Từ Tân Sơn Nhất, chúng tôi đáp chuyến bay qua thành phố Thẩm Quyến (Trung Quốc). Ngay khi vừa bước ra cửa máy bay đã có một tình nguyện viên mang bảng “Asian Games 19” đứng đón sẵn và hướng dẫn chúng tôi rất nhiệt tình. Liu Chang – tên người bạn trẻ ấy cho biết: “Bọn em phụ trách đón khách và hướng dẫn các anh nhập cảnh tại Thẩm Quyến và làm thủ tục để đi tiếp đến Hàng Châu. Ở đấy, các bạn tình nguyện viên sẽ tiến hành kích hoạt thẻ ASIAD cho các anh”.
Cùng đi với tôi có đồng nghiệp Quốc Việt của báo Thanh Niên, sáng nay passport của Việt gặp chút trục trặc khiến anh phải dừng ở chỗ nhập cảnh hơi lâu, nhưng Liu Chang vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Sau đó anh tận tình đưa chúng tôi sang quầy làm thủ tục của chuyến bay nội địa để di chuyển từ Thẩm Quyến đến Hàng Châu. Không chỉ Liu Chang, các nhân viên ở sân bay đều rất nhiệt tình hỗ trợ tất cả thành viên có thẻ của đại hội như sự thể hiện lòng hiếu khách của nước chủ nhà.
Đến sân bay Hàng Châu, chỉ cần 2 phút là thẻ của các phóng viên và những thành viên thể thao tham dự đại hội đã kích hoạt xong, cùng nụ cười tươi rói của các chàng trai cô gái trẻ Trung Hoa: “Welcome to Hangzhou” (Chào mừng bạn đến Hàng Châu). Nụ cười rạng rỡ của họ khiến anh em chúng tôi như quên hết mệt nhọc sau một hành trình khá vất vả, do chuyến bay khởi hành từ lúc 2h50 sáng 17/9.
Từ sân bay, chúng tôi chúng tôi đến thẳng trung tâm báo chí của đại hội, nơi vừa đưa vào hoạt động từ ngày 16/9 và tại đây vẫn còn đang lắp ráp các trang thiết bị an ninh và các cửa hàng phục vụ giới truyền thông, dẫu thế mọi thứ vẫn hoạt động rất ổn và trơn tru. Ngay tại cửa trung tâm báo chí (MPC) và trung tâm truyền hình (IBC) đã có khá đông các bạn trẻ tình nguyện viên hỗ trợ các thành viên tham dự đại hội. Sự trẻ trung và tươi vui của các bạn khiến các phóng viên Việt Nam rất thích thú.
Năm nay so với kỳ ASIAD 2010 tại Quảng Châu đã có sự tiến bộ rõ nét, theo đó tại trung tâm báo chí và các địa điểm thi đấu của đại hội, phóng viên nước ngoài (trong đó có Việt Nam) có thể truy cập wifi và vào các trang mạng như facebook, youtube, google, zalo… bình thường. Nói thế, bởi các trang mạng xã hộii này bị cấm tại Trung Quốc. Dẫu vậy, các phóng viên Việt Nam khi đến đây tác nghiệp đều mua sim điện thoại chuyển vùng quốc tế để vào những trang mạng quen thuộc của Việt Nam ở các nơi công cộng và chuyển bài vở về nhà cho thuận tiên nhất.
Bên cạnh đó, do người Trung Quốc hiện nay hầu hết đều trả tiền qua hệ thống ví điện tử, do đó các phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại Trung Quốc gặp rất nhiều bất tiện, đó là chưa nói đến việc đổi ngoại tệ ra tiền Trung Quốc chẳng đơn giản. Do đó, trước khi đến Trung Quốc tác nghiệp, nhiều phóng viên Việt Nam đã chọn cách đổi tiền Trung Quốc ngay từ trong nước. Tuy nhiên, tại trung tâm báo chí Asian Games có khá nhiều quầy đổi tiền và làm việc cũng rất nhanh gọn, chứ không lâu lắc như các địa điểm mua sắm.
Cần nói thêm, không khí ASIAD 19 tại Hàng Châu đã rất tưng bừng. Lúc từ sân bay về trung tâm báo chí, dọc tuyến đường là các băng rôn, biểu tượng của đại hội. Thậm chí tại trung tâm báo chí chiều qua lúc chúng ta có mặt, những chàng trai cô gái trẻ trong các bộ trang phục các dân tộc của Trung Quốc đang chụp cùng 3 linh vật của đại hội rất dễ thương và thu hút sự chú ý của mọi người. Tuy nhiên, nếu hỏi tôi ấn tượng về điều gì khi đặt chân đến ASIAD sau 13 năm, kể từ sau đại hội năm 2010 tại Quảng Châu, có lẽ vẫn là nụ cười tươi rói của những bạn trẻ Trung Hoa.