Trước hết, tôi xin chúc mừng Nguyễn Đình Triệu. Bạn ấy đã có trận đấu chính thức đầu tiên với ĐT Việt Nam. Tất nhiên, tôi không nghĩ đều đó đồng nghĩa Triệu sẽ bắt chính cho ĐT Việt Nam cả giải. Sự lựa chọn trong khung gỗ của chúng ta còn Nguyễn Filip. Từng là một thủ môn, tôi đánh giá rất cao gương mặt này. Cậu ấy giỏi, tư duy tốt, phản xạ nhanh, làm chủ không gian, nhạy bén trong đọc tình huống và ra vào khu vực cấm địa.
Khi tôi còn là thủ môn hay giờ làm nghề huấn luyện, mỗi trận đấu với từng đối thủ sẽ hoạch định gương mặt khác nhau. Điều đó nhằm gây bất ngờ cho đội bạn. HLV trưởng có tài thao lược là người giỏi tính toán, đưa ra những sách lược phù hợp với từng trận. AFF Cup là một ví dụ như vậy. Các đội đều tìm cách linh hoạt con người, làm sao để phía đối thủ chẳng thể bắt bài mình được nữa. Thủ môn cũng vậy thôi. Chẳng ai biết trận đấu với Indonesia, Việt Nam sẽ đưa vào sân thủ môn nào cả. Lấy ví dụ như trận đấu giữa Indonesia và Lào. Bất ngờ chiến thuật đến từ Lào khiến cho Indonesia dù được đánh giá cao hơn và đóng vai trò chủ nhà cũng trải qua nhiều phen điêu đứng.
Quay lại với câu chuyện thủ môn. Tôi đề cao giá trị ở khả năng chỉ đạo của người gác đền. Thủ môn là người đứng cuối cùng trong một đội hình. Vì vậy, thủ môn được quyền chỉ huy, thông tin, tạo gắn kết với hậu vệ nói riêng và các đồng đội trên sân nói chung. Không tránh khỏi ở một trận đấu, cầu thủ lơ là và mất tập trung. Khi ấy, giá trị ở khâu chỉ đạo của thủ môn cần phát huy cao độ. Thủ môn sẽ nhắc nhở, đánh thức cầu thủ đang mơ ngủ. Hay chẳng hạn, họ bị cuốn vào một tình huống, buông bỏ vị trí mà mình đảm nhiệm. Lúc bấy giờ, thủ môn bằng quan sát của mình phải hô hào, nhắc nhở cầu thủ ấy chú ý lại với nhiệm vụ được giao phó.
Khi còn làm nghề hay sau này theo nghiệp huấn luyện, tôi thường dặn các thủ môn sử dụng một vài câu hay cụm từ phổ thông thế này: “Đằng sau không có ai, bình tĩnh mà xử lý bóng”; “Cánh trái đang hở, bóp vào và theo người đi”, “Đẩy lên đi, bạn ra đấu với họ đi, có tôi ở đây rồi”. Sự liên kết giữa thủ môn và hậu vệ quan trọng trong khâu phòng ngự như thế đấy.
Xoay quanh những quả ném biên của Indonesia, đối thủ mà Việt Nam gặp ở lượt kế tiếp, tôi cho rằng sẽ rất nguy hiểm cho thủ môn đội mình nếu đối thủ có không gian ở vòng 5m50. Làm cách nào thì làm, thủ môn phải làm chủ được khu vực ấy. Bởi nếu chỉ cần bị động, việc va chạm với đồng đội, đối phương của thủ môn có thể xảy ra. Làm sao, thủ môn phải là người chủ động cao nhất ở khu vực ấy. Như thế, việc tránh các bàn thua trước những quả ném biên từ Indonesia mới xảy ra.