Không Chanathip, có Bunmathan
Ai cũng biết ĐT Thái Lan không thể có sự phục vụ của Chanathip Songkrasin, cầu thủ xuất sắc nhất trong 10 năm trở lại đây mà “Bầy voi chiến” có được. Điều đó vô hình trung khiến nhiều quan điểm cho rằng Thái Lan sẽ yếu đi trông thấy ở AFF Cup 2022, giải đấu mà đại diện xứ chùa Vàng hiện là nhà đương kim vô địch.
Quả thực, sức mạnh của Thái Lan có ảnh hưởng khi không còn Chanathip. Nhưng điều đó không đồng nghĩa, đoàn quân của HLV Polking bị đánh giá thấp đi. Thậm chí sau chiến thắng 5-0 trước Brunei ở trận ra quân tại bảng A, người ta nhận ra rằng Thái Lan vẫn còn sở hữu một “đầu tàu” đẳng cấp khác. Người ấy đủ khả năng lèo lái Thái Lan trong hành trình bảo vệ ngôi vương AFF Cup. Đó chính là Theerathon Bunmathan, nhân tố quan trọng không kém Chanathip, đồng thời cũng là gương mặt góp công lớn giúp “Bầy voi chiến” giành lại chức vô địch AFF Cup từ tay ĐT Việt Nam 1 năm về trước.
Thực tế xuyên suốt nhiều năm trở lại đây, người hâm mộ Đông Nam Á mặc định Bunmathan là mẫu hậu vệ biên hiện đại nhất khu vực. Anh không chỉ bám biên mặc định như nhiệm vụ giao phó. Cầu thủ này còn thường xuyên di chuyển vào khu vực trung tâm để tham gia vào quá trình điều phối bóng cho đội nhà. Dần dần, Bunmathan hoàn thiện nhãn quan chiến thuật và khả năng điều tiết nhịp độ và kiến tạo cho bản thân. Và trong trận đấu với Brunei, Bunmathan thậm chí còn được HLV Polking “khoán” luôn vai trò “nhạc trưởng” ở khu trung tuyến của đội nhà.
Coi chừng những đường chuyền của Bunmathan
Đó là quyết định phù hợp của HLV Polking. Bunmathan lúc này đã 32 tuổi. Anh không còn đủ thể lực để duy trì những màn leo biên tốc độ ở cường độ cao với đối phương bên cánh trái. Vai trò ấy được chiến lược gia mang trong mình 2 dòng máu Đức và Brazil giao lại cho Sasalak Haiprakhon, cầu thủ trẻ hơn Bunmathan tới 6 tuổi, trong trận đấu với Brunei. Công thức ấy hoàn toàn có thể tái lập trong những trận đấu tiếp theo của Thái Lan ở vòng bảng AFF Cup 2022, khi Sasalak đã làm tốt nhiệm vụ “chạy bù” cho Bunmathan mà HLV Polking kỳ vọng.
Không ít lần ở trận đấu với Brunei, người ta thấy được sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bunmathan và Sasalak. Bằng nhãn quan chiến thuật sắc sảo, đọc trận đấu khôn ngoan và thả trái bóng đúng nhịp, Bunmathan thường mở những đường chọc khe để Sasalak băng xuống, trước khi thực hiện một quả căng ngang vào trước vòng 5m50 cho Teerasil Dangda và Adisak Kraisorn băng vào tạo điểm cắt. Nếu như Sasalak chuyền bóng ổn hơn hay Dangda, Kraisorn có sức rướn tốt hơn, Thái Lan hoàn toàn có thể ghi nhiều bàn thắng vào lưới Brunei, hơn là con số 5 mà họ có được trước đối thủ này.
Nhưng ngay cả khi Sasalak có chuyền không tốt, Thái Lan vẫn có Bunmathan đóng vai trò “đầu não” kiến tạo. Ở phút 19 của trận đấu, khi ý đồ phối hợp giữa Sasalak và 2 trung phong của Thái Lan chưa thành công, chính Bunmathan tung ra đường chuyền vừa tầm để Dangda đánh đầu phá vỡ thế bế tắc cho Thái Lan trước Brunei. Cuối hiệp 2, cũng là Bunmathan mở ra một cơ hội trước khi hàng thủ Brunei rối loạn dẫn đến đá phản lưới nhà. Và một lần nữa, cũng lại là Bunmathan nhả trái bóng vừa tầm để Peeradol tung cú sút sấm sét ấn định thắng lợi 5-0 cho Thái Lan trước đối phương.
3 trong 5 bàn thắng của Thái Lan trước Brunei ghi dấu ấn đậm nét từ những pha chạm bóng của Bunmathan. Và sẽ không ngạc nhiên khi anh tiếp tục đóng vai “bộ não”, luân chuyển trái bóng của Thái Lan trong những lượt đấu kế tiếp tại AFF Cup 2022.