nghĩ tới. Song với nguồn cầu thủ “nhập khẩu” không còn dồi dào, chất lượng còn bỏ ngỏ cộng thêm túi tiền tài chính ở mỗi đội cũng không rủng rỉnh như trước, việc chăm lo và tạo điều kiện cho những chân sút nội thể hiện tài năng là điều đáng để nghĩ đến ở thời điểm này.
Điều đó cũng có nghĩa rằng, cơ hội giành danh hiệu “Vua phá lưới” cho nội binh cũng mở rộng hơn trong những mùa giải tới.
Top 5 phá lưới V.League 2015 Patiyo Tambwe ( QNK Quảng Nam): 13 bàn Hoàng Đình Tùng (Thanh Hóa): 12 bàn Lê Văn Thắng (Cần Thơ): 12 bàn Uche Iheruome (Sanna Khánh Hòa): 11 bàn Nguyễn Văn Quyết (HN. T&T): 11 bàn |
Chân dung các vua phá lưới V.League trong 14 mùa giải vừa qua 2001: Đặng Đạo (Khánh Hòa) – 11 bàn 2002: Hồ Văn Lợi (Cảng Sài Gòn) – 9 bàn 2003: Achilefu (Nam Định) – 11 bàn 2004: Amaobi (Sông Đà Nam Định*) – 15 bàn 2005: Huỳnh Kesley Alves (B.Bình Dương) – 21 bàn 2006: Elenildo De Jesus (Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn) – 18 bàn 2007: Almeida (Đà Nẵng) – 16 bàn 2008: Almeida (SHB Đà Nẵng**) – 23 bàn 2009: Lazaro de Sousa (Quân khu 4), Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) – 15 bàn 2010: Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) – 19 bàn 2011: Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) – 22 bàn 2012: Timothy Anjembe (Hà Nội) – 17 bàn 2013: Samson Kayode***, Gonzalo Marronkle (Hà Nội T&T) – 14 bàn (ảnh) 2014: Hoàng Vũ Samson (Hà Nội T&T) – 23 bàn * Tại V.League 2004, CLB Nam Định đổi tên thành Sông Đà Nam Định ** Kể từ V.League 2008, CLB Đà Nẵng đổi tên thành SHB Đà Nẵng *** Tiền đạo Samson Kayode sau khi nhập tịch Việt Nam đổi tên thành Hoàng Vũ Samson. |